11/10/2021 09:07 GMT+7

Con học online, cha mẹ đo thế nào?

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Nhiều phụ huynh chia sẻ ngày ngày nhìn con lên máy tính học online đều đặn nhưng lại không rõ con đã học hành như thế nào, phát triển đến đâu.

Con học online, cha mẹ đo thế nào? - Ảnh 1.

Sự tiến bộ khi học trực tuyến nên được đánh giá bằng quá trình thay vì kết quả. Trong ảnh: một học sinh ở TP.HCM đang học online - Ảnh: NHƯ HÙNG

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, giám đốc Trung tâm đào tạo ngắn hạn, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, chia sẻ hiện nay có quá nhiều yếu tố tác động đến chất lượng học trực tuyến. Trước hết đó là quan điểm của nhà trường về dạy online, về cách tiếp cận đến cách hướng dẫn và giảm tải nội dung. 

Giáo viên cũng đóng vai trò quan trọng, những thầy cô trẻ thường chủ động hơn nhưng thầy cô lớn tuổi lại có nhiều kinh nghiệm hơn. Học trực tuyến, trẻ con ít bạn bè, mất đi một động lực để học. Cuối cùng là về phương tiện, không phải ai cũng có máy tính tốt.

Thầy cô và phụ huynh phối hợp

Theo bà Phương Hoa, trong thời gian đầu chất lượng của học online không thể bằng với học trực tiếp và phụ huynh nên chấp nhận điều này. Dù vậy, chất lượng giảm tới đâu lại là câu chuyện khác. Trong năm 2020, nhiều trường hợp phụ huynh than rằng con học hành sa sút quá nhưng nhiều trường vẫn khẳng định con trẻ đang phát triển tốt.

Bà Hoa cho rằng vấn đề cốt lõi nằm ở sự thống nhất từ đầu giữa nhà trường và phụ huynh. Nhà trường có thể trao đổi cùng phụ huynh và đưa ra một bộ tiêu chí đánh giá trong thời gian học online, đặc biệt ở những lớp của trẻ nhỏ tuổi. Chẳng hạn với những môn học như toán, văn, ngoại ngữ... các em đạt đến mức nào thì được xem là ổn, xuống dưới mức nào thì có vấn đề. Hay những tố chất nào có thể sẽ không bằng khi học trực tiếp, nhưng những kỹ năng nào có thể lại gia tăng?

Việc đánh giá vẫn thuộc về các giáo viên, tuy nhiên khi được biết, phụ huynh sẽ có thể an tâm khi theo dõi tiến độ học tập của con. Phụ huynh nên lưu tâm đến những tiêu chí này trước khi "trách ngược" nhà trường rằng con mình đang học hành online ở mức báo động.

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, hiệu trưởng Trường EMASI Vạn Phúc, chia sẻ nhà trường vẫn thường xuyên gửi các kế hoạch tuần, thời khóa biểu hay chương trình học cho phụ huynh. Họ cũng có thể theo dõi thêm ở sổ báo bài, sổ tay học sinh để xem con hoàn thành tiến độ bài vở thế nào.

Theo cô Cúc, nhiều trường hiện nay đều tạo ra nhiều mối gắn kết giữa giáo viên và phụ huynh thông qua một số kênh thông tin. Dành thời gian và giữ mối liên hệ với các giáo viên cũng như đồng hành với nhà trường là một trong những cách cơ bản giúp phụ huynh nắm được tiến bộ của con trong giai đoạn học online.

Đánh giá thông qua hành trình

TS Nguyễn Thị Thu Huyền, phó hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS), cho rằng nếu chịu khó vừa làm việc tại nhà, vừa để ý những tiết học online của con, mỗi buổi chỉ khoảng 15 - 20 phút, phụ huynh đã phần nào nắm được tình hình của con. 

Khoan hãy đề cập đến điểm số hay kết quả các bài kiểm tra, trước hết phụ huynh cần chú ý đến thái độ học online của trẻ. Hãy xem con có tập trung vào bài giảng hay không, có tự tin phát biểu hay không, khi thảo luận nhóm con có góp ý không, có sợ sai khi trình bày ý kiến hay không.

Đó là thái độ cần thiết không chỉ cho việc học mà còn cho công việc sau này. Phụ huynh có thể cùng con bồi đắp trong khi học online. Chẳng hạn, khi con phát biểu sai, hãy xem lần sau con có giơ tay phát biểu tiếp hay không. Nếu có, đó là một biểu hiện của tinh thần cầu tiến. Nếu không, phụ huynh có thể giúp con vượt qua nỗi sợ sai khi trình bày ý kiến cá nhân.

Tiếp theo, phụ huynh mới cần để ý đến bài vở và bài tập của con. Có thể vừa hỏi thăm, vừa nhắc nhở xem hôm nay có bài gì không, con đã hoàn thành ra sao. Cần tỏ ra tôn trọng sự tự chủ của trẻ, không nên hò hét "Làm bài chưa?", "Khi nào làm?". Bản chất của online là sự linh hoạt nên khi càng gò bó và áp lực, trẻ sẽ càng chán.

Cuối cùng mới là kết quả học tập của con. Phụ huynh cần biết trong học online, cách đánh giá rất linh hoạt. Giáo viên có thể cho điểm thông qua bài kiểm tra, có thể làm bài tập, làm dự án, thuyết trình hoặc ngay trong khi học. Có thể khéo léo trò chuyện để con chia sẻ về các bài tập, dự án của mình để lắng nghe những thuận lợi và khó khăn của con khi thực hiện.

TS Thu Huyền nhấn mạnh trước nay nhiều phụ huynh mong đợi một kết quả nhìn thấy được như điểm số, chứng chỉ. Tuy nhiên, cách nhìn nhận này nên thay đổi. Đánh giá trong giáo dục hiện là một quá trình mà ở đó các vấn đề của học sinh được xử lý để tiến bộ.

Trong hành trình này, trẻ sẽ học được nhiều giá trị như kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, cách nói lên suy nghĩ, cách đặt câu hỏi, tư duy sáng tạo... "Đó là những kỹ năng theo con cả đời, giúp con học được bất cứ thứ gì trong cuộc sống. Do đó phụ huynh thay vì chú ý vào kết quả cuối cùng thì nên quan tâm hơn đến hành trình học của con" - TS Huyền nói.

Cơ hội của phụ huynh

TS tâm lý Đào Lê Hòa An cho rằng nhìn ở góc độ tích cực, học online chính là cơ hội để phụ huynh chứng kiến và đồng hành cùng sự tiến bộ của con. Trước nay khi con đến trường, phụ huynh không thể biết con thể hiện trong lớp như thế nào. Giờ đây ngay tại nhà cha mẹ có thể quan sát được rất nhiều thứ, từ việc thầy cô giảng những gì, cách con học ra sao.

Từ đó, phụ huynh nếu tinh ý có thể hình dung con đang gặp những khó khăn gì trong việc học hay biết được con có những điểm mạnh, điểm yếu nào. Nhờ vậy, cha mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc hỗ trợ con kịp thời. Chưa kể, nếu quan sát con khi học có những tiềm năng nào, phụ huynh có thể giúp con phát huy, thậm chí định hướng nghề nghiệp cho con.

Linh hoạt

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, hiệu trưởng Trường EMASI Vạn Phúc, chia sẻ dạy học online, các kiến thức thường nằm ở mức độ nhận biết và thông hiểu theo chỉ đạo của sở GD-ĐT. Dù vậy, nhà trường cũng có thêm những nhiệm vụ học tập không bắt buộc nhưng mang tính phân hóa để thích hợp với khả năng của từng học sinh. Chẳng hạn, những bạn chậm hơn sẽ có thêm những phần để hỗ trợ về kiến thức, ngược lại những bạn nhanh hơn sẽ có những phần tương đối nâng cao.

Chồng Việt - vợ Tây dạy con dùng thiết bị số

image1_aaaaaaaa 4(read-only)

Thời gian tiếp xúc với các thiết bị số của bé Vincent chỉ khoảng 30 phút/tuần - Ảnh: VINH DK

Ở Đan Mạch, tôi và vợ Emma chủ trương là không để con sử dụng nhiều thời gian vào các thiết bị máy móc khi còn quá nhỏ. Dù chồng người Việt và vợ người Đan Mạch có nhiều khác biệt về văn hóa nhưng chúng tôi khá đồng tình về phương pháp dạy con. Một số điểm nhỏ không thuận, chúng tôi ngồi xuống nói chuyện và lên mạng tìm hiểu phương pháp của các chuyên gia để thống nhất phương pháp nào hợp lý nhất.

Nhìn chung, chúng tôi rất hạn chế việc để con chơi điện thoại, iPad. Mỗi tuần, bé Vincent "đụng" tới điện thoại chưa tới 30 phút. Việc này đã được duy trì từ nhỏ nên đến nay đã 4 tuổi nhưng Vincent không có thói quen sử dụng những thiết bị này. Thời gian rảnh, Vincent chơi ở ngoài sân, với các hoạt động thể thao, đồ chơi, xe đạp, hòa mình vào thiên nhiên.

Tùy gia đình ở Đan Mạch sẽ có cách cho con tiếp cận với công nghệ số khác nhau. Riêng chúng tôi cho rằng nếu con còn nhỏ dưới 6, 7 tuổi thì chưa nên để con tiếp xúc với thiết bị số sớm quá. Bé thường sẽ ít quan tâm tới sự việc xảy ra xung quanh và phần nào sẽ làm giảm sự sáng tạo, hiếu kỳ của trẻ thơ đối với thế giới bên ngoài.

Ở nhà, chúng tôi có một luật: Khi ngồi vào bàn ăn là không được "đụng" tới điện thoại, iPad, đồ chơi, kể cả với người lớn. Bàn ăn là nơi gia đình quây quần ăn uống, trò chuyện với nhau nên "nhân vật chính" phải là cha mẹ và con cái. Trẻ sẽ tập trung vào món ăn và cha mẹ trò chuyện với con về những việc hằng ngày.

HUỲNH QUANG VINH (33 tuổi, Đan Mạch - chủ kênh Vlog "Vinh DK - Cuộc sống Bắc Âu")

Học online không thể xuề xòa Học online không thể xuề xòa

TTO - Đến trường trong điều kiện bình thường, học sinh phải tuân theo những chuẩn mực trong học tập và ứng xử. Cũng như thế, khi học online ngay tại nhà, học sinh cũng phải được hướng dẫn để hình thành 'văn hóa học online'.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên