Tranh: Nguyễn Ngọc Thuần
Gia đình Bin rất phiền lòng về tính ghen ghét, đố kỵ của con nhưng rất khó nhắc nhở và giáo dục bé, vì chỉ động đến là cậu bé lăn ra ăn vạ.
Trong khi đó một số phụ huynh thấy con đố kỵ lại không quan tâm, cho rằng "con nít mà" nên đã không dạy con từ sớm.
Dưới góc độ tâm lý trẻ em, cha mẹ không nên bỏ qua khi thấy con đố kỵ vì sẽ ảnh hưởng không tốt cho việc hình thành nhân cách trẻ.
Trẻ đố kỵ vì không tự tin vào bản thân
Cha mẹ hãy tìm hiểu nguyên nhân sâu xa khiến trẻ đố kỵ. Dù lý do rất đa dạng nhưng chung quy lại là do trẻ tự ti về những điểm hạn chế của bản thân.
Trẻ cảm thấy bất an khi chứng kiến bạn được quan tâm nhiều hơn, em có nhiều áo quần hoặc đồ chơi hơn mình. Trẻ nghĩ mình không xinh đẹp sẽ đố kỵ với những bạn có hình thức đẹp hơn mình, trẻ gặp khó khăn trong học tập đố kỵ với những bạn học giỏi hơn…Tâm lý đố kỵ đó khiến trẻ không thể hòa đồng khi giao tiếp với mọi người.
Sự so sánh không thỏa đáng từ phía người lớn cũng khiến cho trẻ nảy sinh lòng đố kỵ. Do đó, nếu cha mẹ lấy điểm yếu của con ra chê bai, so sánh rằng con chưa bằng bạn bè sẽ làm tâm lý ganh tỵ của con càng tệ hại hơn.
Khi ấy, trẻ rất cần sự sẻ chia của cha mẹ để có thể kiểm soát cảm xúc tiêu cực của mình. Cha mẹ hãy chia sẻ để giúp trẻ giải toả những nỗi ấm ức trong lòng. Chỉ khi nào hiểu được nguyên nhân sinh ra tâm lý đố kỵ của con, cha mẹ mới có biện pháp giáo dục con hiệu quả nhất.
Ảnh: Dicas de Mulher
Giúp con thoát khỏi đố kỵ
Thứ nhất, giúp trẻ tạo dựng lòng tự tin. Những đứa trẻ mang tâm lý đố kỵ thường không thấy những điều đáng quý của bản thân, ngại khám phá tiềm năng nên chưa nhận ra mình có ưu điểm và sở trường nào.
Thậm chí có trẻ do mang trạng thái đố kỵ quá nặng nề nên đã làm thui chột, hao tổn cả năng lực tiềm ẩn của mình. Cha mẹ cần hướng dẫn và giúp đỡ để trẻ dần dần lấy lại tự tin và nhận ra điểm mạnh của mình.
Thứ hai, cha mẹ trau dồi cho con khả năng nhìn nhận, phân tích vấn đề. Giải thích cho con rằng đố kỵ có thể phá hoại sự hòa hợp trong các mối quan hệ của con, bởi không một đứa trẻ nào lại muốn chơi với người có tính đố kỵ.
Gia đình nên tạo điều kiện cho trẻ gia nhập các mối quan hệ xã hội, để trẻ nhận thấy mình không phải là trung tâm, là cái rốn của vũ trụ; rằng xung quanh trẻ có nhiều người giỏi hơn, có khả năng làm tốt nhiều điều hơn.
Cha mẹ cũng nên giúp con hình thành thói quen phân tích vấn đề, biết được rằng ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu, biết thừa nhận sự thua kém của mình để nỗ lực vươn lên. Như thế, nếu gặp phải tình huống người khác giỏi hơn mình, trong lòng trẻ dù có nhen nhóm sự đố kỵ nhưng trẻ sẽ biết dùng lý trí khống chế cảm xúc tiêu cực.
Ảnh: VideoBlocks
Thứ ba, bồi dưỡng cho trẻ có tấm lòng bao dung, rộng mở và giữ gìn những tình cảm tốt đẹp.
Trong quá trình tác động lên trẻ, cha mẹ hãy khéo léo kể cho con nghe gương sáng những người thành đạt, khích lệ con khiêm tốn học hỏi những ưu điểm của người khác, tích cực nỗ lực vươn lên, chiến thắng bản thân, gạt bỏ dần tâm lý đố kỵ với người khác.
Khi trẻ gặp trở ngại hay thất bại, phải thẳng thắn nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc, không để trẻ tức tối, nản chí mà biết vững tin làm lại từ đầu.
Khi sống bao dung, độ lượng, trẻ sẽ học hỏi được nhiều hơn và chế ngự dần tính ích kỷ của bản thân nên không đố kỵ với người khác nữa.
Thứ tư, hướng dẫn trẻ biến lòng đố kỵ thành động lực để phấn đấu vươn lên. Trẻ cần biết cách so sánh, học hỏi, theo đuổi và lấy những bạn xuất sắc làm gương; biết luôn quyết tâm để vượt lên những người giỏi hơn mình, nhưng quan trọng nhất là trẻ phải học cách chiến thắng bản thân.
Tóm lại, cha mẹ phải khéo léo giúp trẻ nhận ra rằng luôn có sự khác biệt giữa người này và người khác. Mỗi người cũng có điều kiện hoàn cảnh sống khác nhau, nên sẽ nhận được sự đối xử khác nhau. Vì thế, trẻ phải biết kiểm soát hành vi, không để tính đố kỵ làm lu mờ lý trí, phá vỡ cuộc sống của mình. Đó cũng là cách để trẻ hoàn thiện nhân cách cho bản thân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận