10/04/2018 23:41 GMT+7

Còn hơn 30 triệu thuê bao cần đăng ký lại thông tin

THANH HÀ
THANH HÀ

TTO - Các thuê bao di động này vẫn phải bổ sung thông tin, ảnh chụp và hạn chót để thực hiện yêu cầu là ngày 24-4.

Nội dung này được chốt sau cuộc họp của Bộ Thông tin và Truyền thông với các nhà mạng dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, mặc dù tại cuộc họp này các nhà mạng có đề xuất ý kiến kéo dài thời gian thực hiện cập nhật thông tin thuê bao theo qui định của Nghị định 49.

38 triệu thuê bao cần đăng ký lại thông tin

Ông Nguyễn Đức Trung, cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết sau khi rà soát thông tin thuê bao, các doanh nghiệp viễn thông đã phân loại, xác định được 38 triệu có thông tin chưa đầy đủ, chính xác. 

Các thuê bao này chưa có bản chụp chứng minh nhân dân (CMND) trong cơ sở dữ liệu thuê bao của nhà cung cấp dịch vụ hoặc thông tin trên bản chụp CMND khác với thông tin trên bản khai, bản chụp CMND có dấu hiệu bị làm giả… 

"Những trường hợp này đều phải cung cấp lại thông tin thuê bao theo quy định và gửi bổ sung ảnh chụp"- Ông Trung nhấn mạnh. Quy định này đã có hiệu lực từ tháng 6-2017 và các doanh nghiệp viễn thông cũng như các thuê bao đã có gần một năm để thực hiện việc bổ sung, cập nhật thông tin.

Còn hơn 30 triệu thuê bao cần đăng ký lại thông tin - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Trung cho biết còn hơn 30 triệu thuê bao chưa cập nhật, đăng ký lại thông tin chưa chính xác- Ảnh: THANH HÀ

 Tuy nhiên, theo ông Trung, đến tháng 3-2018, mới có khoảng 4 triệu thuê bao thực hiện việc cập nhật thông tin. Con số này đang gia tăng nhanh trong những ngày gần đây, những theo ước tính Vì vậy, tại cuộc họp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng có ý kiến đề nghị được kéo dài thời hạn thực hiện, thay vì phải hoàn thành vào ngày 24-4 tới như qui định của Nghị định 49.

Đại diện VinaPhone than thở đã nhắn tin cho gần 9 triệu thuê bao chưa đủ thông tin nhưng mới chỉ có 1,2 triệu thuê bao đến hoàn thiện thông tin. Những ngày gần đây lượng khách hàng đến các điểm giao dịch để thực hiện việc này và dự báo có thể tăng đột biến trong những ngày cuối cùng. Nhưng đại diện nhà mạng này vẫn lo không thể hoàn tất việc cập nhật thông tin của toàn bộ thuê bao vào ngày 24-4 vì chủ yếu còn phụ thuộc vào trách nhiệm, sự hưởng ứng của các thuê bao nên đã kiến nghị Bộ cho kéo dài thêm… 1 năm.

Tương tự, đại diện Viettel cũng đề xuất Bộ xem xét có thể kéo dài thời gian vì Viettel tự ước tính còn khoảng 30 triệu thuê bao trong diện phải bổ sung, chỉnh sửa, cập nhật thông tin và ảnh chụp.

Tuy nhiên, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phản đối ngay đề xuất này vì "Không thể tự thực hiện được việc lùi thời hạn thực hiện một Nghị định. Đồng thời, qui định này đã có thời hạn gần một năm để các nhà mạng triển khai thực hiện nhưng phải đến khoảng một tháng gần đây, các nhà mạng mới ráo riết, nhắn tin cho khách hàng". 

Ảnh hay không ảnh?

Ngoài kiến nghị kéo dài thời gian, Viettel cũng đề xuất giải pháp phân loại khách hàng cần bổ sung ảnh chụp, theo đó, những thuê bao nào khi đăng ký đã có ảnh chụp màu CMND thì có thể sử dụng ảnh chân dung trên CMND, không yêu cầu khách phải đến chụp lại ảnh.

Thậm chí, có luồng ý kiến đặt ra vấn đề có cần thiết phải yêu cầu thuê bao di động chụp ảnh hay không? Đại diện một nhà mạng cũng đặt vấn đề "Những thuê bao đã có thông tin cá nhân chính xác, có ảnh chụp CMND, là thuê bao trả sau đã dùng nhiều năm… thì không cần phải bổ sung ảnh chụp".

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, tinh thần của những quy định được thay đổi trong Nghị định 49 là nhằm xây dựng hệ thống dữ liệu chính xác thông tin người dùng. "Không chỉ là thông tin đúng, mà phải đúng người sử dụng thuê bao. Muốn thế thì chỉ thông tin kê khai hay CMND không thể chính xác vì CMND có thể đi mượn/cho mượn, nhưng nếu yêu cầu ảnh chụp thì mới đúng người, đúng số được"- Bà Mơ nhấn mạnh. Ông Trung cũng cho hay "Bỏ ảnh đi thì thuê bao di động vẫn có thể không chính danh. Ở Thái Lan, không chỉ yêu cầu ảnh chụp, thuê bao còn phải lấy cả dấu vân tay vì chính danh thuê bao di động là rất quan trọng".

Lối thoát duy nhất để quản lý thuê bao

Bà Mơ thẳng thắn phân tích " Doanh nghiệp viễn thông kêu khó nhưng đây là việc mà doanh nghiệp muốn là làm được". Bà dẫn chứng "Thuê bao trả sau sao doanh nghiệp quản được hết, vì nếu không quản được, không có thông tin chính xác sẽ không thu được tiền cước. Còn đối với thuê bao trả trước, cả doanh nghiệp lẫn khách hàng đều không muốn bị quản lý, chỉ có nhà nước muốn nên mới khó. Doanh nghiệp chỉ muốn phát triển nhiều thuê bao, bán được nhiều sim thẻ, người dùng thì không muốn cung cấp và bị quản lý thông tin cá nhân."

Sau khi thảo luận, đại diện VNPT, VinaPhone cũng đồng tình "Muốn xác định danh tính thuê bao là việc về lâu dài phải làm, có rắc rối, tốn kém cũng phải làm. Có hệ thống dữ liệu là có lợi cho doanh nghiệp viễn thông, chăm sóc khách hàng được tốt hơn và người khách hàng cũng bảo vệ được quyền lợi của mình". Bà Mơ cho biết, Cục Viễn thông trong quá trình xây dựng Nghị định 49 đã tìm rất nhiều giải pháp, nhưng chụp ảnh thuê bao là giải pháp khả thi, tiết kiệm nhất và có thể thực hiện được ngay. "Đây là lối thoát duy nhất cho việc định danh thuê bao di động"- Phó Cục trưởng Cục Viễn thông khẳng định.

Còn hơn 30 triệu thuê bao cần đăng ký lại thông tin - Ảnh 2.

Tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải phát biểu ý kiến về qui định bổ sung thông tin thuê bao, ảnh: THANH HÀ

Tuy nhiên theo đại diện nhà mạng này, sai số thông tin thuê bao hiện nay vẫn còn khá cao. Để có thể đảm bảo thông tin thuê bao chính xác, chính danh, thì cách tốt nhất là phải sử dụng dữ liệu vân tay. Tích hợp với hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia, sử dụng công nghệ dấu vân tay… là giải pháp quản lý thuê bao được các nhà quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông và các nhà mạng cùng muốn tìm cách áp dụng trong thời gian tới, tuy ai cũng biết rõ có thể "đụng" vào hệ thống dữ liệu này, kết nối và sử dụng không phải là dễ.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng thừa nhận việc xiết chặt quản lý thông tin thuê bao "là việc nan giải" nhưng cần phải làm vì đây là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn sim rác, tin nhắn rác, quản lý thuê bao, bảo vệ an ninh quốc gia và quyền lợi người tiêu dùng…

Ông Tuấn cũng ‘chốt" là không thể lùi thời hạn ngày 24-4 vì đây là là thực hiện văn bản quy phạm pháp luật. "Nhưng các nhà mạng cần thực hiện như thế nào cho linh hoạt, không nên cứng nhắc, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng"- Bộ trưởng Trương Minh Tuấn lưu ý.


THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên