Một to don "phá cách" khi thêm trứng vịt lộn - Ảnh: PHAN THANH SANG
Ai về xứ Quảng xa xôi
Nhớ sông Trà Khúc sóng dồi lăn tăn
Hai câu thơ trữ tình ấy như mời gọi đến vùng đất nghèo nơi miền Trung khô cằn đầy nắng gió, đó là Quảng Ngãi quê tôi, quê hương như người ta mệnh danh "núi Ấn sông Trà".
Con sông Trà như biểu tượng đẹp của vùng đất Quảng Ngãi, nơi ấy cũng sản sinh ra hai loại sản vật đặc biệt mà ít nơi nào có được. Đó là cá bống sông Trà và con don.
Nói tới con cá bống thì người ta nghĩ tới hai câu thơ:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ con cá bống sông Trà kho tiêu.
Hay:
Phải đâu chàng nói mà xiêu
Tại con cá bống tại niêu nước chè.
Vâng đó là loại sản vật mà ai tới vùng đất này cũng nên thử một lần.
Nhưng hôm nay tôi giới thiệu đến các bạn cũng là một sản vật đặc sắc của sông Trà, cũng là món ăn mang tinh túy của người Quảng Ngãi đó là con don.
Nếu ai chưa biết có lẽ chưa hình dung ra nó như thế nào nhỉ. Bởi tên gọi này bắt nguồn từ phương ngữ Quảng Ngãi, lấy tên nguyên liệu chính - con don - để gọi tên món ăn.
Don là dộng vật thân mềm, thuộc họ hến nhuyễn thể gần giống hến nhưng có kích thước nhỏ hơn, vỏ màu vàng hoặc đen nhạt, có tua màu hồng xung quanh.
Để don vào tô, thêm ít hành tây, hành lá lên rồi chan nước don vào - Ảnh: PHAN THANH SANG
Don chỉ có ở Quảng Ngãi, và cũng chỉ có ở hai con sông lớn là sông Trà và sông Vệ. Sống ở vùng nước mà quê tôi hay gọi "nước chè hai", để bắt được con don cũng rất là công phu.
Người cào don phải ngâm mình cả ngày dưới nước, dụng cụ cào don được gắn với dây đeo ngang hông người. Một tay cầm cán tre, tay còn lại tì thắt lưng lấy thế đi giật lùi.
Con don sau khi đánh bắt về sẽ được ngâm trong nước vo gạo để nhả hết cát trong mình ra. Sau đó con don sẽ được mang đi luộc, bỏ vào một cái nồi lớn đun đến khi sôi. Để tách vỏ don ra người ta dùng một cây đũa tre lớn để đánh cho vỏ và ruột tách ra.
Nước don có cần nêm nếm gì đâu cho cầu kỳ, chỉ cần thêm chút muối và chút bột ngọt bởi vì bản thân nó đã mang chất ngọt sẵn.
Chao ôi cách bày biện có gì đâu là cầu kỳ, nó cũng đơn giản mộc mạc như con người nơi đây vậy, chỉ cần bẻ một ít bánh tráng sống, mà phải bánh tráng thiệt chất gạo vào tô. Thêm ít hành tây, hành lá lên rồi chan nước don vào.
Khi ăn dầm thêm trái ớt xiêm ở vùng cao Ba Tơ nữa thì người ăn cũng sẽ vỗ đùi mà khen: Con gái còn son, không bằng tô don Vạn Tượng
Thật vậy cô gái còn son đã đẹp đã đằm thắm rồi mà cũng không bằng... tô don này thì độ ngon ở mức nào nữa. Với những thực khách lần đầu thưởng thức, don không chỉ lạ miệng mà còn gây ấn tượng với hương vị rất đặc trưng.
Bẻ một ít bánh tráng sống, mà phải bánh tráng thiệt chất gạo, vào tô tô don - Ảnh: PHAN THANH SANG
Còn với người xứ Quảng, từ bao đời nay don đã trở thành món ăn trong tâm tưởng, là niềm tự hào về quê hương, là nỗi nhớ về đất mẹ khi xa xứ.
Bởi don chứa đựng trong mình gần như đầy đủ nét văn hóa, tình cảm và tâm hồn của con người Quảng Ngãi: dân dã, mộc mạc mà đậm đà, đằm thắm, chân thành.
Có thể nói món don như đặc tính của người đất Quảng, không cầu kỳ, không đắt đỏ, cái ngon tự nhiên đến từ vị ngọt thanh lạ của con don trên mảnh đất quê hương đã tạo nên một đặc sản, một niềm tự hào của ẩm thực Quảng Ngãi..
Mộc mạc, dân dã song canh don gần như chứa đựng tất cả con người, tình cảm và văn hóa của vùng đất núi Ấn sông Trà này.
Dù có đi đâu xa thì bất cứ người con Quảng Ngãi cũng đều mang nỗi nhớ quê hương trong mình, ở Sài Gòn đi ngang chỗ nào bán don mùi hương bay qua làm nỗi nhớ quê hương da diết phải quay xe lại làm ngay một tô ngay. Mỗi lần về quê là phải tìm món don mà ăn đầu tiên
Về Quảng Ngãi bạn nhớ nên ghé xuống các vùng Nghĩa Hòa, Nghĩa Phú để ăn don, không chỉ ngon mà được gặp những con người chân thành mộc mạc, những làng quê thơ mộng bình yên, ta quên đi bao lo toan, muộn phiền tất bật của cuộc sống.
Mời bạn đọc tham dự Diễn đàn Món ngon của tôi
Bài viết tối đa khoảng 1.000 chữ, kèm hình ảnh (clip nếu có), và gửi về email [email protected]. Các bài viết được đăng sẽ được trả nhuận bút!
Diễn đàn do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của Công ty Nutifood.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận