13/05/2018 09:33 GMT+7

Còn mẹ để yêu thương là hạnh phúc

LƯU ĐÌNH LONG
LƯU ĐÌNH LONG

TTO - Gần Ngày của mẹ năm nay (chủ nhật thứ 2 trong tháng 5), chúng tôi làm một phỏng vấn bỏ túi về tình thương dành cho mẹ của một số bạn trẻ, thật mừng vì ai cũng đong đầy tình thương dành cho mẹ.

Còn mẹ để yêu thương là hạnh phúc - Ảnh 1.

Hãy luôn tạo điều kiện để mẹ được vui vầy với con cháu - Ảnh: T.T.D.

Thương mẹ là đạo lý tự nhiên, nhưng để đúng "quy trình", bắt đầu phần hỏi chúng tôi mặc định: Bạn có thương mẹ không? Người trả lời lại bối rối, nhất là với câu hỏi "Bạn đã thương mẹ như thế nào?" hoặc "Bạn có bao giờ nói thương mẹ chưa?". Câu trả lời vẫn chưa thực sự trơn tru nhưng có thể thấy, thương mẹ như thế nào là điều mà mỗi người con vẫn chưa thực sự nghĩ tới một cách đầy đủ.

Thương mẹ như thế nào...

Thương mẹ, liệu có phải răm rắp nghe lời và làm theo ý mẹ? Và có phải chỉ học thật giỏi, thi đậu vào ngành mẹ mong?... Đó là những gợi ý của chúng tôi và đa số có vẻ "giật mình" vì đã nghĩ thương mẹ chính là làm như thế.

Bạn Huy Cường lý giải về điều này: "Cũng phải thôi, đa số chúng ta đều nghĩ rằng làm hài lòng mong muốn của người lớn là thương, là có hiếu. Tuy nhiên, không phải bao giờ người lớn cũng đúng và không phải lúc nào mong muốn, định hướng từ người lớn cũng sẽ mang lại hạnh phúc cho con cái".

Và theo bạn Cường, nhiều bạn trẻ cần suy nghĩ lại để không rơi vào "cái kén" của sự bảo bọc, đến lúc vỡ ra thì bản thân đã khổ, ba mẹ càng lo hơn.

Bạn Huỳnh Thanh, nhân viên văn phòng, làm việc tại Sài Gòn, bày tỏ: "Mẹ mình rất tâm lý, thường không bắt con phải làm gì đó hay ép con thực hiện mong ước của gia đình, dòng họ gì cả. Mẹ hay bảo con có cuộc đời riêng, con phải là người kiến tạo, đừng để bị chi phối bởi bất kỳ ai và bất kỳ điều gì".

Có lẽ do mẹ Huỳnh Thanh là một cô giáo nên khá "hiện đại" khi không đặt nặng lên vai con quá nhiều áp lực, "nhờ vậy đến nay mình đã 30 vẫn không bị thúc ép... chồng con, vì thế mình biết ơn mẹ nhiều lắm, lúc nào cũng nhủ lòng phải hạnh phúc để mẹ an lòng".

Trong khi đó, Nhân (SV ĐHKHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: "Tình thương con cái dành cho mẹ (và cả ba) phụ thuộc vào tình thương của ba mẹ dành cho con cái. Đây không phải là "điều kiện" mà là sự ảnh hưởng, là "phong cách" sống của từng gia đình".

Nhân kể, gia đình chú ruột bạn trông lạnh lùng vì tính cách ít bày tỏ tình cảm, nhưng là người nhà mới thấy mỗi thành viên đều rất thương nhau không chỉ bằng lời nói. Chú thím bạn đã sống mẫu mực nên con cái ai cũng đàng hoàng, học hành tử tế.

Sự bày tỏ từ tâm

Hỏi rằng, bạn từng nói thương ba mẹ chưa - có thể với người Việt, câu "con thương mẹ lắm" thật... khó nói mà người nghe cũng khó tiếp nhận luôn! Chia sẻ về điều này, bạn Đỗ Thụy Linh (Đà Nẵng) kể vui: có lần bạn thử gọi về nói "mẹ ơi con thương mẹ". Nghe xong, mẹ Linh không những không vui mà còn "hoảng hốt": "Có chuyện gì rứa con, nói mẹ nghe. Có chi phải nói chớ đừng giấu mẹ nghe không, hay con có bị thất tình, bị chi không rứa?".

Linh dí dỏm nói thêm: "Bỗng dưng một ngày bạn gọi điện thoại nói với mẹ là "con thương mẹ", tôi đồ rằng khi đó bà nghĩ chắc con cái đang có việc gì khổ tâm lắm, hoặc... đầu óc có vấn đề không chừng".

Các bạn trẻ tham gia chia sẻ với chúng tôi đều thống nhất rằng, là con, còn mẹ để yêu thương, để về nhà và ra "yêu sách" - mẹ nấu món này món kia, hay kêu mẹ ơi, mẹ ơi chỉ để nghe "ừ, có chi rứa con" như hồi xưa bé dại cũng là hạnh phúc lớn lao rồi.

Vậy làm gì để biểu thị tình thương với mẹ, có thể ai cũng thấy đừng nhìn nhà người khác mà bắt chước, cũng không thể lấy văn hóa phương Tây thực hành, mà tùy vào bạn đã hiểu mẹ mình đến đâu.

Thụy Linh bày tỏ: "Nếu mẹ bạn đã dành cả tuổi thanh xuân chắt chiu nuôi bạn lớn khôn, dù thế nào bạn cũng nhớ là con cái không được làm điều gì tổn thương mẹ. Chỉ thế thôi!".

Thiền sư Nhất Hạnh từng khuyên mọi người hãy ngồi nhìn mẹ thật kỹ, thật lâu và nói "mẹ có biết là con thương mẹ không" trong đoản văn "Bông hồng cài áo" viết năm 1962. Bạn có thể làm điều đó hoặc không nhưng cần luôn giữ lòng thương mẹ thật nhiều vì mẹ là... duy nhất - như chia sẻ của bạn Huy Cường tham gia trò chuyện cùng chúng tôi.

Đó cũng là tiếng lòng của bao người có mẹ, hiểu tình thương của mẹ cũng như của cả những ai đang nếm trải nỗi mất mát lớn lao khi không còn mẹ trong đời.

Một cách nhớ ơn mẹ

Vào Facebook anh Nguyễn Hữu Duy, một doanh nhân ở TP.HCM, anh kể về mẹ mà rưng rưng. Mẹ anh, người phụ nữ can trường, đã tạo nên cho anh cả tuổi thơ êm đềm dù nghèo khó.

Khi cuộc hôn nhân không còn vui vẻ, bà đã một mình nuôi con. Ngày anh khởi nghiệp là lúc cả hai mẹ con đánh cược căn nhà bà đã chắt chiu tạo dựng.

Số tiền 400 triệu đồng từ căn nhà cầm cố của mẹ đã nâng cánh ước mơ cho anh. Biết ơn mẹ thì ráng sống tử tế, biết sẻ chia với đời - với người là cách anh Duy làm để báo hiếu.

Ngày của mẹ ở các nước diễn ra thế nào?

TTO - Người Thái Lan mua vòng hoa nhài và quỳ lạy mẹ, trong khi người Mexico đưa mẹ đi nhà hàng ăn uống và để người khác nấu nướng thay.

LƯU ĐÌNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên