25/05/2018 20:10 GMT+7

Con không dám đi đâu vì sợ bị hỏi 'cuối năm được mấy điểm?'

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (Đồng Nai)
LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (Đồng Nai)

TTO - Tôi không ngờ rằng dù hết học và thi rồi mà con vẫn không thoát khỏi áp lực. Được điểm 9 mà con khổ sở, không dám ra ngoài chơi vì sợ bị hỏi 'cuối năm cháu được mấy điểm?'.

Con không dám đi đâu vì sợ bị hỏi cuối năm được mấy điểm? - Ảnh 1.

Cặm cụi học thêm sau giờ học chính khóa - Ảnh: DUYÊN PHAN

Gặp cô chủ nhiệm của con trai trước ngày họp phụ huynh, tôi bất ngờ khi cô bảo: "Em thông cảm, chị đã rất cố gắng giúp cháu nhưng cháu nhà em chỉ được 2 điểm 9 môn toán và tiếng Việt". 

Thấy cô áy náy, tôi càng khó xử vì biết cô đã dạy bảo con mình rất tận tình, nhưng tính cháu bất cẩn làm giấy thi bị lem mực, sửa lỗi quá nhiều... khiến cô không thể nào cứu vãn được "tình thế". 

Cô cũng "vô tình" cho tôi biết do kết quả thi của con tôi và vài bạn trong lớp mà thành tích chung của lớp bị ảnh hưởng.

Thú thật nghe cô nói mà tôi chạnh lòng, không phải vì con mình không có thành tích gì để khoe, mà vì căn bệnh thành tích dường như "ngấm" vào máu của hầu hết phụ huynh. Nhất là vào cơ quan gặp phải các "chuyên gia" giáo dục sẵn sàng tặng cho mình những lời "giáo huấn". 

Có chị đồng nghiệp khoe bảng điểm con học lớp 8 với điểm tổng kết cả năm là 9,7. Chị còn bảo: "Con em học tiểu học mà không được 10 điểm môn toán và tiếng Việt là không ổn. Học lên lớp trên, con em sẽ bị đuối hơn". 

"Hè này để chị giới thiệu cho mấy chỗ luyện toán và chữ viết để sang năm con em gỡ lại mà đuổi kịp bạn. Chắc chắn giờ thằng bé buồn lắm vì thua bạn. Nó sẽ còn buồn hơn khi thấy bạn nhận phần thưởng cuối năm mà mình không có" - chị nói thêm.

Về nhà, tôi trò chuyện với con: "Đạt kết quả như thế con cảm thấy thế nào?". Cu cậu nói: "Con buồn vì không có điểm 10 nào làm cho ba mẹ và cô giáo buồn, sang năm học sau con sẽ cố gắng hơn". 

Tôi hỏi luôn: "Thế thấy các bạn được nhận phần thưởng mà con không có thì con nghĩ sao?". Thằng bé tiu nghỉu: "Con biết bạn bè sẽ cười chê con, nghĩ đến đó là con đã không muốn đi dự tổng kết trường nữa". 

Tôi đã phải trấn an và động viên con: "Con đạt kết quả như thế là đã tốt lắm rồi! Dù sao con cũng đã rất cố gắng, ba mẹ ghi nhận sự quyết tâm của con. Chỉ cần con hiểu được những kiến thức mà mình đã học và cảm nhận niềm vui mỗi ngày đến trường là tốt rồi".

Động viên con, nhưng tôi cũng vỡ ra là dù mới lớp 2, con mình đã phải gánh quá nhiều áp lực: phải cố gắng để học hết chương trình trên lớp thật tốt, làm bài kiểm tra đạt điểm 10 để không phụ lòng cha mẹ, thầy cô, không bị bạn bè chê cười, không để thua kém người khác... 

Là phụ huynh, tôi không ngờ rằng dù hết học và thi rồi mà con vẫn không thoát khỏi áp lực. Được điểm 9 mà con phải khổ sở, không dám ra ngoài chơi vì sợ mọi người hỏi: "Tổng kết cuối năm cháu được mấy điểm?".

Vì sao bao nhiêu cuộc cải cách giáo dục đã diễn ra mà vẫn không thể tránh khỏi việc chạy theo thành tích điểm số? Để rồi giờ đây việc được điểm cao không chỉ là sự cố gắng của trẻ, mà còn là sự quyết tâm không ngừng nghỉ của cha mẹ và thầy cô?

Chương trình và nội dung học ở phổ thông bị kêu ca là rất nặng, kiến thức rất nhiều, giáo viên phàn nàn là học sinh không tiếp thu hết... nhưng điểm số cuối năm các em vẫn cao ngất, nghĩa là học sinh đã học tốt, nắm chắc kiến thức, có kỹ năng, thế thì không cớ gì lại yêu cầu cắt bớt nội dung, chương trình. 

Cũng có nghĩa là con em chúng ta tiếp tục gánh mãi nỗi áp lực như một vòng xoay không lối thoát: học thật nhiều và điểm số đạt được phải thật cao.

Như thế thì biết đến bao giờ con tôi mới cởi bỏ được nỗi căng thẳng bởi điểm số?

Thành tích của học sinh có phải chỉ là điểm 9, 10?

TTO - Luôn có một câu chuyện đáng được kể, đáng được biết tới đằng sau mỗi thành tích của một đứa trẻ, và giá mà thành tích ấy được nói đến không chỉ qua điểm số.

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (Đồng Nai)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên