09/09/2021 10:22 GMT+7

Cơn hạn hán của quần vợt Mỹ

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Bỏ qua nội dung đơn nam từ lâu đã không còn là thế mạnh, việc các tay vợt nữ Mỹ không thể tiến xa ở giải năm nay thực sự gây sốc.

Cơn hạn hán của quần vợt Mỹ - Ảnh 1.

Coco Gauff dừng bước ở vòng 2 Giải Mỹ mở rộng 2021 - Ảnh: AFP

Nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ sự vắng mặt của chị em nhà Williams. Kể từ khi Serena sinh con đầu lòng và dần đánh mất phong độ vì tuổi tác, hầu như không còn tay vợt Mỹ nào xuất hiện trong top 10 đơn nữ.

Ở giải năm nay, tay vợt nữ Mỹ được xếp hạt giống cao nhất là Jennifer Brady. Tuy nhiên, cô đã rút lui vì chấn thương. Còn lại, Coco Gauff (hạt giống số 21), Jessica Pegula (23) và Danielle Collins (26) là những tay vợt nữ Mỹ hiếm hoi được xếp hạt giống.

Thất bại ở Giải Mỹ mở rộng 2021 cũng đẩy quần vợt Mỹ vào cảnh "hạn hán" ở sân chơi đỉnh cao. Đã 6 giải Grand Slam liên tiếp kể từ khi Sofia Kenin đăng quang Úc mở rộng 2020, không còn tay vợt Mỹ nào giành được danh hiệu Grand Slam.

Sự sa sút đó tương đối khó hiểu bởi trong vài năm trở lại đây, quần vợt Mỹ vẫn sản sinh ra nhiều tay vợt trẻ hứa hẹn.

Từ năm 2017 đến nay, lần lượt Sloane Stephens, Madison Keys, Coco Gauff, Kenin rồi Brady xuất hiện. Trong số đó, Kenin đăng quang Úc mở rộng 2020 ở tuổi 21. Gauff thậm chí nổi tiếng từ khi mới 15 tuổi. Nhưng rồi họ chỉ tỏa sáng dưới dạng "khoảnh khắc".

Kenin là ví dụ rõ nhất về hiện tượng "sớm nở chóng tàn" của quần vợt Mỹ. Cô vô địch Úc mở rộng rồi vào chung kết Roland Garros 2020, nhưng lại hoàn toàn thất bại ở những giải đấu sau đó. Ngoài ra, Kenin cũng trắng tay ở các giải đấu nhỏ hơn thuộc WTA.

Tương tự, Jennifer Brady sau khi bất ngờ vào đến chung kết Giải Úc mở rộng hồi đầu năm, cô thậm chí không lọt nổi vào tứ kết của một giải nào khác thuộc hệ thống WTA 1000. Sự thiếu ổn định là điểm yếu của các cô gái Mỹ. Ngay cả Naomi Osaka - tuy mang quốc tịch Nhật nhưng trưởng thành ở Mỹ, cũng bắt đầu sa sút trong nửa năm trở lại đây.

Hồi đầu năm, Osaka xuất sắc giành danh hiệu Grand Slam thứ hai liên tiếp ở Úc mở rộng, sau khi đã vô địch Mỹ mở rộng 2020. Vấn đề bắt đầu xuất hiện với Osaka ở Roland Garros - giải đấu cô đã rút lui ở vòng 2 để phản đối giới truyền thông. Osaka sau đó tiếp tục vắng mặt ở Wimbledon và rồi bị loại sớm ở Olympic Tokyo.

"Sức khỏe tinh thần" là vấn đề được Osaka nhắc đến khi tuyên chiến với giới truyền thông. Osaka được xem là biểu tượng của các VĐV trẻ trưởng thành tại Mỹ, sẵn sàng thể hiện lập trường trước các vấn đề xã hội và không hy sinh quá nhiều vì sự nghiệp thể thao đỉnh cao. Dường như đó cũng mang lại vấn đề về phong độ cho Osaka. Ở Giải Mỹ mở rộng 2021, Osaka chỉ vào được đến vòng 3.

Lần đầu tiên trong lịch sử 140 năm Giải quần vợt Mỹ mở rộng, không có bất kỳ tay vợt chủ nhà nào lọt vào đến vòng tứ kết các nội dung đánh đơn.

Quần vợt Canada thăng hoa

Ở nội dung đơn nam Mỹ mở rộng, hạt giống số 12 Auger-Aliassime đã vào đến bán kết sau khi Alcaraz bỏ cuộc ở trận tứ kết vì chấn thương (thời điểm đó Aliassime đang dẫn 1-0). Đây cũng là thành tích tốt nhất ở các giải Grand Slam của Aliassime.

Bất ngờ càng lớn hơn ở nội dung đơn nữ khi tay vợt 19 tuổi Leylah Fernandez (hạng 73 thế giới) đã vào đến bán kết sau khi đánh bại một loạt hạt giống hùng mạnh như Svitolina (số 5), Kerber (16), Osaka (3)...

Bị loại ở Mỹ mở rộng, Osaka khóc lóc tuyên bố Bị loại ở Mỹ mở rộng, Osaka khóc lóc tuyên bố 'nghỉ chơi quần vợt'

TTO - Tay vợt người Nhật Naomi Osaka đã bất ngờ bị loại ở vòng 3 Giải quần vợt Mỹ mở rộng 2021 sau khi thất bại 1-2 (7-5, 6-7, 4-6) trước đối thủ Canada Leylah Fernandez ngày 4-9. Sau đó Osaka đã khóc và tuyên bố sẽ 'nghỉ chơi quần vợt'.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên