Cơn mê sao chép kiến trúc phương Tây ở Trung Quốc đến lúc chấm dứt?

MAI HƯƠNG 20/05/2020 16:05 GMT+7

TTCT - Rất nhiều bản sao của các công trình nổi tiếng trên thế giới đã được xây dựng khắp Trung Quốc suốt hai thập niên qua. Nhưng một chỉ thị mới đây của Chính phủ Trung Quốc sẽ sớm chấm dứt tình trạng bắt chước này. Và bài học này có lẽ sẽ hữu ích cho những nơi đang ấp ủ quy hoạch và xây dựng những khu đô thị mới.

Khi bạn tiến vào Thames Town ở quận Tùng Giang, phía đông nam thành phố Thượng Hải, tiếng còi xe và những ồn ào khác của một đô thị Trung Quốc sẽ lùi lại phía sau.

Không có các xe bán bánh bao ven đường hay mấy chiếc ba gác đi lượm ve chai, những con đường ở Thames Town hun hút và rồi bạn sẽ nhìn thấy từ xa cái gì đó giống như tháp đồng hồ ở làng Cotswolds nước Anh. Người phụ trách việc quy hoạch khu dân cư Thames Town, kiến trúc sư người Anh Tony Mackay cho biết: “Nó có chất lượng như mơ của thứ gì đó kiểu châu Âu”.

“Thị trấn Thames” ở Thượng Hải. Ảnh: BBC
“Thị trấn Thames” ở Thượng Hải. Ảnh: BBC

Từ mô phỏng, lấy cảm hứng...

Khi được quan chức địa phương mời đến đây làm việc vào năm 2001, Mackay chỉ nhìn thấy ở Tùng Giang những cánh đồng và những đàn vịt. Ngày nay, nơi này có những con đường lát đá, những quán rượu kiểu Anh, những căn nhà khung gỗ phong cách Tudor. Có cả một bức tượng thủ tướng Anh Winston Churchill, một hội quán có kiến trúc kiểu Trung Cổ của châu Âu đang trương bảng chào mời món cánh gà và bia bằng tiếng Quan Thoại.

Một góc Thames Town với tượng thủ tướng Anh Winston Churchill. Ảnh: James Bollen, The Guardian
Một góc Thames Town với tượng thủ tướng Anh Winston Churchill. Ảnh: James Bollen, The Guardian

Nhưng Mackay không vui trước những gì ông đã góp phần tạo ra: “Nó trông giả giả”.

Nhà quy hoạch cho biết thay vì mô phỏng chính xác từng đường nét, các kiến trúc sư thiết kế nhà đã tạo ra những bản mô phỏng của đủ thứ phong cách. Một số nhà khung gỗ cao đến sáu tầng, cửa sổ của nhà thờ ở Thames Town bị sai tỉ lệ. “Đá cũng được sử dụng không đúng loại. Một nhà thờ Anh chính hiệu không bao giờ dùng vật liệu như thế” - ông Mackay cho biết.

Kiến trúc châu Âu đầu tiên được các nhà tư bản người Anh cho xây dựng ở Thượng Hải từ năm 1843, một năm sau khi Hiệp ước Nam Kinh cắt Thượng Hải thành những khu tô giới cho Anh, Pháp, Mỹ. Từ đó đến thập niên 1940, các công trình lớn mọc lên ở Thượng Hải đều đậm chất phương Tây.

Điển hình là khu Ngoại Than chạy dài 2km dọc bến Thượng Hải, nơi khoảng 50 tòa nhà xây trong những năm 1840 - 1940 có mái vòm, cột tân cổ điển, họa tiết cầu kỳ kiểu Gothic, Phục Hưng, Baroque... Năm 1927, khi xây dựng tòa nhà hải quan ở Ngoại Than, người ta đã đặt trên đỉnh công trình cao tám tầng này một tháp đồng hồ sao y tháp Big Ben của London.

Nhưng nếu như vào thời đó kiến trúc nước ngoài được xây dựng trong các khu tô giới để đáp ứng phong cách sống của kiều dân phương Tây thì ngày nay, những kiến trúc này được xây dựng với một mục đích khác: thỏa mãn nhu cầu được nhìn ngắm và được sống trong những không gian kiểu châu Âu của người Trung Quốc.

Thames Town được xây dựng trong khuôn khổ chương trình gọi là “Nhất thị Cửu trấn” (Một đô thị, chín thị trấn) được chính quyền Thượng Hải triển khai vào cuối những năm 1990, nhằm tạo ra những khu đô thị vệ tinh có kiến trúc quốc tế thu hút dân từ trung tâm chuyển ra ngoại ô sinh sống.

“Dự án Nhất thị Cửu trấn là một bước chiến lược quan trọng để cải thiện quá trình đô thị hóa của Thượng Hải với các vùng lân cận” - nguyên giám đốc Phòng quy hoạch đô thị Thượng Hải Xia Liquin từng nói trong một cuộc phỏng vấn của Shanghai Daily năm 2007.

 "Những thiết kế nực cười này là một minh chứng hoàn hảo cho sự thiếu tự tin của dân Trung Quốc vào văn hóa, truyền thống của chính mình. Họ nghĩ rằng chỉ có châu Âu mới là nhất." 

(Kiến trúc sư Guo Qiming)

...Đến sao y bản chính 

Nhất thị Cửu trấn còn có thị trấn Scandinavia ở quận Bảo Sơn, thành phố Weimar (kiểu Đức) ở quận Gia Định, thị trấn kiểu sông nước châu Âu ở quận Thanh Phố và quận Kim Sơn, làng Ý ở quận Mẫn Hằng, làng Hà Lan ở khu đô thị mới Phố Đông, thị trấn Tây Ban Nha ở quận Phụng Hiền.Bà Xia khi đó khẳng định rằng những thị trấn này chỉ thiết kế theo kiến trúc và quy hoạch châu Âu. “Nói chúng là bản sao hay nhân bản là không đúng” - bà quả quyết.

Hai khu dân cư khác thuộc dự án này bị giới kiến trúc sư ghét cay ghét đắng là Châu Phố ở quận Huệ Châu và Bảo Trấn ở quận Sùng Minh, vì kiểu tổng hợp kiến trúc tá lả.

Hậu quả là ở Bảo Trấn có những căn nhà với cột kiểu Pháp, bancông kiểu Anh, mái nhà kiểu Ý, nhưng cửa trước thì kiểu... Trung Hoa. Giảng viên của khoa quy hoạch đô thị thuộc Đại học Đồng Tế (Tongji) ở Thượng Hải, kiến trúc sư Guo Qiming đã nhận xét đầy bức xúc về Bảo Trấn: “Tôi thất vọng đến không thể tả được”.

Sao y bản chính cũng không khá hơn. Thành phố Weimar ở quận Gia Định thuê công ty Đức sao chép cả một thị trấn Đức với tỉ lệ 1:1 với đủ cả bưu điện, nhà thờ, quán cà phê, chung cư kiểu Bauhaus vuông vức.

Thậm chí, đất đai, cây cối cũng được đưa từ Weimar về, nhưng tiếc thay, thực vật ở Weimar đã chết khi được đem ra trồng ở Gia Định vì không hợp khí hậu. Còn nhà thờ xây bằng ximăng thì trông giả tạo, không có hồn như nguyên bản được ốp đá cẩm thạch uy nghi.

Gây chấn động thế giới là dự án Ngũ Khoáng ở thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông. Khánh thành năm 2012 bên sông Đông Giang, nơi này sao chép từng mái nhà, từng ô cửa, từng góc phố, khúc cua của làng Hallstatt, một di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, tọa lạc bên vùng hồ Hallstätter See của nước Áo từ thời Trung Cổ.

Làng cổ Hallstatt (Áo) đã được dựng lại “nguyên đai nguyên kiện” ở Trung Quốc. Ảnh: Next Nature
Làng cổ Hallstatt (Áo) đã được dựng lại “nguyên đai nguyên kiện” ở Trung Quốc. Ảnh: Next Nature

Để thực hiện được bản sao 870 triệu USD này, hàng đoàn người đã được cử sang Áo từ năm 2007 để chụp ảnh, lén lút đo đạc, âm thầm thu thập dữ liệu về làng cổ Hallstatt.

Khánh thành năm 2020 có công trình sao y bản chính làng Stratford-upon-Avon, quê hương của William Shakespeare. Được gọi là Shakespeare Town, nơi này không chỉ tạo dựng lại y khuôn căn nhà khung gỗ mái dốc, nơi nhà viết kịch người Anh từng chào đời, mà cả phiên bản của khu làng danh nhân này từng gắn bó.

Khác với các bản sao được dựng lên trong cơn cuồng kiến trúc châu Âu trước đây, Shakespeare Town được chính cơ quan chức năng phía Anh cấp phép sao chép và là một phần của khu làng du lịch Tam Ông gần thành phố Phúc Châu của tỉnh Giang Tây.

Rồi cũng hết chịu nổi và nghiêm cấm

Khắp Trung Quốc còn có những bản sao nổi tiếng khác như: Sky City (Thiên Đô Thành) rộng 31km2 ở ngoại ô thành phố Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang, sao chép thủ đô Paris của Pháp, có tháp Eiffel cao bằng 1/3 nguyên bản và cả đại lộ Champs-Élysées trứ danh.

Tháp Eiffel và góc phố y như Paris trong Sky City - Thiên Đô Thành ở ngoại ô thành phố Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang. Ảnh: Bricoleurbanism, Flickr, CC BY-NC 2.0
Tháp Eiffel và góc phố y như Paris trong Sky City - Thiên Đô Thành ở ngoại ô thành phố Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang. Ảnh: Bricoleurbanism, Flickr)

Rồi có cả Venice Town ở thành phố Đại Liên của tỉnh Liêu Ninh, mô phỏng thành phố nổi của Ý với 4km kênh đào, với 200 tòa nhà kiểu Venice dọc đôi bờ và không thiếu cả thuyền gondola ngược xuôi như thật.

Công trình đơn lẻ phải kể đến bản sao cầu London Tower ở thành phố Tô Châu giống đến từng chi tiết, chỉ khác là có tới bốn tháp cầu trong khi bản chính chỉ có hai tháp. Nhà Trắng, biểu tượng quyền lực của nước Mỹ, cũng được sao chép để xây tòa nhà làm việc của chính quyền huyện Liên Thủy ở tỉnh Giang Tô.

Bản sao cầu London Tower ở thành phố Tô Châu. Ảnh: Reuters
Bản sao cầu London Tower ở thành phố Tô Châu. Ảnh: Reuters

Để hình dung, đây là bản gốc cây cầu London Tower ở London (Anh):

Bản gốc cầu cầu London Tower ở thủ đô London của Anh.  Ảnh: Colin, Wikimedia Commons, CC BY-SA-4.0
Bản gốc cầu cầu London Tower ở thủ đô London của Anh. Ảnh: Colin, Wikimedia Commons)

Những công trình này được Bianca Bosker, tác giả quyển Original Copies: Architectural Mimicry in Contemporary China (Sao chép y nguyên: Sự bắt chước kiến trúc ở Trung Quốc đương đại), gọi là duplitecture - trùng trúc, chứ không phải kiến trúc.

Theo bà Bosker, công trình sao chép bị phương Tây xem là dở hơi và kỳ quái nhưng được nhiều người ở Trung Quốc xem là “thực sự đẹp”.

Việc bắt chước ở Trung Quốc được xem như là một “dạng điêu luyện”, nên không bị phê bình mà còn được khuyến khích, và chính quyền các thành phố không ngần ngại chi hàng trăm triệu USD cho việc này, còn người dân thì luôn hào hứng tìm đến những khu kiến trúc y chang phương Tây để thưởng lãm và trải nghiệm chút phong cách sống châu Âu.

Zhang Li - một công chức ở Thượng Hải, thường đến Thames Town chơi vào ngày nghỉ - cho biết: “Thường thì nếu bạn muốn nhìn ngắm một tòa nhà nước ngoài, bạn phải ra nước ngoài. Nhưng nếu các tòa nhà này được nhập khẩu vào Trung Quốc, mọi người có thể thưởng lãm kiến trúc kiểu nước ngoài mà không phải tốn kém”.

Kiến trúc sư Guo Qiming có quan điểm khác: “Những thiết kế nực cười này là một minh chứng hoàn hảo cho sự thiếu tự tin của dân Trung Quốc vào văn hóa, truyền thống của chính mình. Họ nghĩ rằng chỉ có châu Âu mới là nhất”.

Cuối cùng, sau hai thập niên chứng kiến sự sao chép này, Bộ Nhà ở và phát triển đô thị - nông thôn và Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia của Chính phủ Trung Quốc đã quyết định chấm dứt nó.

Ngày 27-4 vừa qua, hai cơ quan này đã ban hành thông tư về “Tăng cường quản lý diện mạo kiến trúc đô thị” nhằm chấn chỉnh tình trạng hỗn loạn trong xây dựng với nhiều công trình “khổng lồ, sính ngoại, kỳ quái”.

Thông tư này nêu rõ ba đối tượng sẽ bị quản lý chặt chẽ là các công trình công cộng lớn, các công trình siêu cao, và các công trình ở vị trí quan trọng. Trong đó, sân vận động, trung tâm triển lãm, bảo tàng, nhà hát sẽ được xem là các công trình công cộng lớn của đô thị và không được “đạo ý tưởng, bắt chước, sao chép”.

Đề án thiết kế các công trình này ở đô thị cấp trung ương và cấp tỉnh phải được nộp cho Bộ Nhà ở và phát triển đô thị - nông thôn xét duyệt, các sở của bộ này ở các tỉnh sẽ theo dõi việc xây dựng. Thông tư cũng kêu gọi “một thời đại mới trong kiến trúc để củng cố sức mạnh văn hóa, thể hiện bản sắc của các thành phố, tinh thần đương đại và dấu ấn Trung Hoa”.

Đúng như phân tích của kiến trúc sư Tony Mackay, các thị trấn sao chép chỉ là một cơn mê nhất thời của Trung Quốc. Cơn mê đó giờ đây đã đến lúc phải chấm dứt. Nhưng không rõ rồi các giá trị văn hóa Trung Hoa sẽ tìm đường quay trở lại dưới dáng vẻ gì.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận