Tân thủ khoa tốt nghiệp toàn trường với điểm số xuất sắc 9,23 Nguyễn Đình Minh Khuê - Ảnh: Q.NG.
Cũng phải lâu lắm rồi sinh viên khoa văn học mới ở vị trí thủ khoa tốt nghiệp toàn trường.
Câu chuyện với chàng tân cử nhân Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) khóa 2014-2018 khởi đầu từ chính gia đình bạn ở quê "gạo trắng nước trong" Cần Thơ.
"Chiếc nôi" văn học
* Minh Khuê đã chọn cho mình con đường văn chương từ lúc nào?
- Tôi được sinh ra trong "chiếc nôi" văn học. Ba tôi giảng dạy chuyên ngành ngữ văn tại ĐH Cần Thơ, mẹ tôi là giáo viên dạy văn tại một trường THPT ở quê.
Từ nhỏ tôi đã làm quen và lớn lên cùng những cuốn sách, tác phẩm văn học trong tủ sách của ba mẹ. Nói là mê văn học từ bé nhưng thật sự cũng khó mà phân biệt được từ lúc nào trong máu tôi cũng mang luôn "dòng máu" văn học.
* Nhưng bạn lại chọn lớp chuyên Anh ở ngôi trường THPT chuyên của Cần Thơ chứ không phải là chuyên văn...
- Thực ra tôi có giải thưởng học sinh giỏi văn cấp tỉnh từ năm học lớp 9 và cũng định chọn lớp chuyên văn khi vào lớp 10 nhưng theo lời khuyên của mẹ nên tôi thi vào lớp chuyên Anh.
Tôi nghĩ đó là lựa chọn chính xác vì nhờ vốn tiếng Anh tích lũy những năm học phổ thông mà tôi có thể đọc được những tác phẩm, sách nghiên cứu về văn học của nước ngoài.
Nhưng niềm đam mê với văn học chưa bao giờ ngừng nghỉ trong tôi. Đó là lý do tôi chọn vào khoa văn học, thi vào lớp cử nhân tài năng và hướng đi xác định cho mình là nghiên cứu văn chương, đặc biệt hứng thú với văn học cổ và muốn tìm hiểu sâu về nó.
Tôi đang nỗ lực tìm học bổng du học ở Anh với mong muốn khám phá nền văn học đa dạng của châu Âu.
NGUYỄN ĐÌNH MINH KHUÊ
Theo văn chương, đừng nghĩ việc làm giàu
* Bạn có thấy mình "khác người" không khi lứa tuổi 9X đam mê hơn với công nghệ, nghĩ đến làm giàu, kiếm tiền nhanh nhất có thể thì bạn chọn con đường văn chương?
- Có người nói tôi chọn hướng đi thấy viển vông quá! Nhưng có quan trọng gì khi tôi là tôi và được sống với đam mê đời mình. Nếu đã chọn văn chương, đừng nghĩ việc làm giàu, với tôi là thế.
Thường khi nói đến nghiên cứu, người ta nghĩ ngay đến tính ứng dụng nhưng chọn văn chương, tôi cho rằng mình cần bước một cách kiên trì và nhìn xa hơn.
Có thể không thấy ngay được ở thời điểm hiện tại, song tôi kỳ vọng kết quả nghiên cứu của mình góp phần thay đổi chiều sâu lâu dài, tác động đến tâm hồn con người trong xã hội chẳng phải cũng hữu ích sao!
Mà thực tế nhiều nước phát triển trên thế giới hiện nay lại đang rất quan tâm đến các nghiên cứu của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
* Đâu sẽ là cột mốc hay mục tiêu bạn tự đặt ra trên con đường mình chọn?
- Làm nghiên cứu khó đo lường hay biết trước kết quả sẽ ra sao nên tôi hầu như không đặt cho mình bất cứ cột mốc hay mục tiêu nào. Tôi muốn trở thành một người thầy song hành cùng đam mê nghiên cứu.
Có lẽ tôi sẽ ở lại khoa, trường dù tôi biết lương không đủ sống. Nhưng mình có nhiều cách kiếm sống. Chẳng hạn hiện tôi tạm đủ sống với lớp dạy tiếng Anh cho mấy bạn sinh viên và một lớp dạy tiếng Anh cho nhóm người Đài Loan đang làm việc tại TP.HCM.
Tôi cũng đều đặn viết bài bình luận văn học, bình luận sách cộng tác với hai tạp chí văn nghệ.
Học cách đọc và tranh luận
* Gia tài trong tủ sách của bạn sẽ là những gì?
- Sách văn học là đương nhiên rồi. Bên cạnh đó tôi thường xuyên đọc sách về triết học. Tôi cho rằng hai loại sách này "gần" nhau lắm. Tôi thấy triết học gần như là nền tảng cho văn học.
Tôi đọc và nhận ra dường như một tác giả văn học nào đó đều ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng của một nhà triết học có thể ở cùng giai đoạn hay ở giai đoạn khác. Với riêng mình, khi đọc sách triết học tôi được khai sáng nhiều điều.
* Bạn nhìn nhận thế nào về việc đọc và cả chuyện tranh luận hiện nay không chỉ là của người trẻ?
- Bây giờ có quá nhiều thứ cám dỗ, lên mạng là biết hết, thậm chí một vấn đề nào đó người ta đợi ai đó chuyển thành tranh vẽ, vì chỉ cần xem là hiểu ngay, khỏi cần đọc chữ.
Tôi không nghĩ là nhu cầu đọc hiện nay ít đâu vì thực tế có những tác phẩm của một số tác giả được tái bản rất nhiều lần.
Chỉ là người ta đọc cái gì? Có vẻ như nhiều người đang chọn cách đọc khá dễ dãi, ít dám đương đầu với những loại sách hơi khó đọc, mà điều này với nhiều người chắc cũng là bình thường.
Còn việc tranh luận càng có vấn đề hơn, nhất là trên mạng xã hội. Nhiều người có ý kiến, góp ý, phê phán, thậm chí nặng lời trên mạng dù họ chưa biết, chưa nắm hết câu chuyện, vấn đề đó là gì.
Có thể hơi chủ quan song tôi thấy gần như chưa có văn hóa tranh luận trên mạng xã hội hiện nay. Theo tôi, tranh luận phải trên cơ sở khoa học, xuất phát từ lý lẽ chứ không phải theo đám đông hay vào hùa.
Văn học cần nhiều hơn đau đớn cá nhân!
* Chọn nghiên cứu văn chương, hẳn bạn có đọc sản phẩm của tác giả trẻ đang thu hút lượng người đọc kha khá hiện nay?
- Tôi đọc để có chất liệu cho bài viết "Văn học trẻ bội thực những nỗi đau riêng", chia sẻ tại hội nghị những người viết văn trẻ TP.HCM do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức.
Góc nhìn cá nhân, tôi thấy điểm chung ở nhiều trang viết của những tác giả khác nhau ấy là sự đau đớn, cô đơn, săm soi vết thương của mình quá nhiều, ít quan tâm đến người khác.
Điều đó đều cần ở mỗi thời đại và nhu cầu đọc. Chẳng hạn trên báo chí trước đây có chuyên mục feuilleton - truyện dài kỳ rất thu hút bạn đọc.
Nhưng tôi nghĩ văn học cần nhiều hơn, còn nhiều vấn đề cần quan tâm hơn như: xã hội, đạo đức, môi trường... chứ không chỉ là những đau đớn cá nhân như thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận