TTCT - Ấy là khi con mắt nhìn vào vết thương cộng đồng vừa như kẻ dự phần nhưng vừa đứng cao hơn mọi định kiến để thấy đó là một mối cơ khổ phổ quát của nhân loại khi chiến tranh, đói nghèo, bất ổn chính trị vẫn đang khiến cho con người bị lưu đày. Không bề thế như tiểu thuyết The Sympathizer (giải Pulitzer 2016), không nhiều công phá của lý tính như tập tiểu luận Nothing Ever Dies - Vietnam and the Memory of War, nhưng những mảnh ghép trong tập truyện ngắn Người tị nạn (tựa gốc The Refugees) cho thấy Viet Thanh Nguyen đã khởi động văn nghiệp bằng việc mở một lối khơi tìm phần ký ức sâu kín nhất của cộng đồng ly hương với con mắt văn chương đầy thao thức và thấu hiểu. Trước hết, Viet Thanh Nguyen chọn một điểm nhìn vừa bên trong, vừa bên ngoài cộng đồng người Việt tị nạn trên đất Mỹ sau năm 1975. Bản thân ông rời Việt Nam khi còn quá nhỏ (4 tuổi), nên giữ được một khoảng lùi trước những “nợ nần” hay định kiến gay cấn lịch sử để lại. Ký ức quê hương cũng mờ nhạt, đến ngôn ngữ mà ông sử dụng cũng hoàn toàn không phải là tiếng mẹ đẻ. Ông thuộc một thế hệ gắn liền với văn hóa Mỹ, tưởng đã đứt đoạn với các vấn đề thuộc về quá khứ của chính cái cộng đồng sinh ra mình, nhưng không, tập truyện vẫn cho thấy tác giả không thể rời khỏi vùng ký ức đầy mất mát, thậm chí, có vẻ như ông chống lại những mất mát ký ức để sâu xa lần tìm hai chữ: cội nguồn. Có rất nhiều cuộc đối thoại giữa hai thế hệ, về chọn lựa lý tưởng, về quan niệm sống, về lịch sử và nhất là về những biến cố xáo trộn diễn ra trên phần lớn các truyện ngắn trong cuốn sách này. Cuộc đối thoại giữa một nữ văn sĩ với người mẹ về những bóng ma đầy ám ảnh trong quá khứ đeo bám cuộc sống của họ (Những người đàn bà mắt đen), của cha con người Mỹ về món nợ thời chiến và ứng xử trong thời hiện tại nơi vùng chiến trường xưa (Người Mỹ) hay sự trở lại của cô con gái với gia đình thứ hai của người cha mình (Tổ quốc)... Rất nhiều cuộc truy vấn được dựng lên rồi bỏ lửng, như thể đó là những câu hỏi luẩn quẩn đeo đẳng trong vô thức cộng đồng, thường xuyên nảy lên trong mọi cuộc đối thoại, gây chia rẽ, đứt gãy, làm sống lại những vết thương đau đớn. Và cũng vì thế mà mỗi cá nhân trong cộng đồng ấy muốn gắn kết, đều phải trang bị một năng lực tiết chế và im lặng. Im lặng cũng là cách ôm ấp vỗ về bi kịch riêng tư. Sự im lặng là liệu pháp bảo bọc mọi vết thương, đẩy chúng về quá khứ, để giúp con người ta tiếp tục sống. Nhưng chưa có phương thuốc chữa lành, chưa có những cuộc đại phẫu thuật, đoạn tuyệt hoặc để hóa giải, hòa giải hay chí ít, là kiến giải tường tận mọi thương tổn bên trong... Đặc trưng và đậm sâu nhất trong tập truyện này là truyện ngắn đầu tiên, Những người đàn bà mắt đen. Họ sống sót nhưng không thuộc về nơi cư trú. “Chúng tôi không thuộc về nơi này. Trong một xứ sở mà tài sản định giá trị mọi thứ, chúng tôi chẳng có của cải gì ngoài những câu chuyện” (trang 23). Người mẹ trong truyện ngắn này sống với những bóng ma quá khứ. Cô nữ văn sĩ viết thuê tự truyện về những thảm họa của người khác lại không thoát ra khỏi nỗi ám ảnh của chuyến hải trình đầy mất mát cùng gia đình, mà cô cũng là nạn nhân bị cưỡng bức. Hồn ma những tay cướp biển, hồn ma con thuyền, hồn ma người anh đã bị giết chết vì bảo vệ đứa em gái trước bọn hải tặc, hồn ma những người tị nạn nói chung và nhất là hồn ma của chính cô hôm qua đang nhìn vào thực tại cuộc sống cô, gia đình cô. Những vết dao ký ức cứa đi cứa lại trong tâm hồn họ. Những trang viết từ tầng hầm tối tăm của câm lặng, ở đó, nhân vật nhà văn trong truyện đang chuyển tải thông điệp văn chương của tác giả: “Viết tức là bước vào sương mù, mò mẫm tìm một con đường từ thế giới này tới thế giới huyền ảo của chữ nghĩa, một con đường mà không phải hôm nào cũng dễ dàng tìm thấy” (trang 29). Tập truyện có một truyện giàu chất thơ viết về ông giáo sư già mất trí, lạc lối trong ký ức những cuộc tình (I’d love you to want me), nhưng ngay trong cuộc truy vấn ký ức tình yêu bất khả ấy, bóng dáng lịch sử cộng đồng người Việt ly hương trôi dạt cũng nhiều lần đồng hiện. Những truyện ngắn được viết, đăng báo rải rác, nhận một số giải thưởng từ năm 2007 đến 2011 có thể nói là khởi đầu cho một văn nghiệp bằng lối viết hiện thực phản thân, cách mà Linda Lê hay Nam Le đã làm trước đó. Không thể tránh những vụng về trong chi tiết một số, một số chi tiết rải rác còn mang màu sắc minh họa, vì nhà văn kể câu chuyện của mình, cộng đồng mình bằng thứ chất liệu được kết nối chủ yếu qua dòng chảy ký ức của thế hệ đi trước. Nhưng điều đáng kể nhất ở tập truyện này chính là điểm nhìn văn chương được đặt từ một quãng khá trung lập, để có những chi tiết lấp lánh sự giễu nhại, hài hước, thẳng thắn mà không cực đoan, thông đạt mà không vướng vào bi thương... Ấy là khi con mắt nhìn vào vết thương cộng đồng vừa như kẻ dự phần nhưng vừa đứng cao hơn mọi định kiến để thấy đó là một mối cơ khổ phổ quát của nhân loại khi chiến tranh, đói nghèo, bất ổn chính trị vẫn đang khiến cho con người bị lưu đày. Đó cũng là lý do ngay khi ấn hành vào đầu năm 2017, trong thời điểm người tị nạn vẫn đang là vấn đề nóng bỏng trên thế giới, tập truyện này đã gây chú ý đặc biệt. Bằng con mắt nhìn vào thân phận người tị nạn nói chung đầy dồn nén và sẻ chia, tác giả gói thông điệp cuốn sách rất khéo léo trong lời đề từ: “Tặng những người tị nạn, ở bất cứ đâu”.■ (*) Người tị nạn, tập truyện ngắn, Viet Thanh Nguyen, do Phạm Viêm Phương dịch, Tủ sách Người Việt năm châu, Phương Nam Book & NXB Hội Nhà Văn ấn hành, 2017. Viet Thanh Nguyen có tên Việt Nam là Nguyễn Thanh Việt, sinh năm 1971 tại Buôn Ma Thuột, cùng gia đình sang Mỹ định cư năm 1975. Ông là giáo sư Anh ngữ, sắc tộc và Hoa Kỳ học; là cây bút phê bình uy tín, thường xuất hiện trên New York Times, The Guardian, The Atlantic, Los Angeles Times... Tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên) của ông gây chú ý đặc biệt, thắng giải Pulitzer năm 2016 (hạng mục tác phẩm hư cấu). Tập tiểu luận Nothing Ever Dies - Vietnam and the Memory of War của ông từng vào chung khảo National Book Award và National Book Critics Circle Award. Tập truyện Người tị nạn là tác phẩm đầu tiên của Viet Thanh Nguyen được dịch, ấn hành tại Việt Nam (những tác phẩm khác đều đã được Nhã Nam và Phương Nam Book ký hợp đồng bản quyền). Tác giả chia sẻ với phía giữ bản quyền cuốn Người tị nạn tại Việt Nam rằng ông mong sớm có bản dịch tiếng Việt để cha ông có thể đọc nó. Tags: Người tị nạnViet Thanh NguyenNguyễn Thanh Việt
Ông Vũ Hồng Văn làm bí thư Đồng Nai HÀ MI 25/01/2025 Ông Vũ Hồng Văn, phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được điều động, chỉ định giữ chức bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.
Phá sập đường dây lừa đảo xuyên biên giới chuyên giả danh công an, cán bộ thuế, lừa hơn 13.000 người HÀ QUÂN 25/01/2025 Theo cơ quan công an, băng nhóm người Việt lừa đảo ở Campuchia đã mạo danh công an, cán bộ điện lực, thuế... gọi điện đề nghị người dân cập nhật thông tin để chiếm quyền sử dụng điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Nga tuyên bố dùng drone cảm tử hạ xe tăng Abrams ở vùng Kursk THANH BÌNH 25/01/2025 Nga cho biết các lực lượng nước này đã dùng máy bay không người lái cảm tử (kamikaze) phá hủy chiếc xe tăng M1 Abrams của Ukraine tại vùng biên giới Kursk.
Cục diện phim Tết phức tạp sau khi 3 phim đều đã lộ diện, Nụ hôn bạc tỉ của Thu Trang xé túi mù LÊ GIANG 25/01/2025 Tối 24-1, phim 'Nụ hôn bạc tỉ' của Thu Trang chiếu ra mắt truyền thông, chốt lại bộ ba phim Tết năm nay, bên cạnh 'Bộ tứ báo thủ' và 'Yêu nhầm bạn thân'.