24/09/2020 10:28 GMT+7

Con kiên cường nên mẹ cũng kiên cường

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Bị tai nạn đến mức phải lấy gần hết xương sọ, bác sĩ khuyên đưa về nhà nhưng đứa trẻ 11 tháng tuổi đã hồi sinh kỳ diệu sau gần 2 tháng thở máy. Con kiên cường như thế, mẹ cũng kiên cường chiến đấu cùng con.

Con kiên cường nên mẹ cũng kiên cường - Ảnh 1.

Nam dù không nói, không cười, không khóc nhưng mẹ em vẫn cố gắng mỗi ngày vì em - Ảnh: VŨ THỦY

Gần như không còn xương sọ, não bị tổn thương nặng nhưng Đỗ Duy Nam (4 tuổi, ngụ TP.HCM) vẫn lớn lên bụ bẫm, trắng trẻo, xinh đẹp, khiến cho chẳng một ai dám nghĩ đến chuyện từ bỏ. Cha mẹ em và rất nhiều người đang nỗ lực mỗi ngày để con đến được với ngày mai.

Cuộc đời của mẹ là con

Gặp Nam tại căn nhà thuê của cha mẹ bé ở quận Bình Tân. Nam vẫn như đứa trẻ sơ sinh, vẫn mặc tã và vẫn chưa tự ngồi được. Nhưng con bụ bẫm, đáng yêu đủ biết là mẹ đã chăm em kỹ thế nào. Nếu không có vết sẹo rạch sọ lớn và dài nằm dưới lớp tóc đen cắt gọn gàng, sẽ chẳng ai biết Nam là em bé không còn sọ đầu. Căn nhà này vừa là nơi ở, vừa là cái tiệm nhỏ bán đủ các loại món ăn miền Trung, từ bánh lọc, nậm đến bún bò, bún mắm... Đó cũng là công việc mưu sinh của cha mẹ em nhiều năm nay.

"Trước đây hai vợ chồng tôi ở miền Trung vô làm công nhân. Từ hồi Nam bệnh đến giờ mới chuyển qua bán buôn thế này" - chị Nguyễn Thị Hường (36 tuổi, mẹ Nam) kể. "Hồi Nam bệnh" là một ngày cách đây 4 năm, khi hai vợ chồng đang ở xưởng làm thì nghe tin dữ Nam bị té ở chỗ giữ trẻ. Lúc đó Nam mới 11 tháng tuổi. 

"Cha mẹ làm công nhân nên 6 tháng tuổi con đã phải đi gửi trẻ để cha mẹ đi làm. Lúc về tới thì con đã ngất xỉu rồi. Đem đến bệnh viện thì bác sĩ bảo cứu thì cứu thôi chứ cũng không hi vọng gì. Nhưng vợ chồng tôi khi ấy ôm đứa con bụ bẫm trên tay không thể nào mà đưa con về được. Còn nước còn tát. Sau hai tháng thở máy thì Nam lại tự thở được. Ai cũng nói con là đứa bé kiên cường", chị Hường rơm rớm nước mắt hồi tưởng.

Từ ngày định mệnh ấy, chị nghỉ làm công nhân, anh cũng phải nghỉ vì suốt 4 năm qua hầu như ngày nào Nam cũng ra vô bệnh viện. Một ngày của hai vợ chồng chia ra: sáng anh chở con lớn đi học rồi chở chị và bé Nam vô bệnh viện thăm khám, tập vật lý trị liệu, chiều anh đi đón hai mẹ con về, tối hai vợ chồng lọ mọ nấu bánh, nấu đồ ăn. 

"Bán hàng cực hơn làm công nhân nhiều. Nhất là bán online, đăng bài, trả lời, nhận đơn, làm hàng, giao hàng... trăm thứ việc. Hai vợ chồng cứ phải ra vô bệnh viện nên cũng không bán tại chỗ được. Nhưng con như vậy nên đâu còn cách nào khác", chị nói.

Con lớn lên bằng tình yêu thương

Nam bị tai nạn, phẫu thuật sọ cả trăm triệu đồng mà người giữ trẻ tư thục cũng là người nghèo. "Họ nói con kiện thì cô đi tù chứ cô thật sự không thể đền bù được. Nghe họ nói vậy rồi mình cũng đâu làm gì được dù cũng muốn bắt vạ để cứu con", chị nghẹn ngào kể lại. Nhưng lúc đó nhiều người hảo tâm biết đến hoàn cảnh của chị đã gửi tiền giúp đỡ. Cái quầy bánh mở ra cũng rất nhiều người truyền nhau mua ủng hộ. Rồi thì người mua tã, người mua sữa.

"Nhiều năm sau một bác sĩ gặp lại con ngạc nhiên lắm, bác sĩ bảo chăm con tốt quá. Nhưng nếu không có sự giúp đỡ của mọi người thì tôi cũng đâu lo cho con được như vậy", chị bảo. 

Có thêm sự đồng hành của mọi người, người mẹ càng có thêm niềm hi vọng, mải miết nuôi con. Tài khoản có tên Món Huế mẹ Hường của chị trên Facebook ngày nào cũng đều đặn cả chục status rao hàng, giới thiệu món trong ngày để mọi người đặt hàng. Vậy rồi họ cũng đi đến được ngày hôm nay.

Đã 4 tuổi, Nam vẫn như đứa trẻ mới sinh, vẫn là "trung tâm" của gia đình. Tiền bạc, sự chăm sóc, sự lo lắng... hầu như đều dồn vào cho em. Đang ngồi nói chuyện đột nhiên em đưa tay lên miệng cắn chặt. Anh Thành, cha Nam, đang lau lá chuối chạy ngay lại. Phải mất gần 10 phút, hai anh chị mới dỗ dành con nhả cánh tay ra. 

Lột cái bao tay ra, chị Hường chỉ vào vết cắn sâu vẫn còn chưa khép miệng trên tay con từ lần cắn trước kể: "Bình thường thì cũng êm êm nhưng thỉnh thoảng bé không làm chủ được nên lúc nào cũng phải dõi con từng chút". 

Ban ngày chị lúc nào cũng ôm ấp Nam bởi vì cậu bé không có sọ não, đầu rất mềm, nếu va đập thì rất dễ bị tổn thương não, rồi cho con ăn, ngủ, vệ sinh. Chỉ có ban đêm con ngủ mới làm lụng được nên ngày nào cũng làm tới nửa đêm. Do não bị tổn thương nên Nam phải uống đủ loại thuốc hỗ trợ và đã không ít lần phải đi cấp cứu.

Nhìn đứa con bé bỏng thậm chí đã nhiều năm chẳng khóc vạ, chẳng ê a, chẳng tập đi, chẳng tập nói như con người ta nhưng hai vợ chồng chị chưa khi nào bỏ cuộc. Tuần nào hai vợ chồng chị cũng đều đặn 3 lần chở Nam đi tập vật lý trị liệu ở Bệnh viện Nhi đồng 1, được cho thêm tiền thì mời bác sĩ đến nhà tập thêm. Việc bế bồng một em bé mềm oặt nhưng bụ bẫm với cái sọ mềm như Nam cũng không dễ dàng gì. Bế con đi bệnh viện, giữ con trên các thiết bị tập ngồi, tập đứng, nhưng người mẹ nhỏ bé vẫn gồng hết sức.

"Mình cực rồi cực thêm chút nữa cũng hổng sao nhưng con còn tương lai. Mình đã cứu con thì phải đi tới cùng. Nếu con sống tiếp thì con phải ngồi, phải đi, phải nói được". Tương lai "con ngồi, con đi, con nói" được ấy của người mẹ đặt cả vào lần phẫu thuật đặt hộp sọ sắp tới của Nam. Não phát triển dần nên Nam bắt buộc phải được đặt hộp sọ để bảo vệ phần não còn lại.

"Chi phí để phẫu thuật cho con cũng chưa biết xoay xở ra sao. Nhưng vợ chồng tôi chỉ biết cố gắng hết sức. Mọi người đã giúp đỡ Nam rất nhiều rồi. Đó cũng là cái duyên của con. Nam ngoan nên ai cũng thương phải không", chị ôm con vỗ về.

Bác sĩ nói cho đi thận trái, Mẹ vẫn nhường cho con quả thận phải tốt nhất Bác sĩ nói cho đi thận trái, Mẹ vẫn nhường cho con quả thận phải tốt nhất

TTO - Câu chuyện về quả thận được tái sinh từ tình thương vô bờ bến của mẹ dành cho con, của hai vợ chồng cùng dành cho một người sau 16 năm có thể khiến lòng chúng ta thêm ấm áp và tin tưởng hơn vào tình người bao la trong cuộc sống này.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên