Phạm Thiên Hà, con gái của liệt sĩ Phạm Văn Hưởng, nghẹn ngào hát ca khúc Bài ca hy vọng - Ảnh: T.ĐIỂU
Phạm Thiên Hà hát trong chương trình giao lưu nghệ thuật, gặp gỡ nhân chứng lịch sử mang tên Kiên cường Việt Nam, do Quỹ Mãi mãi tuổi 20 và Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 15 năm xuất bản cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm và Mãi mãi tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.
Ngay khi Thiên Hà bước ra sân khấu và cất tiếng hát rất tình cảm, cả khán phòng gồm hầu hết sinh viên của trường đã vỗ tay nhiệt tình dù giọng hát của cô gái trẻ không hẳn là nổi bật trong số các tiết mục văn nghệ được sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội mang tới chương trình.
Khi người dẫn chương trình trong cánh gà giới thiệu Thiên Hà là con gái của liệt sĩ, nhà báo Phạm Văn Hướng vừa hy sinh ở Thủy điện Rào Trăng 3 thì một lần nữa tiếng vỗ tay lại vang dội, và các khách mời của chương trình lúc này mới hiểu rõ vì sao cô gái lại được cổ vũ mạnh mẽ như vậy và vì sao cô hát Bài ca hy vọng lại tha thiết và xúc động nhường ấy.
Thiên Hà đang là sinh viên của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Nén nỗi đau mất cha đột ngột, cô gái trẻ tiếp tục tập trung cho việc học và vẫn tham gia tích cực vào các chương trình ngoại khóa với đoàn thể, câu lạc bộ Ngọn lửa tuổi 20…
Một tiết mục biểu diễn của các sinh viên trong đêm giao lưu nghệ thuật Kiên cường Việt Nam - Ảnh: T.ĐIỂU
Chương trình giao lưu với những nhân chứng liên quan tới liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký nổi tiếng Đừng đốt còn mang đến nhiều câu chuyện cảm động cho các bạn trẻ của ngôi trường có nhiều truyền thống học tập và cống hiến của tuổi trẻ hơn nửa thế kỷ qua.
Cựu chiến binh Huỳnh Đoàn Sang - một nhân vật xuất hiện trong cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, một bệnh nhân, thương binh nặng của nữ bác sĩ năm xưa - đã nghẹn ngào kể lại những ân cần săn sóc của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm dành cho ông, đã cứu ông khỏi cõi chết.
Cũng bởi ân nghĩa với bác sĩ Đặng Thùy Trâm mà con gái đầu của ông sinh ra ngay khi đất nước vừa hòa bình năm 1976 đã được ông đặt cho cái tên của người nữ bác sĩ cứu mình năm xưa: Huỳnh Thị Thùy Trâm.
Cựu binh Huỳnh Đoàn Sang, người thương binh năm xưa xuất hiện trong cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, cho biết con gái đầu lòng của ông cũng mang tên Thùy Trâm để tưởng nhớ người bác sĩ đã đem lại sự sống cho ông - Ảnh: T.ĐIỂU
Trong khuôn khổ sự kiện, Hội Kỷ lục gia Việt Nam đã tôn vinh Quỹ Mãi mãi tuổi 20 và nhà văn Đặng Vương Hưng vì công lao tổ chức bản thảo và ấn hành bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam, tổng hợp và biên soạn 31 tác phẩm nhật ký của 31 tác giả trong thời chiến tranh tại Việt Nam, dày hơn 4.000 trang, trong 16 năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận