TTCT - “Nếu bạn bắt một con cá leo cây thì suốt đời nó sẽ tự nghĩ rằng mình kém cỏi” - Albert Einstein từng nói vậy. Minh họa: Bích Khoa LTS: Diễn đàn “Giáo dục đúc khuôn” mở đầu bằng một ước mơ của phụ huynh: “Chúng ta đâu muốn biến các em thành robot!” (TTCT số 39), rồi với nhiều ví dụ thực tế sống động khác, điều đọng lại qua 12 số báo là mong ước các em được giáo dục, dạy dỗ theo cách phát huy đúng tiềm năng vốn có của chính các em chứ không theo một khuôn mẫu định sẵn. Xin khép lại diễn đàn bằng bài viết của một chuyên gia giáo dục. Những kỳ vọng và định kiến “Tại sao mày chỉ ăn và học thôi mà điểm toán thua con bà Bảy bán xôi là sao?”. “Tại sao điểm toán con cao vậy mà điểm tiếng Anh con tệ thế?”. Tại sao, tại sao... Có vẻ như người lớn chúng ta đã quên mất ngày xưa của mình rồi. Rằng ngày xưa, ta cũng chẳng giỏi ở mọi môn học, rằng chính ta cũng từng bị mắng, bị so sánh với con nhà hàng xóm hoặc bạn trong lớp. Ta cũng đã quên mất cảm giác khó chịu, ấm ức khi bị so sánh, tệ hơn nữa là cảm giác căm thù đứa trẻ đang được đưa ra làm hình mẫu cho ta. Cách mà người lớn vẫn làm này, xưa đến nay, chẳng đem lại một hiệu quả giáo dục nào. Nhưng rất nhiều người lớn khăng khăng rằng thành quả học tập của con cái là thước đo sự thành công của chính họ, trang sức của họ, những gì họ chưa làm được thì con cái họ phải làm được... Câu chuyện về những danh nhân thế giới không có một nền giáo dục bình thường, không hề là học sinh giỏi khi còn đi học và thậm chí bị đuổi học năm 7 tuổi như Edison hoặc không học đại học như Bill Gates, hoặc rất nhiều người khác nữa vẫn chưa đủ khiến các bậc phụ huynh bớt lo lắng về việc học của con mình. Hàng trăm năm nay người ta xếp những đứa trẻ cùng tuổi vào chung một lớp, điều mà một số nhà giáo dục trên thế giới phản đối. Xét về mặt khoa học của não bộ thì não con người được tiến hóa và phát triển khác nhau ở những người cùng tuổi. Vậy thì khi chúng ta xếp những đứa trẻ cùng tuổi vào cùng lớp, học như nhau, đánh giá như nhau liệu có khoa học? Lối mòn của giáo dục còn đang làm một điều hết sức phi khoa học, đó là xem trọng những môn học nghiêng về khoa học như toán, lý, hóa và không hài lòng nếu trẻ yêu thích các môn văn, sử, địa. Dựa trên khoa học Khoa học đã chứng minh rằng những đứa trẻ có não phải phát triển sẽ cực kỳ sáng tạo, đầy đam mê, biết cảm thụ cái đẹp và làm ra cái đẹp. Rất nhiều trẻ phát triển não phải sẽ thuận tay trái. Vậy mà suốt một thời gian dài những đứa trẻ thuận tay trái lại bị đánh sưng cả tay để bắt cầm mọi thứ bằng tay phải mới là “bình thường”. Qua rất nhiều thập kỷ, sự sáng tạo của con người đã bị bóp chết bởi lối mòn của giáo dục và câu chuyện buồn này không chỉ riêng ở Việt Nam. Tiến sĩ Howard Gardner, cha đẻ của thuyết Đa trí thông minh, định nghĩa “Thông minh là khả năng giải quyết các vấn đề hoặc tạo ra các sản phẩm mà những giải pháp hay sản phẩm này có giá trị trong một hay nhiều môi trường văn hóa”, và trí thông minh cũng không chỉ được đo lường duy nhất qua chỉ số IQ. Thuyết này chỉ ra rằng chỉ số IQ mà nhiều năm chúng ta dùng để đánh giá sự thông minh không đủ để lý giải vì sao rất nhiều trẻ học kém trong trường nhưng cực kỳ thành công ngoài đời thực. Theo ông, có tám loại trí thông minh khác nhau mà đứa trẻ bình thường nào cũng sở hữu ít nhất một loại, gồm: thông minh về ngôn ngữ, thông minh toán học, thông minh về âm nhạc, thông minh thể chất, thông minh về không gian, thông minh nội tâm, thông minh về giao tiếp xã hội, thông minh về thiên nhiên. Tôi có ba cháu và trong đó có một con gái. Con gái tôi tự học tiếng Anh và cháu rất giỏi. Như vậy cháu có được thông minh ngôn ngữ. Cháu có thể nghe nhạc cả ngày không chán và thay đổi tâm trạng theo nhạc, cháu cũng thông minh về âm nhạc. Tuy nhiên, cháu rất sợ môn hóa và khó học tốt môn này. Vì sao? Mẹ cháu là giáo viên hóa và cháu bị áp lực rất nhiều do bị dán cho cái nhãn “Mẹ dạy hóa đương nhiên con phải giỏi hóa”. Định kiến ấy làm tê liệt động lực của cháu và cứ đến giờ hóa, não bộ cháu đã co cứng không hoạt động và không tiếp thu nổi kiến thức. Vì thế, các chuyên gia cho rằng đầu tiên hãy quan sát xem trẻ thông minh dạng nào. Sau đó tùy theo loại thông minh của con mà tạo điều kiện học tập phù hợp. Ví dụ về trẻ thông minh âm nhạc. Biểu hiện là trẻ rất thích nghe nhạc, thường lắc lư theo tiếng nhạc hoặc vẻ mặt rất hưng phấn khi nghe nhạc. Những đứa trẻ này sẽ học tốt khi nhận thông tin bằng con đường thính giác. Có thể cho trẻ học bằng âm thanh, ghi âm bài học và phát ra cho trẻ nghe. Thậm chí bạn cũng có thể chấp nhận việc trẻ vừa học vừa nghe nhạc và chú ý thể loại nhạc không quá phức tạp..., vì như thế não phải của trẻ phải làm việc vất vả sẽ hạn chế khả năng làm việc của não trái tức là học tập. Ví dụ khác về trẻ thông minh vận động. Nhiều người lớn không hiểu và cho rằng trẻ “tăng động” và dán cho cái nhãn là “cá biệt”. Thực ra trẻ ngồi ù lì mới là cá biệt, còn trẻ thích vận động thì hoàn toàn bình thường. Tôi từng thấy nhiều người lớn phạt trẻ dạng ngồi khoanh tay, quỳ gối hoặc cấm ra chơi. Hình phạt này chỉ khiến khi trẻ được tha sẽ “vận động bù”, tức là nghịch phá hơn mà thôi. Hãy định hướng cho trẻ dồn năng lượng vào những vận động có ích. Nhiều em hay xoay hoặc gõ bút trong giờ học thường bị mắng. Nhưng thực ra, với những trẻ này, nếu không táy máy một hành động nào đó não sẽ buồn ngủ. Ta có thể để yên cho trẻ quay bút với điều kiện vẫn lắng nghe, nếu gõ bút thì gõ lên lòng bàn tay cho khỏi phát ra tiếng động... Phải làm sao đây? Việc đầu tiên, bạn đừng bao giờ so sánh con bạn với bất kỳ đứa trẻ nào mà hãy chấp nhận những năng lực thiên bẩm của con. Những bố mẹ yêu con phải hiểu rằng con sẽ sống tốt với năng lực của con chứ không thể sống thay cho ước mơ của mình. Việc thứ nhì đó là bạn nên hiểu rằng thế kỷ 21 này kiến thức rất nhanh chóng bị lạc hậu. Do đó chúng ta sẽ không quá kỳ vọng vào điểm số để rồi khi con điểm thấp ở một môn học nào đó, cả gia đình thất vọng và bi quan khiến con mất hết động lực học tập. Điều đáng để bạn quan tâm nhất vào lúc này đó là hãy giúp con phát huy thế mạnh con đang có, giúp con bổ sung những điều con còn thiếu, dạy con sống tử tế với cộng đồng và với chính mình. Kỹ năng thế kỷ 21 mà trong đó kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp là thứ mà chúng ta nên hướng tới đào tạo cho con để con có thể thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Hiểu biết tâm lý con chính là chìa khóa để gắn kết con cái với cha mẹ và là chìa khóa để cả gia đình sống hạnh phúc hơn khi giải tỏa được những áp lực về học tập và điểm số.■ Tags: Giáo dục đúc khuônHãy sống cuộc đời của chính con
Bầu cử Mỹ: 'Phó tướng' ông Trump bỏ phiếu, mong hàn gắn nước Mỹ DUY LINH 05/11/2024 Theo báo The New York Times, cuộc bỏ phiếu tại 8 hạt có thể báo hiệu sớm ai là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
Vụ 20 trẻ mầm non vào viện nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột: Sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể DƯƠNG LIỄU 05/11/2024 Chiều 5-11, UBND huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu tổ chức họp báo đột xuất cung cấp thông tin về vụ việc trẻ nhập viện nghi ngộ độc do ăn nhầm thuốc diệt chuột tại Trường mầm non xã Giang Ma.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Nhận tiền giúp hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng quân sự bị bắt LÊ TRUNG 05/11/2024 Nhận tiền của người khác để giúp hoãn gọi khám nghĩa vụ và hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã ở Quảng Nam bị bắt tạm giam.