Ngày 2-11, Trường cao đẳng Kinh tế TP.HCM đến nhà trao bằng tốt nghiệp và giấy khen cho sinh viên V.V.T. (quê Bình Thuận). Trước bàn thờ T., người cha mặc lễ phục tốt nghiệp thay con nhận bằng. Ba cứng rắn nhận bằng, mẹ nước mắt giàn giụa.
T. tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh loại xuất sắc với kết quả điểm tổng kết 3,62 nhưng không kịp nhận bằng tốt nghiệp. Giữa tháng 8, sau khi nộp hồ sơ xét tốt nghiệp, T. chạy xe gắn máy về quê, định thăm ba mẹ ít bữa rồi trở lại Sài Gòn đi học tiếng Anh. Gần tới nhà, T. bị tai nạn giao thông.
T. đã không đợi được ngày nhận bằng. T. cũng không kịp thực hiện lời hứa với ba mẹ: đi làm và học liên thông lên đại học.
Theo ba mẹ T., gia đình có bốn người con, T. là con út. Các anh chị học phổ thông thì nghỉ, T. học giỏi nhất nhà nên tiếp tục học lên. 12 năm liền T. là học sinh giỏi. T. chọn học cao đẳng để đỡ gánh nặng học phí cho ba mẹ.
T. nói với gia đình sau khi tốt nghiệp cao đẳng sẽ đi làm và học liên thông lên đại học.
Vừa học vừa làm thêm, T. tích góp mua được chiếc xe gắn máy để chuẩn bị cho việc đi làm. Thế nhưng mọi dự định, lời hứa và ước mơ đã dừng lại trong chuyến về quê ấy.
Ngày trao bằng tốt nghiệp, trường liên hệ gia đình để xem mong muốn nhận bằng ở trường hay nhà riêng. Gia đình cho biết mong muốn nhận bằng tốt nghiệp tại nhà. Ban giám hiệu, thầy cô trong khoa đã đến nhà trao bằng theo nguyện vọng của gia đình.
Trước bàn thờ T., ba mặc áo tốt nghiệp thay con nhận bằng và giấy khen dành cho sinh viên tốt nghiệp xuất sắc từ phó hiệu trưởng nhà trường. Nếu còn sống, T. cũng sẽ được vinh danh trong lễ tốt nghiệp tổ chức tại trường.
Sinh viên chịu khó, tốt nghiệp xuất sắc
Ông Phạm Hùng Dũng - phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế TP.HCM - đã trao bằng tốt nghiệp, giấy khen và hỗ trợ từ nhà trường, thầy cô trong khoa cho ba mẹ T..
Nói về người sinh viên đã mất, ông Dũng cho biết T. rất chịu khó và thông minh. Vừa làm, vừa học nhưng T. luôn đạt kết quả học tập rất tốt, tốt nghiệp loại xuất sắc. T. cũng có nhiều dự định khi đăng ký học IELTS và dự định đi làm để lấy kinh nghiệm liên thông lên đại học.
"Chúng tôi không dám trao đổi nhiều vì sợ rằng sẽ khơi lại nỗi đau của gia đình. Chúng tôi muốn trao bằng và giấy khen bởi nó thuộc về T. và đó là sự ghi nhận xứng đáng dành cho người sinh viên xuất sắc của trường" - ông Dũng bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận