Quách Mạt Nhược là nhà thơ đã có công dịch trên 90 bài thơ từ tiếng Ba Tư trong kinh điển Bái Hỏa giáo (Manichéisme) sang tiếng Trung Hoa. Một trong những bài ngắn gọn nhưng cực kỳ hàm súc là:
Lai như lưu thủy hề, thệ như phong.
Bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung.
Tạm dịch:
Chợt đến như dòng nước chảy
Và tàn như gió qua mau.
Chẳng biết từ đâu mà đến
Và chẳng biết về nơi đâu.
Bài thơ thể hiện những câu hỏi tu từ thấm đẫm màu sắc triết lý về đời sống con người: Người là ai? Từ đâu đến? Về nơi đâu? Tại sao đời người ngắn ngủi đến vậy? Thái độ triết lý ấy là mẫu số chung trong triết học của nhân loại từ Đông sang Tây, được gọi là hoài nghi - sự tra vấn đối với chính mình. Hoài nghi là động lực thúc đẩy triết học phát triển.
Chúng ta đang sống trong những năm đầu của thế kỷ 21. Đồng tiền lên ngôi, lòng tham có cơ hội bộc phát, sự hoài nghi nở rộ: Vợ nghi chồng, cha nghi con, cháu nghi ông, lãnh đạo nghi nhân viên, bạn bè nghi nhau. Cái mà cuộc sống chúng ta đang khủng hoảng rất lớn là niềm tin. Người ta có thể cười nói, ăn uống, ngủ chung với nhau nhưng niềm tin thì không có. Sự hoài nghi phàm tục này chẳng dính dáng gì đến hoài nghi triết học cả.
Có những kẻ vượt qua hàng chục lần kê khai tài sản, chẳng có một món nào là bất minh. Xã hội nhìn ông ta như một người khả kính. Đánh đùng một cái, báo chí điều tra ra ông có nhiều món tài sản bất minh mà món nào cũng hàng chục tỉ đồng trở lên. Đã có biết bao nhiêu con người được phong tặng danh hiệu cao quý vì có thành tích làm giàu cho đất nước. Đánh đùng một cái, cơ quan do ông ta lãnh đạo sụp đổ, lòi ra những món nợ khổng lồ hàng ngàn tỉ đồng.
Một người hôm nay được coi là có công, ngày mai có thể trở thành trùm ăn cướp cạn. Biên giới giữa sự ngay ngắn và trò ma đạo rất mong manh. Học sinh nào mà không kính trọng thầy (cô) của mình, nhưng nếu em biết thầy (cô) vừa nhận của cha mẹ em năm chục triệu đồng để duyệt cho em vào học trường này thì làm sao em còn kính trọng thầy (cô) được. Một thanh niên vừa tốt nghiệp đại học phải tốn 300 triệu đồng để “mua” một chỗ làm trong cơ quan nhà nước thì làm sao anh có thể sống trong sáng với đồng lương khiêm tốn 5 triệu đồng hằng tháng được.
Vâng, con người đang rất khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng đến nỗi những hành động thân thiện nhất cũng bị nghi ngờ là có động cơ bất chính. Những đứa trẻ ở thành phố được dạy rằng khi ba mẹ đi vắng thì không mở cửa cho ai vào nhà. Ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại, cô dì chú bác dưới quê lên thăm thường phải đứng ngoài cổng chờ giờ tan sở. Phiền lòng thì rất phiền lòng nhưng làm sao ta trách trẻ con được. Đã có những đứa trẻ bị xâm hại tính mạng, sức khỏe vì nhẹ dạ cả tin. Trẻ con ở thôn quê còn có đồng ruộng để thả diều, một vườn cây để hái trái, một đoạn rạch cạn để nô đùa. Trẻ con thành phố có gì ngoài câu “Đừng mở cửa cho ai vào nhà hết nghen con”.
Con người càng khủng hoảng niềm tin, càng trở nên cô độc. Anh ta (chị ta) như con sâu, tự quấn cho mình chiếc kén và chui vào ẩn núp trong đó. Cũng có đi chơi, có ăn nhậu, có họp hành la cà với bạn cùng cơ quan đơn vị nhưng ít khi họ thương yêu nhau, tin tưởng nhau thật tình. Nghe người kia nói một câu là người này chiêm nghiệm lại, xem có “ý đồ” gì phía sau câu nói hay không. Mỗi con người cô độc trở thành một triết gia bất đắc dĩ, không thoát ra khỏi chiếc kén của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận