Bà Nguyễn Thị Dung (71 tuổi) bật khóc khi kể rằng nhiều người tưởng bà đã chết trong cơn lũ. Suốt 2 ngày, bà đơn độc ngồi trên bao lúa - Ảnh: NGỌC HIỂN
Len lỏi vào các căn nhà vùng rốn lũ Lệ Thủy (Quảng Bình) khi nước đã hạ song vẫn trên mức báo động 3 vào chiều 21-10, phóng viên Tuổi Trẻ chứng kiến những câu chuyện rớt nước mắt trong biển nước.
Trải qua ba ngày đêm ngồi đơn độc trên những bao lúa kê cao đến nóc nhà, cụ bà Nguyễn Thị Dung (71 tuổi) với mái tóc bạc trắng, khuôn mặt tiều tụy bật khóc: "Trôi hết rồi, heo trôi, gà trôi, rau ráng cũng thúi hết, lấy chi mà nuôi thân già đây". Bà Dung sống cùng với đứa cháu trai mới 11 tuổi; khi dòng nước bắt đầu lên cao, cháu rớt xuống dòng nước nên đành nhờ hàng xóm mang đi tránh lũ.
Riêng bà gắng gượng ở lại để cứu tài sản, nhưng không ngờ nước lên quá lớn khiến cả gia tài đều chìm trong lũ. Sống ở quê nên miếng cơm manh áo của bà Dung phụ thuộc vào vườn rau trước nhà, 4 con heo nhưng tất cả đều trôi theo lũ. Ngay cả những con gà mái bà quý như vàng, vì đẻ trứng cho bà nuôi cơm đứa cháu, cũng không còn.
"Bà con tưởng tui chết rồi, suốt hai ngày chẳng có chi ăn, chừ mới được cho cơm, mì gói mà nhai. Hai lần nước bạc (lũ), chừ tui trắng tay" - bà Dung nói.
Ông Ngô Mộng Đức (76 tuổi) là thương binh không thể đi lại nên đành nằm trên căn gác lửng được các con dựng tạm trong lũ - Ảnh: NGỌC HIỂN
Bần thần trước dòng nước lũ vẫn cao phân nửa nhà, ông Ngô Mộng Phương (ngụ thôn Lộc Hạ, xã An Thủy) kể rằng cả đời dành dụm mua được cái tivi, tủ lạnh nhưng giờ đã bị lũ nhấn chìm. Nhưng đau đớn hơn là thóc lúa, gà vịt của ông cũng chẳng còn.
Chèo thuyền nhặt nhạnh những gì còn sót lại, anh Ngô Mộng Bắc (20 tuổi, con ông Phương) xót xa khi vừa mới vay mượn 50 triệu đồng để mua đồ nghề sửa xe máy nhưng tất cả đã nằm dưới bùn. "Giờ bỏ hết làm lại từ đầu, cha mẹ cực khổ còn mình cũng chẳng còn chi" - anh Bắc nói.
Trong khi đó, gia đình bà Phạm Thị Nho (ngụ thôn Lộc Hạ, xã An Thủy) đã trải qua những giây phút đớn đau bên lằn ranh sinh tử, phải cưa nóc nhà để thoát ra ngoài khi lũ lên trong đêm đen. Vợ chồng bà có hai người con nhưng chồng bị bại liệt, con lại bị bệnh Down nên việc chống lũ quá khó khăn. Đến khi hàng xóm đến gỡ mái nhà cứu cả gia đình thì đàn heo gồm 2 con heo nái và 4 con heo lứa đã không còn. Ngay cả sách vở của đứa con học lớp 12 cũng trôi theo nước lũ.
Ông Nguyễn Văn Thục - chủ tịch UBND xã Sơn Thủy - cho biết gần như toàn bộ gia súc, gia cầm và nhiều tài sản của người dân xã này đã bị lũ cuốn trôi. Đáng lưu ý, tới chiều 21-10, ở một số nơi của xã vẫn còn ngập đến 3m, có nơi vẫn bị cô lập do sóng quá lớn rất khó tiếp cận. Theo ông Thục, tại những nơi này, tài sản của người dân đã không còn gì, nhà cửa đã bị sóng đánh tan tành...
Do tất cả các con đường và ngôi nhà tại xã An Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ đều bị ngập sâu trong nước nên thuyền là phương tiện di chuyển duy nhất của người dân nơi đây - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Anh Ngô Mộng Bắc cố gắng nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau cơn lũ, cả gia sản 50 triệu anh mới vay mượn làm nghề sửa xe và nhiều xe của khách bị lũ nhấn chìm - Ảnh: NGỌC HIỂN
Một người đàn ông rửa lại chiếc xe máy ngập trong lũ. Đã có hàng vạn chiếc xe máy và kể cả ôtô, xe tải của người dân đã bị nước lũ nhấn chìm - Ảnh: NGỌC HIỂN
Một cuốn vở của nữ sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh trôi bồng bềnh trên sông Kiến Giang. Rất nhiều cuốn sách, vở như vậy trôi giữa biển lũ - Ảnh: NGỌC HIỂN
Gia đình chị Bùi Thị Hồng có nền cao, cả xóm đến gửi xe máy nhưng không ngờ nước lũ vẫn nhấn chìm - Ảnh: NGỌC HIỂN
Đôi chân Nguyễn Thị Dung đã bạc trắng khi dầm mình trong nước lũ để gom những gì sót lại sau lũ - Ảnh: NGỌC HIỂN
Ông Đặng Vĩnh Chiến (72 tuổi) trước căn nhà xác xơ sau lũ. Ông Chiến kết những cây chuối thành chiếc phao để đi nhận hàng cứu trợ - Ảnh: NGỌC HIỂN
Một gia đình nhìn ra khoảng sân với các xe cộ đã bị nước nhấn chìm, nay nước rút để lại những nỗi buồn vời vợi... - Ảnh: NGỌC HIỂN
Chiếc xe máy cuả một người dân xã An Thuỷ bị ngập trong nước nhiều ngày - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Một gia đình chuyên trồng nấm sò đã bị lũ cuốn trôi các bao làm nấm, kể cả nhà nuôi nấm cũng bị sóng đánh sập - Ảnh: NGỌC HIỂN
Chị Lê Thị Trang, một người dân tại thôn Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy và con trai đeo khăn tang đứng trên nóc nhà khi nước lũ tràn về. Mẹ chị Trang qua đời được 5 ngày, tuy nhiên chưa thể chôn cất vì nước lũ dâng cao - Ảnh: MINH HÒA
Người phụ nữ này nhặt nhạnh lại những gì còn sót lại, trên đầu bà vẫn còn dấu tích thoát lũ khi phải cưa mái để leo ra ngoài - Ảnh: NGỌC HIỂN
Bà Võ Thị Vẹn (bìa phải, 72 tuổi) nhà cửa, tài sản bị lũ nhấn chìm nhưng bà vẫn chưa thể về nhà ở xã An Thủy (huyện Lệ Thủy) do nước còn quá cao - Ảnh: NGỌC HIỂN
Tất cả các ngôi nhà tại xã An Thuỷ một trong những điểm ngập sâu nhất của huyện Lệ Thuỷ đều bị ngập sâu trong nước lũ, ảnh chụp vào sáng 21-10 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận