19/04/2019 07:56 GMT+7

Con mắc nợ ngân hàng, nhà cha mẹ bị cưỡng chế bán luôn

TRUNG TÂN - TRẦN MAI
TRUNG TÂN - TRẦN MAI

TTO - Hơn một năm trước, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông cưỡng chế bán đấu giá nhà người con được gần 1,4 tỉ đồng để trả nợ theo quyết định của tòa án.

Con mắc nợ ngân hàng, nhà cha mẹ bị cưỡng chế bán luôn - Ảnh 1.

Hai lô đất liền kề của vợ chồng và cha mẹ anh Du đều bị bán đấu giá - Ảnh: TRUNG TÂN

Dù số tiền thu được đã dư trả nợ ngân hàng hơn 1,1 tỉ đồng (cả gốc lẫn lãi), đơn vị này vẫn tiếp tục "cưỡng chế" bán luôn nhà cha mẹ người này…

Gia đình lâm vào hoàn cảnh trớ trêu đó là anh Nguyễn Văn Du và chị Lê Thị Thùy Phương (trú thị trấn Đức An, huyện Đắk Song). Anh Du kể ngày 11-12-2015, anh đến Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) chi nhánh Đắk Lắk vay 1 tỉ đồng để làm vốn trồng hoa màu mong có cuộc sống khấm khá hơn...

Bán cả tài sản bảo lãnh

Tuy nhiên, "sổ đỏ" lô đất 100m2 (thửa đất số 2) của vợ chồng anh không đủ làm tài sản đảm bảo nên anh mượn thêm "sổ đỏ" của cha mẹ ruột là thửa đất liền kề với diện tích 160m2 (thửa đất số 1) để làm tài sản bảo lãnh. 

"Theo hợp đồng tín dụng cũng như khế ước đã ký với ngân hàng, các tài sản gồm thửa đất số 1, số 2 dùng để đảm bảo các khoản vay tại Ngân hàng ACB" - anh Du nói.

Giữa năm 2017, vợ chồng anh Du mất khả năng thanh toán nên Ngân hàng ACB kiện ra Tòa án nhân dân huyện Đắk Song đòi nợ. Cũng cần nói thêm, trong quá trình làm ăn, anh Du và chị Phương có hai khoản vay khác, với số tiền tổng cộng 560 triệu đồng và tòa cũng buộc vợ chồng anh Du phải trả.

Trên cơ sở này, ngày 26-6-2017, ông Nguyễn Anh Sâm, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đắk Song, ra thông báo và quyết định kê biên (quyết định cùng số 11) bán đấu giá cả thửa đất số 1 và thửa đất số 2 để thi hành tất cả các bản án nêu trên. 

Nhận được quyết định này, ông Nguyễn Ngọc Cảnh (nay đã mất) và bà Phạm Thị Nhung, là cha mẹ của anh Du, khiếu nại thông báo và quyết định cưỡng chế số 11 mà chấp hành viên đã ban hành.

Bà Phạm Thị Nhung khẳng định chỉ chấp nhận dùng "sổ đỏ" thửa đất số 1 để bảo lãnh khoản vay 1 tỉ đồng của vợ chồng anh Du tại Ngân hàng ACB mà thôi. 

"Khi thấy họ ra quyết định cưỡng chế bán cả nhà của tôi, vợ chồng tôi đã khiếu nại. Chúng tôi cam kết rằng nếu thửa đất của con tôi bán không đủ trả tiền ngân hàng, tôi sẽ trả phần còn thiếu. Nếu tôi không đủ tiền trả thì mới được bán nhà của tôi để trả nợ cho ngân hàng" - bà Nhung đau khổ.

Bất chấp quy định và cam kết trả nợ của đương sự, Chi cục Thi hành án dân sự Đắk Song vẫn cương quyết thi hành quyết định cưỡng chế số 11. Đơn vị này hợp đồng với Công ty cổ phần đấu giá Trung Nam - chi nhánh Đắk Nông bán đấu giá thành hai tài sản nêu trên vào ngày 27-10-2017. 

"Hôm đấu giá, chúng tôi có mặt tại đó. Khi họ bán thửa đất của con tôi được gần 1,4 tỉ đồng, dư số tiền trả nợ gốc lẫn lãi cho ngân hàng rồi nên chúng tôi yêu cầu ngừng bán đấu giá. Thế nhưng không rõ vì sao họ vẫn kiên quyết bán nhà, đất của chúng tôi (giá hơn 1,5 tỉ đồng - PV)" - bà Nhung bức xúc.

Sau khi bán đấu giá hai tài sản trên, trước sự khiếu nại, tố cáo vô cùng quyết liệt của gia đình ông Cảnh, bà Nhung, tài sản đã bán không thể giao cho người mua trúng đấu giá. 

Số tiền thu được hơn 2,9 tỉ đồng cũng không thể trả cho Ngân hàng ACB hay những người được thi hành án khác nên Chi cục Thi hành án dân sự huyện phải gởi số tiền này vào ngân hàng...

Bi kịch dồn dập

Chưa qua nỗi đau làm ăn thua lỗ mất nhà cửa, liên lụy cha mẹ thì đầu tháng 1-2019, vợ anh Du lại phát bệnh ung thư máu phải nằm điều trị tại Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM nhiều tháng qua.

thihanhan (4) 2(read-only)

Bà Phạm Thị Nhung (mẹ anh Du) đau khổ kể lại việc bị cưỡng chế bán căn nhà của mình - Ảnh: TRUNG TÂN

Theo anh Du, đến nay chi phí điều trị cho vợ hết khoảng 180 triệu đồng và sẽ cần 450 triệu đồng nữa để kết thúc liệu trình. "Toàn bộ số tiền 180 triệu đồng đó do bạn bè, người thân thương tình giúp đỡ. Sắp tới chẳng biết cứu vợ bằng cách nào. Ở nhà thì có ba đứa con đang nhờ bà nội trông giúp" - anh Du thở dài.

Thi hành án nhận sai

Chúng tôi đã tìm gặp lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đắk Song và chấp hành viên Nguyễn Anh Sâm - người ra quyết định cưỡng chế bán luôn căn nhà ông Cảnh, bà Nhung - để hỏi về phương án giải quyết nhưng đều bị từ chối.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Sơn, cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Nông, thừa nhận việc cưỡng chế bán đấu giá nhà con rồi bán luôn nhà cha tại Đắk Song có nhiều vi phạm. 

Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo, Cục Thi hành án đã ra văn bản tạm dừng việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá để giải quyết vụ việc. Cục cũng yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự Đắk Song, chấp hành viên tìm giải pháp khắc phục hậu quả...

Liên quan đến vấn đề này, ông Tạ Đình Đề - phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Đắk Nông - cũng khẳng định việc thi hành án Đắk Song cưỡng chế bán đấu giá lô đất của ông Cảnh, bà Nhung là trái quy định của pháp luật. 

Theo ông Đề, tài sản của ông Cảnh, bà Nhung chỉ dành để bảo lãnh cho hợp đồng tín dụng giữa anh Du với Ngân hàng ACB mà thôi. 

"Khi bán tài sản anh Du đã đủ trả nợ cho ngân hàng nhưng chấp hành viên vẫn bán nhà của ông Cảnh, bà Nhung để thi hành các bản án khác (mà anh Du phải trả - PV) là vi phạm rất nghiêm trọng. Viện đã có quyết định kháng nghị, yêu cầu khắc phục ngay các vi phạm trong việc bán đấu giá lô đất của ông Cảnh, bà Nhung" - ông Đề nói.

Về phương án khắc phục, cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Đắk Nông cho biết đã mời người mua trúng đấu giá lô đất vợ chồng ông Cảnh, bà Nhung lên thỏa thuận việc sẽ trả lại tiền mua cộng chênh lệch lãi suất trong thời gian qua nhưng người này không chịu. 

"Anh ta đòi giá chênh lệch quá cao nên chấp hành viên không chấp nhận. Hơn nữa, chúng tôi cũng đang chờ kết luận của Tổng cục Thi hành án dân sự cũng như kết quả điều tra của Viện KSND tối cao mới có phương án giải quyết thấu đáo" - ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, trong trường hợp thỏa thuận không được với người mua trúng đấu giá thì phương án cuối cùng là các đương sự (chủ tài sản, chấp hành viên) phải khởi kiện ra tòa. 

"Hiện nay luật chưa có quy định khác về việc hủy kết quả khi đã bán đấu giá thành nên phải khởi kiện. Khi tòa án tuyên hủy kết quả bán đấu giá thì tài sản mới có thể trả về cho ông Cảnh, bà Nhung" - ông Sơn cho biết.

Việc chấp hành viên và Chi cục Thi hành án dân sự Đắk Song sau khi bán tài sản của anh Du đã đủ tiền thanh toán cho Ngân hàng ACB vẫn tiếp tục bán nhà ông Cảnh, bà Nhung là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật. 

Tài sản của ông Cảnh, bà Nhung chỉ bảo lãnh khoản nợ vay đối với Ngân hàng ACB của anh Du. Thế nhưng chấp hành viên cố tình bán tài sản của ông Cảnh, bà Nhung để thi hành các bản án khác của anh Du là có dấu hiệu của hành vi cố ý làm trái quy định pháp luật, cần khởi tố vụ án để điều tra...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nguồn tin tại Cục Điều tra Viện KSND tối cao cho biết đang xác minh các vi phạm trong vụ cưỡng chế thi hành án đối với lô đất của ông Cảnh, bà Nhung xem có tiêu cực hay không. 

"Chúng tôi đã thụ lý điều tra theo đơn của gia đình bà Nhung tố cáo chấp hành viên Nguyễn Anh Sâm, Chi cục Thi hành án dân sự Đắk Song. Hiện anh em đang xác minh, khi nào có kết quả sẽ thông báo sau" - nguồn tin cho biết.

Có dấu hiệu cố ý làm trái

Luật sư Tạ Quang Tòng (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Đắk Lắk) cho biết trong trường hợp này, gia đình bà Nhung có thể làm đơn tố cáo hành vi của chấp hành viên, Chi cục Thi hành án dân sự Đắk Song.

Bởi, theo thỏa thuận của gia đình và ngân hàng thì chỉ trong trường hợp tài sản của anh Du không đủ trả nợ thì cha mẹ anh ấy phải trả tiền. Nếu không có nữa thì ngân hàng mới có quyền kê biên, phát mãi bán tài sản bảo lãnh. Nếu tài sản anh Du đã đủ trả nợ cho ngân hàng thì phải hoàn trả tài sản đảm bảo cho ông Cảnh, bà Nhung.

Việc Chi cục Thi hành án dân sự Đắk Song dùng tài sản bảo lãnh của ông Cảnh, bà Nhung để cùng lúc thi hành cho các bản án khác của anh Du là trái quy định nhà nước, trái với thỏa thuận dân sự các bên.

Các bản án khác yêu cầu anh Du trả nợ không được bảo lãnh bằng tài sản của ông Cảnh, bà Nhung nên không thể bán tài sản của họ như vậy được.

Việc Chi cục Thi hành án dân sự Đắk Song bán tài sản của anh Du đã đủ tiền trả nợ ngân hàng nhưng vẫn bán tiếp tài sản bảo lãnh là có dấu hiệu của hành vi cố ý làm trái quy định nhà nước.

Cưỡng chế công trình nhà hàng, quầy bar không phép ngay trung tâm Đà Nẵng

TTO - Công trình nhà hàng, quầy bar El Gaucho xây dựng không phép ngay trung tâm Đà Nẵng đã bị lực lượng chức năng cưỡng chế phá dỡ trong ngày 15-3 sau thời gian dài chây ỳ của chủ đầu tư.

TRUNG TÂN - TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên