15/06/2014 14:22 GMT+7

Còn không, sâm Ngọc Linh?

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Nhắc đến địa danh Ngọc Linh, Mường Hoong, thứ làm người ở xa dễ nhớ nhất là sâm. Nơi đây từng được ví như “rốn sâm” Ngọc Linh với công năng thần kỳ được ủ dấu trên độ cao 2.500m, trải qua hàng triệu năm mây mù và những đợt mưa ẩm ướt kéo dài.

3HscPzF8.jpg
Củ sâm Ngọc Linh thật. Hai củ sâm quý này được định giá 3,5 triệu đồng - Ảnh: T.B.D.

Mùa lúa chín vàng, trở lại vùng sâm Ngọc Linh để hỏi về thứ thuốc quý mà người dân địa phương gọi với nhau là “củ dấu”, “củ đắng”, tất cả mọi người chúng tôi bắt gặp đều lắc đầu. Qua những người bạn từng quen biết trước ở vùng sâm này, tất cả cùng chung một kết quả: “Làm gì có sâm nữa mà tìm?”.

Thuốc dấu giữa đại ngàn

Bây giờ còn sâm nữa hay không? Câu trả lời là còn, nhưng cũng giống như người nông dân khi vừa canh tác xong một luống khoai, những củ khoai ngon được thu hoạch hết, ruộng khoai nhẵn trắng và bằng phẳng. Tưởng chừng như chẳng còn sót lại thứ gì trên đó. Thế rồi đến mùa cày ải, người nông dân đem cày ra cải tạo lại miếng đất, khi lật lên thỉnh thoảng lại bắt gặp những củ khoai nhỏ còn sót dưới mặt đất. Rồi mảnh ruộng được cày xới, trồng lúa. Trên mặt ruộng xanh tốt ấy, khi cây lúa vừa nhú lên thì cũng xuất hiện những mầm khoai mới.

Cách ví von ấy của một thương lái buôn sâm đã có mặt ở vùng Mường Hoong, Ngọc Linh từ những ngày cây sâm nổi sóng đã khẳng định một điều rằng: sâm Ngọc Linh chưa bị tận diệt, nhưng số lượng cũng không còn nhiều nữa. Thương lái này kể rằng có những năm mỗi ngày ông có thể mua được cả tạ sâm, sâm nhiều như khoai lang vào vụ, bày bán khắp các đường ra xã, ra huyện. Thế nhưng năm bảy năm trở lại đây, sâm hiếm như vàng. “Mà cái thứ đó giờ so sánh với vàng là khập khiễng, mỗi lượng sâm tươi 3-5 triệu đồng, anh có tiền cũng không có mà mua” - người thương lái nói chắc như đinh.

Người Xê Đăng ở Ngọc Linh không gọi thứ thuốc quý là sâm Ngọc Linh mà gọi là “củ đắng” hoặc “củ dấu”. Cái tên gọi “củ đắng” xuất phát từ việc người thợ rừng trong một lần lạc rừng đói lả, thấy chú chim sà xuống ăn thứ hạt cây màu đỏ hồng, người thợ săn đã lấy hạt ăn và phát hiện dưới tán lá những chùm củ mọng nước, có vị đắng như thuốc độc. Người thợ đã ăn và ngay lập tức tỉnh táo hẳn, chân tay như được tiếp thêm sức lực. Những cư dân của vùng sâm Ngọc Linh đã phát hiện ra vùng sâm từ rất sớm. “Nhưng hồi đó chẳng ai biết thứ củ ấy lại có công năng thần diệu như thế, mãi cho tới sau này khi vùng rừng núi có bàn chân của cán bộ người Kinh” - chủ tịch xã Ngọc Linh nói.

Sống nghèo trên “núi vàng”

Đêm. Rừng núi lặng yên đến rợn người. Làng Lê Ngọc ở xã Ngọc Linh leo lét đèn như đốm lửa tàn giữa đại ngàn mênh mông. Những câu chuyện được người già, trai tráng kể cho nhau về những ngày tìm sâm đứt đoạn như những ký ức đầy sự tiếc nuối về một thời huy hoàng nơi rốn sâm. Người Lê Ngọc, Đắk Nai, Lê Toan và cả thung lũng Mường Hoong không ai quên được những ngày huy hoàng của sâm Ngọc Linh năm 2006. “Mùa ấy, cả làng mình đang làm nương làm rẫy yên ổn. Nghe tin có người phát hiện bãi sâm nên ai cũng đi, trẻ con đi, người lớn đi”.

Người thương lái buôn bán hàng tạp hóa ở thung lũng Mường Hoong, cũng là người nằm lòng câu chuyện về vùng sâm những ngày sôi sục, đưa ra cho chúng tôi hai củ to và dài không hơn ngón tay cái, hình thù không khác gì củ riềng. Ông bảo: “Sâm đấy, chừng này thôi chứ ba bốn triệu là không phải trả nữa”. Ông nói rằng thứ chúng tôi đang cầm trên tay được ông ủ suốt từ ngày náo động vùng sâm năm 2006 đến nay như đó là món quà kỷ niệm. “Kinh khủng lắm, sâm nhiều vô kể. Hồi đó cả chủ tịch xã, cán bộ xã ở đây cũng đi. Riêng mình đi hơn buổi gùi về một balô. Ngồi bán ở đường chẳng ai mua. Tối về ốm li bì, người bạn cùng khổ còn bỏ vô ấm sắc làm nước cho mình uống để lấy lại sức - Đang kể ông bỗng thở dài - Đúng là trời không nương lòng người, phải chi biết sẽ có ngày hôm nay thì...”.

Người Xê Đăng ở Ngọc Linh, Mường Hoong vẫn còn nhớ như in đợt trúng sâm năm 2006. Câu chuyện được bắt đầu từ hai người đàn ông ở Mường Hoong tên là A Tích và A Biêng trong một ngày đi rừng bẫy thú đã tình cờ đạp lên khu rừng củ đắng bạt ngàn. Thuở ấy, sâm dù rẻ nhưng cũng đã được coi là của quý nên hai người giấu bặt không cho ai biết. Đều đặn hằng ngày A Biêng cùng A Tích mang gùi lên khu rừng củ dấu hái về đem bán. Bán được tiền, A Biêng và A Tích uống rượu say suốt ngày. Trong cơn say, khi người làng hỏi thì A Biêng chợt buột miệng rằng “tìm được kho báu củ dấu”. Thung lũng Mường Hoong dậy sóng, lớp lớp người lũ lượt kéo nhau lên khu rừng. Mọi thứ bị xới tung. Thương lái khắp nơi tìm lên Ngọc Linh chọn làm đất đậu. Thương lái ngầm thỏa thuận với nhau chê ỏng chê eo. Củ dấu được bán với giá thấp nhưng cũng là nguồn tiền dễ kiếm để người dân có thể mở hội no say. Chủ tịch xã A Hen nói rằng thời điểm đó dân làng đi ông cũng đi, mỗi lần xuống núi lại mang theo cả gùi về bán dọc đường. Chẳng thể ngờ chỉ mấy năm sau, thứ củ đắng đó cạn dần và trở thành một món hàng có giá.

Người Xê Đăng kể lại về vùng củ đắng của mình trong sự tiếc rẻ. Núi Ngọc Linh này do người Xê Đăng chinh phục, thung lũng Mường Hoong này có chỗ nào người Xê Đăng chưa đặt chân tới. Cây sâm ở trên đỉnh núi cũng là của người Xê Đăng, củ đắng nằm đó bao đời nay như kho báu được cái lạnh buốt và thần sấm trên đỉnh Ngọc Riêu che chở. Vậy mà người Xê Đăng vẫn nghèo. Kể cả A Tích và A Biêng đã từng đạp lên cả kho báu nhưng giờ đây vẫn phải từng ngày đi cuốc đất nuôi vợ nuôi con. Còn chủ tịch xã Mường Hoong A Ban thì nói rành rọt: “Người Xê Đăng ở đây không quan trọng giàu nghèo, tiền bạc. Tìm được sâm hay bất cứ thứ gì họ đều bán rồi lấy tiền ăn mừng, uống rượu say chứ không tính đến chuyện dành dụm”...

YoO8GoEX.jpgPhóng to
Người Xê Đăng tự hào về cây sâm Ngọc Linh - Ảnh: T.B.D.

Nguồn gốc cây sâm Ngọc Linh được ghi chép trong nhiều tài liệu như sau: “Chưa có tài liệu nào khẳng định cây sâm có mặt tại vùng núi Ngọc Linh từ bao giờ. Năm 1973, đoàn điều tra dược liệu của Ban Dân y Liên khu 5 do dược sĩ Đào Kim Long và Nguyễn Châu Giang dẫn đầu lặn lội vào rừng sâu Ngọc Linh, khi lên đến độ cao từ 1.800-2.000m so với mực nước biển thì phát hiện thứ cây có từng đốt như đốt trúc ngắn, đoàn đã thử công dụng và phát hiện đây là thứ thuốc quý. Vùng cây lạ được khoanh thành dãy để khai thác phục vụ cứu chữa, điều trị thương bệnh binh. Cho đến giờ sâm Ngọc Linh, củ đắng hay củ dấu còn được gọi bằng một tên khác là sâm khu 5 xuất phát từ lý do trên. Theo tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt - Viện Dược liệu, sâm Ngọc Linh có giá trị tương đương sâm Cao Ly, sâm Mỹ, sâm Nhật. Năm 1982, sâm Ngọc Linh được xác định cụ thể bằng khoa học đây là loài nhân sâm thứ 20 trên thế giới được tìm thấy. Công năng của sâm Ngọc Linh ngoài việc kiểm nghiệm thực tế và theo lời kể của người bản địa, giới đi rừng thì cũng được khẳng định là “gần như tất cả các loại bệnh đều cần đến”. Vì những giá trị đó, sâm Ngọc Linh được xếp vào hạng thực vật nhóm A, đặc biệt quý hiếm. Năm 1980, vùng sâm Ngọc Linh được đưa vào “vùng cấm quốc gia” với 11 chốt sâm đặt ở các huyện bao quanh dãy núi Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5:

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên