Con học ngày học đêm để lấy giấy khen về cho cha mẹ vui, nhưng cha mẹ có biết con mình mong gì, nghĩ gì? - Minh họa: Đặng Hồng Quân
Khi con học kém, cha mẹ có nhu cầu cho con đi học thêm để củng cố kiến thức. Khi con học giỏi, cha mẹ vẫn muốn con giỏi hơn. Dường như chúng ta luôn muốn con học thêm để đạt được sự vượt trội.
Dẫu ép con đi học nhưng không ít phụ huynh cũng cảm thấy chông chênh như con tàu sắp chìm. Họ cảm thấy bất lực, không thể định hướng, dìu dắt con và luôn cảm thấy bất an.
Cứ như vậy, năm này qua năm khác, áp lực thi cử, áp lực điểm số, áp lực trường chuyên khiến cho trường áp giáo viên, giáo viên lại áp học sinh...
Con người ta ai cũng có giấy khen...
Tối qua, chị gái tôi gọi điện từ quê lên than thở: "Năm nay thằng cu Mạnh lại không được dì ạ. Thi cháu chỉ được 5 điểm toán thôi".
Nói rồi, chị thở dài. Năm nào cũng vậy, học kỳ nào cũng vậy, chị luôn áp lực trước điểm số của con. Kể từ năm lớp 1 đến nay (cháu đang học lớp 5), cháu tôi vẫn chưa một lần được giấy khen khiến anh chị tôi cảm thấy rất đau đầu.
Chị kể ở công ty chị làm việc, nếu con cái được giấy khen sẽ được khen thưởng, tiền thì không nhiều những được cái tiếng.
Rồi chị lại bảo: "Trong dòng họ, con cái của anh chị đều được giấy khen, còn con mình năm nào cũng hẩm hiu, thiệt đủ đường".
Tôi vẫn thường động viên chị: "Giấy khen không phải là tất cả...". Chưa để tôi nói hết câu, chị đã cắt ngang: "Nhưng con nhà khác có giấy khen, con mình học cả năm tốn bao nhiêu khoản, không có nổi một thành tích đem về thì khác nào đóng tiền ngu?".
Lại thêm một tiếng thở dài được buông ra. Tôi cảm nhận được sự bất lực của chị. Rồi chị nói tiếp: "Sau này, con dì lớn, cứ lên cấp một, cấp hai sẽ hiểu".
Có lúc tôi tự hỏi: Vì cái gì mà cả mẹ lẫn con cứ phải đánh vật với chuyện học đến tận 11h đêm như vậy? Vì lẽ gì mà đến một giấc ngủ ngon cũng khó khăn và trong giấc ngủ của con luôn bị mê man bởi những nỗi lo học hành, thi cử?
Thật buồn là những phẩm chất tự nhiên của cháu tôi đã phải nhường chỗ cho những buổi học thêm. Từ một cu cậu nhanh nhẹn, thích đá bóng trở nên ít nói, cứ phải lặng lẽ bên bàn học cả những buổi cuối tuần.
Bỏ cả đống tiền, con chỉ đứng thứ 5 trong lớp
Một chị đồng nghiệp trên cơ quan tôi cũng tỏ ra buồn bã khi họp phụ huynh về con chỉ đứng thứ 5 của lớp. Tôi bảo: "Đứng thứ 5/38 học sinh là quá giỏi rồi". Chị nói: "Cô có biết là hàng năm nhà tôi đổ ra đống tiền để cháu đi học thêm không? Vậy mà…".
Chị bỏ lửng câu nói và lại tiếp tục kể về lý do tại sao cháu không được đứng đầu lớp: hôm thi văn, cháu đau bụng nên làm bài kém hơn. Sau đó, chị tiếp tục "ca bài học thêm" và nói rằng muốn đạt điểm cao thì chắc chắn con phải tranh thủ đi học trung tâm hoặc mời gia sư giỏi về cho yên tâm.
Theo tính toán của chị, mỗi tháng chị phải chi ra khoảng 4-5 triệu cho con học thêm môn toán, tiếng Anh, môn văn và môn vẽ. Rồi chị lại than: "Đúng là đen, môn văn ám quá, mất luôn vị trí đầu bảng".
Chị căn ke từng điểm số và luôn trong trạng thái buồn bực khi con bị điểm thấp hoặc thua bạn T, bạn H trong lớp. Nhiều hôm đang trong giờ làm việc, chị nhấp nhổm không yên mỗi khi con có bài kiểm tra hoặc thi học kỳ. Để rồi, khi con không đạt được kết quả như mong muốn, chị như người mất của, cứ thở dài thườn thượt.
Có lẽ vì sĩ diện, nhiều người vẫn sợ con không đạt được thành tích như mong muốn. Mấy ai có thể an tâm, không thất vọng khi kết quả học tập của con xếp cuối lớp? Cái tôi trong chúng ta lớn quá, niềm kỳ vọng của chúng ta không có điểm dừng và trẻ đang là những CON TỐT trên bàn cờ.
Làm sao để chúng ta không bị dằn vặt khi con bị điểm thấp hoặc xếp thứ hạng không cao trong lớp? Có lẽ câu trả lời nằm ở chính trong mỗi người. Sân si làm gì điểm số để rồi đứa trẻ cứ phải gồng lên và không được là chính mình?
Hãy cho con một mùa hè trọn vẹn dù cho năm học qua đi con có "bội thu" hay "mất mùa". Hãy trân trọng sự nỗ lực của con thay vì mắng nhiếc, buồn bã khi con không về nhất, hoặc con không được giấy khen.
Trong chúng ta, nhiều người đã từng trải qua tuổi thơ đẹp đẽ với những buổi chiều đi chăn trâu, cắt cỏ. Nhưng giờ, do bám trụ quanh năm bên bàn học nên mấy trẻ có thể phân biệt được đâu là con gà, đâu là con ngan? Mấy trẻ biết được sự khác nhau ở con bò và con trâu?
Chúng ta vẫn thiết tha mong giáo viên tôn trọng sự sáng tạo của con nhưng chúng ta đang nhốt con quá kỹ bên sách vở. Khi không được "ra xã hội" sao có thể giúp con có đủ vốn sống, có đủ sự trải nghiệm, tràn trề cảm xúc để sáng tạo và trưởng thành?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận