19/03/2017 09:15 GMT+7

Cơn ghen và thảm kịch

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Ba đứa trẻ bỗng chốc bơ vơ sau cơn ghen tuông của người lớn. Chúng ngơ ngác giữa đời và tương lai chưa biết ra sao khi mất đi chỗ dựa tin cậy nhất.

Người dân thôn Xuân Ba (xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến ông T.Đ.T. (41 tuổi) bị vợ là bà Th. (39 tuổi) trong cơn ghen đã châm lửa đốt chồng rồi tự tử.

Lửa ghen đốt cháy

Nhiều người trong làng lo lắng cho ba đứa trẻ - con của họ - sẽ lớn lên thế nào khi mẹ đã chết, ba lại đang phải nhờ máy trợ thở để kéo dài sự sống đang lay lắt. Các bác sĩ cho gia đình biết ông T. khó có thể qua khỏi, có sống cũng tàn phế suốt đời.

Những ngày qua, khi họ hàng và người làng lo đám tang cho mẹ, bé M.V. (5 tuổi) và G.T. (8 tuổi) vẫn vui cười, ngồi trước nhà chơi đồ hàng, đôi khi còn khóc nhè vì hơn thua một món đồ chơi. Bọn trẻ còn quá nhỏ để hiểu nỗi đau này - nỗi đau của những đứa trẻ mồ côi.

Cậu con trai cả M.N. (15 tuổi) đủ lớn để hiểu chuyện nên cậu bé ngồi trong góc nhà, chẳng nói gì, chỉ thẫn thờ nhìn ra sân xem mọi người đang lo đám tang cho mẹ.

Nhìn hai đứa cháu lấm lem trước nhà, bà Trần Thị Nga, chị ruột ông T., khóc nghẹn: “Tụi nó còn nhỏ quá, mất mẹ, cha gần chết rồi mà có biết gì đâu. Giá mà ba mẹ bọn trẻ biết cách để nói cho nhau hiểu thì đâu đến nông nỗi này”.

Câu “giá mà” của bà Nga quá muộn màng khi thảm kịch đã xảy ra. Những người hàng xóm thì không lạ gì những cơn ghen của bà Th.. Đêm trước khi bà đốt chồng, hai vợ chồng cũng cự cãi vì ghen.

Ngồi lại... giải quyết cơn ghen

Ba đứa trẻ đang hứng chịu tất cả nỗi hờn giận của người lớn. Và trong cuộc sống này còn biết bao thảm kịch xuất phát từ sự ghen tuông. Với chuyên gia tư vấn tâm lý thì những cơn ghen cần có lối thoát trước khi quá muộn.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trâm Anh, chủ nhiệm khoa tâm lý giáo dục Đại học Sư phạm Đà Nẵng, cho rằng người ta thương hay nói “cơn ghen” có nghĩa là trong khoảnh khắc gọi là “cơn”, tâm lý của người vợ hoặc chồng không được ổn định và thường họ muốn trút cơn cuồng nộ đó mà không suy nghĩ hậu quả thế nào.

Đó chính là nguyên nhân tại sao người vợ có thể đốt chồng. Ở tâm lý bình thường thì không ai dám làm chuyện đó. Và đương nhiên người ghen chỉ nghĩ đến sự căm phẫn của mình mà không nghĩ đến con cái sẽ sống ra sao sau khi cha/mẹ quyết định tìm đến cái chết để giải thoát.

“Đứng về góc độ tâm lý, đây là sự giải tỏa những bức xúc đã kéo dài và âm ỉ. Để “cắt cơn”, người còn tỉnh táo cần bình tĩnh phân giải hoặc chia sẻ với người còn lại. Không nên im lặng hoặc có lời lẽ công kích. Bởi như thế càng làm cho bức xúc tăng thêm” - tiến sĩ Trâm Anh nói.

Còn tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hàng Phương, Trung tâm Hỗ trợ tâm lý, giáo dục Cadeaux (Đà Nẵng), chia sẻ chị cũng thường xuyên tiếp nhận những câu chuyện ghen tuông tương tự.

Theo tiến sĩ Phương, người vợ hoặc chồng khi xuất hiện cơn ghen là do cho rằng mình là người cuối cùng biết được "sự thật", nghĩ mình bị lừa dối, do vậy mà mang tâm lý u uất dẫn đến cãi vã và đổ vỡ.

Họ gần như không có lối thoát cho mối quan hệ của mình. Nhất là trong quan hệ gia đình Á đông, phụ nữ khi ghen thường cam chịu và cố gắng cư xử để khỏi bị dị nghị. Khi họ làm những việc liều lĩnh như tự tử hoặc giết người đầu ấp tay gối là đã đến lúc giọt nước tràn ly.

Tiến sĩ Phương chia sẻ: “Hôn nhân phương Tây thường cho thấy vợ chồng tôn trọng cảm xúc của nhau. Khi họ biết trước bạn đời của mình có tình cảm với ai đó, có thể họ sẽ chuẩn bị tâm lý trước cho trường hợp xấu nhất là ly dị”.

Ngoài ra, tiến sĩ Phương còn ủng hộ việc không yêu nhau nữa thì nên thẳng thắn và đưa nhau ra tòa để không ảnh hưởng đến con cái.

Nhưng phải chăng những đứa trẻ bỗng chốc bơ vơ do mất cha mất mẹ sau cơn ghen của người lớn còn đáng thương hơn bao lần so với những tổn thương tình cảm mà cha mẹ chúng nhận lấy bởi sự bội phản của người kia?

Hoặc nhẹ nhàng hơn thì sống trong một gia đình rạn nứt và căng thẳng liên tục, những đứa con ấy cũng đâu thoát được những cơn chấn động tâm lý và ảnh hưởng đến tâm sinh lý khi lớn lên.

Thương lấy con, biết nghĩ cho con hẳn là điều người làm cha làm mẹ lấy đó để giữ mình...

Các chuyên gia tâm lý có lời khuyên rằng hãy giải tỏa cơn ghen bằng cách gặp một ai đó chia sẻ. Đến các trung tâm tư vấn tâm lý cũng là một liệu pháp. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hàng Phương nói: “Chỉ có thể hàn gắn được tình cảm khi vợ chồng thành thật với nhau”.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên