Nghệ sĩ Trinh Hương chia sẻ tâm sự này với Tuổi Trẻ Online bên lề buổi họp báo chiều 3-4 thông tin về đêm nhạc Phú Quang - Đỗ Bảo sẽ diễn ra ngày 21 và 22-4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Trước đó, Trinh Hương đã vài lần phải lên tiếng trên truyền thông chuyện nhạc của Phú Quang bị vi phạm bản quyền tràn lan sau khi cha cô qua đời.
Một bài hát của Phú Quang có thể thu tác quyền 10 triệu đồng/lần
Trinh Hương cho biết khi phải ra mặt đòi tiền tác quyền cho tác phẩm của cha mình, cô mới được trải nghiệm cảm giác của người đi đòi nợ.
"Tiền tác quyền chính đáng, nhưng nơi trả nơi không, nơi lách luật trả thiếu, nơi cãi cùn, cãi ngang bằng được để trốn tránh nghĩa vụ... Đòi tiền tác quyền như đòi nợ thuê.
Có một số người thì rất trân trọng bố tôi và âm nhạc của ông thì luôn thực hiện nghĩa vụ bản quyền tác giả rất tử tế. Nhưng một số đơn vị thì tìm mọi cách lách.
Khi ông còn sống, mọi người nể ông hơn nên chuyện bản quyền các ca khúc của ông cũng được thực hiện tốt hơn. Nhưng sau khi ông mất thì không được như thế.
Tôi cũng không muốn truy cùng đuổi tận với những đơn vị cố tình trốn tránh tiền tác quyền nhưng tôi muốn mọi người dần dần có ý thức hơn trong chuyện bản quyền", Trinh Hương chia sẻ thẳng thắn.
Cô cho biết đây là tình hình chung của tất cả nhạc sĩ chứ không phải chỉ riêng cha cô.
Thậm chí tình hình còn tệ hơn với một số nghệ sĩ khác bởi chính các nhạc sĩ nhiều khi lại không quan tâm tới tác quyền do suy nghĩ bài hát của mình được mọi người sử dụng, đưa đến với công chúng đã là niềm vui.
Vì vậy, con đường đấu tranh để các giá trị dần dần được ghi nhận đúng mức, quyền tác giả được tôn trọng, luật bản quyền được thực thi nghiêm túc rất gian nan.
Cô mong các nhà tổ chức nên tôn trọng các tác phẩm mà họ đang sử dụng để kinh doanh kiếm lời. Nhưng mong hơn cả là chính các nhạc sĩ phải thay đổi suy nghĩ, phải tự tôn trọng và đòi quyền tác giả của mình trước.
Về số tiền tác quyền, cô cho biết gia đình được cùng với đơn bị bảo vệ quyền tác giả âm nhạc mà gia đình đã ủy quyền để đưa ra mức tác quyền cho từng chương trình cụ thể và ở mức cao so với các nhạc sĩ khác.
Với những chương trình lớn ví như ở Trung tâm Hội nghị quốc gia với 4.000 chỗ thì tác quyền một bài hát của Phú Quang gia đình đưa ra cho một chương trình mới đây là 10 triệu đồng/bài.
Đêm nhạc của hai thế hệ yêu Hà Nội
Về đêm nhạc Phú Quang - Đỗ Bảo tới đây, Trinh Hương tham gia với vai trò cố vấn nội dung.
Lần đầu tiên âm nhạc của Phú Quang và Đỗ Bảo cùng hòa quyện trong đêm nhạc được cho là hội tụ một ê kíp tinh hoa.
Bốn giọng ca quen thuộc với âm nhạc Phú Quang và Đỗ Bảo, cũng là những nghệ sĩ thành danh, sẽ hát trong chương trình gồm: Thanh Lam, Tấn Minh, Ngọc Anh và Hà Trần.
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam trở lại sau thời gian dài vắng bóng với vai trò tổng đạo diễn của chương trình.
Đỗ Bảo không chỉ là một trong hai tác giả được hát trong đêm nhạc mà còn đảm nhiệm luôn vai trò giám đốc âm nhạc. Anh cho biết sẽ cố gắng để tạo ra một mạch uyển chuyển cho đêm nhạc của hai nhạc sĩ thuộc hai thế hệ và bề ngoài dường như khác biệt.
Để thực hiện chương trình đặc biệt này, anh đã gác lại cả kế hoạch tổ chức đêm nhạc riêng trong năm dù đã lên lịch, bởi đồng cảm và trân trọng ý tưởng tổ chức chương trình của ban tổ chức.
Họa sĩ Lê Thiết Cương là giám đốc mỹ thuật của đêm nhạc, nên ngoài âm nhạc, khán giả còn được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật thị giác độc đáo song hành cùng âm nhạc của họa sĩ này cả trên sân khấu và tiền sảnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận