Lượng CO2 từ hoạt động sản xuất con người đang đe dọa Trái đất - Ảnh: SCIENCE
Theo AFP, báo cáo mới nhất của Đài quan trắc cacbon dưới lòng đất (Deep Carbon Observatory) do hơn 500 nhà khoa học hàng đầu khắp thế giới thực hiện đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về lượng cacbon được lưu trữ, thải ra, và tái hấp thụ từ các hoạt động của tự nhiên và con người.
Trong đó, lượng thải CO2 từ hoạt động của con người hiện nay đã vượt xa lượng khí thải từ núi lửa. Cụ thể, khoảng 43.500 gigaton CO2 (1 gigaton = 1 tỉ tấn, tương đương khí từ khoảng 3 triệu chiếc Boeing 747) là ở trên bề mặt Trái đất, bao gồm dưới lòng nước, trong khí quyển… và 1,85 tỉ gigaton CO2 còn lại hiện nằm bên trong các lớp cấu trúc của Trái đất như lớp vỏ, lớp măng ti, hay trong lõi.
Cũng theo báo cáo, lượng khí thải CO2 hằng năm do con người thải ra nhiều gấp 100 lần lượng khí từ hoạt động núi lửa. Chẳng hạn năm 2018, con người thải ra 37 gigaton khí CO2, trong khi núi lửa chỉ thải 0,37 gigaton.
Nhóm nghiên cứu cho biết trong suốt lịch sử hình thành Trái đất, lượng cacbon chỉ tăng cao khi gặp những trường hợp siêu thiên tai bất ngờ.
Nhóm ước tính tác động của sự kiện hố Chicxulub hình thành 66 triệu năm trước do sao băng va phải làm tăng thêm từ 425 đến 1.400 gigaton CO2 cho Trái đất.
"Tuy nhiên, lượng CO2 mà con người thải ra trong 12 năm gần đây gần như tương đương với tất cả lượng khí từ các sự kiện thiên tai trong quá khứ" - GS Marie Edmond, chuyên ngành hóa thạch và núi lửa thuộc Trường Queens College (Anh), cho biết.
Tương tự, PGS Celina Suarez - chuyên ngành địa chất học thuộc ĐH Arkansas (Mỹ), chia sẻ lượng khí hiện tại mà chúng ta thải ra đã tương đương với lượng khí thải từ những thiên tai gây ra các cuộc đại tuyệt chủng trong lịch sử Trái đất.
Kết quả trên được nhóm đăng trên tạp chí Elements, được đánh giá như thêm một hồi chuông cảnh báo về lượng CO2 khủng khiếp mà con người thải ra hằng năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận