Cưng chiều con quá mức không làm cho những đứa trẻ là con cưng sung sướng, trái lại chúng rất khổ sở. Trẻ em cần có những phụ huynh nghiêm nghị nhưng dân chủ hơn là những người chỉ tìm mọi cách làm hài lòng con.
Tình yêu vô bờ, hay là cái dở?
Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với bác sĩ, giảng viên Nguyễn Lan Hải - chuyên gia về giáo dục giới tính, tâm sinh lý.
Chia sẻ về hệ lụy từ tâm lý nuôi dạy con một, con cưng của các bậc cha mẹ, bác sĩ Lan Hải đưa ra một số trích dẫn từ cuốn sách Bao nhiêu là đủ của GS.TS David J Bredehoft - chủ nhiệm môn khoa học xã hội và hành xử Trường ĐH St. Paul (Minnesota, Mỹ).
* Con một hẳn nhiên được cha mẹ dồn hết tình yêu thương, nhưng đây cũng là nguồn cơn của những sai lầm phải không, thưa bác sĩ?
- Con một thường có cuộc sống khá đầy đủ, chiều chuộng hết sức dù hoàn cảnh giàu hay nghèo. Tùy vào điều kiện kinh tế mà "cậu ấm cô chiêu" sẽ được cung phụng đủ các kiểu. Vì yêu con, cha mẹ thường cho con quá nhiều thứ. Từ ăn uống, ngủ nghỉ đến quần áo, đồ chơi. Từ trường lớp, sách vở tới tình yêu vô bờ. Lắm lúc họ cho con cái quá nhiều tự do và quyền hạn.
Ngoài ra, dù không phải con một nhưng nhiều trẻ cũng được cưng chiều như "ông trời con", xuất phát từ tâm lý bù đắp của cha mẹ. Trước đây đất nước còn khó khăn, hầu hết trẻ em hiểu cảnh nghèo và nỗi vất vả của gia đình nên biết kiềm chế bản thân, biết cảm thông chia sẻ, phấn đấu vươn lên để thoát nghèo.
Nhưng những đứa trẻ ấy giờ đây làm cha mẹ, muốn bù đắp cho con khỏi bị thiếu thốn như mình ngày xưa.
Hầu hết những "cậu ấm cô chiêu" này được làm hộ, làm thay, bênh vực, đáp ứng mọi nhu cầu dù là vô lý nhất... Nhiều đứa trẻ được cha mẹ cho tiêu tiền ngay khi còn nhỏ, sớm có thói quen giải quyết mọi chuyện bằng tiền như "thuê" bạn làm bài tập, trả tiền để bạn cho quay cóp trong giờ kiểm tra…
Điều này xuất phát từ quan niệm sai lầm của cha mẹ, cho rằng đáp ứng mọi đòi hỏi vật chất của con là cách thể hiện tình thương, đem lại hạnh phúc cho con, giúp con tự tin và sống cân bằng. Cha mẹ cũng định hướng sai cho con cái, để con chỉ tập trung việc học, chơi thể thao khiến con vào đời trở thành những người thiên lệch, thiếu kỹ năng sống cơ bản ngay cả kỹ năng tự phục vụ.
Nhiều gia đình bằng mọi giá phải đi du học, dù điều kiện kinh tế không dư dả. Người lại luôn cố tạo cho con môi trường sống "sạch sẽ", cách ly, tránh "ô nhiễm": đưa đón con đi học, đi đâu phải có cha mẹ theo, việc nhà đã có người giúp việc, học hành có gia sư kèm cặp.
Có người buộc con cái phải ganh đua dữ dội trong học tập dù chúng có muốn hay không, và đứa trẻ lớn lên với mục tiêu duy nhất trong đời là phải chiến thắng bằng bất cứ giá nào. Nhiều bậc cha mẹ để con cái phát triển tự do đầy bản năng nhưng cũng có người lại o ép con trong "kỷ luật sắt" một cách quá đáng.
Không ít cha mẹ ganh đua với con cái của người khác, như hội chứng "con nhà người ta". Muốn con giỏi giang bằng hoặc hơn người để cha mẹ nở mặt. Vô tình vẽ đường cho hươu chạy... sai.
* Như vậy, những đứa con này khi trưởng thành sẽ thế nào?
- Được bao bọc khiến nhiều đứa trẻ mất đi cơ hội lớn lên và trưởng thành, được đáp ứng đầy đủ về vật chất nhưng hoàn toàn vô kỷ luật hoặc hư hỏng. Các em vô tình bị cha mẹ biến thành đứa trẻ cá biệt trong mắt bạn bè và thầy cô giáo, đến trường thường lúng túng khi cần quyết định, không biết cách tiêu dùng, thiếu tế nhị trong giao tế, tinh thần trách nhiệm không cao.
Tâm lý nuôi dạy con "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa" sẽ ảnh hưởng quan trọng đến tính cách của con một khi các em trưởng thành. Trong đó có không ít tật xấu như tính khí thất thường, bẳn gắt mỗi khi không vừa ý.
Được cưng chiều quá mức, khi lớn lên các em thường không có tính tự lập, yếu ớt và thiếu tin tưởng ở chính mình. Không biết làm gì, thậm chí không thể kiểm soát nổi những cảm xúc của bản thân hoặc nhanh chóng chấp nhận thất bại trước sức ép của cuộc sống.
Nặng nề hơn, các em bước vào đời không toàn vẹn về nhân cách, nặng thì trở thành kẻ chây lười hư hỏng, thiếu tự chủ, nhẹ cũng là những con "gà công nghiệp" không biết làm gì kể cả nuôi mình.
Nhiều đứa trẻ còn có hội chứng "ông trời con". Khi còn niên thiếu thì nói tục, ngông nghênh, ngạo ngược, thích đua đòi, sống buông thả, không nỗ lực học hành. Trưởng thành rồi, các em thường có cái tôi rất cao, muốn gì là đòi bằng được, tính cá nhân mạnh đến nỗi bỏ qua những suy nghĩ, cảm xúc của người khác và chỉ biết đến sự thỏa mãn của bản thân.
Dần dần, các em sẽ trở nên xa cách xã hội, có thể không coi mình là một thành viên trong cộng đồng.
Khi lập gia đình, khả năng làm cha mẹ yếu vì không biết cách quản lý dạy dỗ con cái, và cũng thiếu trách nhiệm nếu con hoang đàng. Lúc thất bại thì quay ngược lại trách cha mẹ mình.
Trở thành người mình hy vọng con cái sẽ trở thành
* Liệu có công thức để cha mẹ có thể nuôi dạy con cái nên người?
- Yêu thương quá đà có thể gây ra tác dụng ngược, nhưng một điều chắc chắn là thiếu tình thương của người lớn, có thể gây ra những hậu quả xấu cho trẻ, nhiều đứa trẻ phát triển khuynh hướng bạo lực, cô độc hoặc vô cảm vì bị ruồng bỏ và đối xử tàn nhẫn.
Phụ huynh cần yêu thương đúng cách, phải tỉnh táo với tâm lý rằng đời mình đã khổ nay muốn bù đắp cho con hoặc muốn con cái bằng bạn bằng bè.
Đồng thời, các bậc làm cha mẹ phải sáng suốt phân định rõ giữa việc cần, đủ và thừa, để có cách yêu con phù hợp.
Để trẻ tự tin mà không tự cao, biết cho và nhận hợp lý, biết chia sẻ và cảm thông với người khác… đòi hỏi các bậc cha mẹ phải nỗ lực rất nhiều trong cách thể hiện tình cảm đối với chúng, giúp trẻ hiểu biết các biên độ sống, biết thế nào là chừng mực trong mọi nhu cầu sống.
Cha mẹ cần sẵn sàng giải thích rõ cho con về đúng, sai trong hành vi của con, dứt khoát trước những hành vi, lời nói mà trẻ không được phép làm. Khen chê đúng mức, đúng lúc, để trẻ dần dần định hình được các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống. Không làm hộ, làm thay con mọi việc, không chiều chuộng, đáp ứng mọi nhu cầu của con nhất là lúc vô lý, chưa thực sự cần thiết.
Đồng thời nói chuyện hằng ngày với con, khuyến khích con đặt câu hỏi và cố gắng giải đáp một cách thấu đáo, uốn nắn kịp thời.
Không nuông chiều con thái quá không có nghĩa là phải "thương cho roi cho vọt", nghiêm khắc một cách máy móc, cứng nhắc. Muốn thể hiện sự không đồng ý khi con cái yêu cầu, cha mẹ không cần tỏ thái độ cấm đoán thẳng thừng, mà để trẻ tự đấu tranh, tự kiềm chế những ham muốn, rồi sau đó hướng dẫn con xử lý, rút ra bài học kinh nghiệm.
Đồng thời rèn con tính kỷ luật, độc lập, không dựa dẫm vào người lớn nhưng phải trong chừng mực chứ đừng biến thành tách biệt và vô cảm với mọi người. Dạy trẻ biết tiêu tiền, có khả năng tính toán, tổ chức cuộc sống và hiểu giá trị của sức lao động, quý trọng lao động.
Cách tốt nhất để động viên con cái trở thành người có trách nhiệm, cha mẹ phải hành động có trách nhiệm, phải thật sự cố gắng trở thành người mà mình hy vọng con cái sẽ trở thành.
Con một dễ bi quan trước nghịch cảnh
Tại Trung Quốc, hàng triệu "tiểu hoàng đế" đã ra đời và tận hưởng cuộc sống vô cùng thoải mái do chính sách một con.
Các nhà khoa học của ĐH Monash, Úc tuyển 421 người (cả nam và nữ) ở Bắc Kinh: một nửa số họ chào đời trước năm 1979, khi Trung Quốc bắt đầu áp dụng chính sách một con, nửa còn lại sinh sau 1979.
Nhóm nghiên cứu yêu cầu các tình nguyện viên làm các bài kiểm tra lòng vị tha, mức độ đáng tin cậy, quan điểm đối với sự mạo hiểm, khả năng cạnh tranh và tính cách cá nhân.
Kết quả cho thấy lòng vị tha, mức độ đáng tin cậy, khả năng cạnh tranh, tinh thần chấp nhận mạo hiểm trong cuộc sống của những người chào đời sau năm 1979 thấp hơn rõ rệt so với những người được sinh ra trước đó. Trong khi mức độ bi quan và lo lắng của họ trước nghịch cảnh lại lớn hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận