14/11/2011 09:40 GMT+7

Con đường trà Việt - Kỳ 4: Giữ hương trà Việt

TÂM LỤA - ĐỨC BÌNH
TÂM LỤA - ĐỨC BÌNH

TT - Hơn 20 năm nay, trong một ngõ nhỏ rộng chưa đầy 5m dưới chân cầu thang khu tập thể nhà B6 - Thanh Xuân Bắc, Hà Nội, có một quán trà mang tên Lư Trà Quán. Ấy là nơi đàm đạo văn chương của các cụ già về hưu, của những cô cậu sinh viên, hay người dân buôn bán quanh khu tập thể. Chủ Lư Trà Quán là ông giáo Lư đã về hưu.

jBxrfzqQ.jpgPhóng to

Cụ Lư (bìa phải) và những người bạn trà quen thuộc tại Lư Trà Quán - Ảnh: Tâm Lụa

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:

Bên chén trà ấm nóng dưới chân cầu thang, rất nhiều câu chuyện thế sự được bàn, rất nhiều bài thơ được đọc và nhiều lần kết thúc câu chuyện bao giờ cũng là nỗi ưu tư trong lòng ông giáo Lư về điều gọi là hương trà VN.

Chuyện từ Lư Trà Quán

Từ sáng sớm, ông giáo Lư đã cần mẫn dọn hàng nước. Cũng chỉ vài phích nước sôi, vài bộ ấm pha trà, những thanh kẹo lạc. Hơn 20 năm, có rất nhiều thứ đã đổi thay. Ông giáo Lư lưng còng thêm, tóc bạc trắng, 14 người bạn hưu trí hay uống trà, cùng đàm đạo văn thơ với ông đã về cõi vĩnh hằng. Riêng có một thứ vẫn không thay đổi: lịch uống trà được ghi nắn nót trên một tấm bìa cactông cũ.

Lịch ấy ghi thế này: “Thứ hai uống trà mộc Tân Cương, thứ ba uống trà sen, thứ tư trà nhài, thứ năm trà cúc”... Phía dưới tấm lịch là dòng ghi chú: “Đây là trà đặc sản của VN, nếu có bạn tâm đồng ý hợp pha một ấm trà đặc sản trên đây ngồi nhâm nhi với thanh kẹo lạc, kể vài ba câu chuyện vui vui hoặc đọc cho nhau nghe vài ba câu thơ mà bạn tâm đắc, ta sẽ cảm thấy thanh thản, thoải mái vô cùng. Và nó sẽ xua đi hết những ưu tư, trần tục”.

VTV4, Đài NHK của Nhật Bản về ghi hình, giới thiệu với bạn bè thế giới cái ngõ nhỏ với chén trà ấy. Mỗi ngày, Lư Trà Quán chỉ có vài chục khách, mỗi người uống một chén trà chỉ với giá 3.000 đồng. Phép tính giản đơn để biết quán trà đã tồn tại hơn 20 năm ấy không vì mục đích kinh doanh. Người tới uống trà cũng không phải để tìm một chén trà ngon, loại trà của cụ Lư chắc hẳn không phải là thứ trà ngon nhất Hà thành.

Nhiều người bảo chỉ đến để tìm một không gian yên tĩnh trong nhịp sống xô bồ, tìm một người bạn để đàm đạo văn chương... Nhiều bạn trẻ khi đến Lư Trà Quán uống trà, nghe cụ Lư kể chuyện về trà đã ngạc nhiên hỏi: “Trà Tân Cương là đặc sản của VN đấy ư? Vậy mà chúng cháu tưởng trà của Trung Quốc. Hóa ra VN có một nền văn hóa ẩm thủy độc đáo mà chúng cháu không hề biết”.

Trước những câu hỏi ấy của nhiều người, cụ Lư thở dài: “Đắn đo mãi mới quyết định bán nước trà, vì nghĩ mình là người nhà nước, về hưu phải chọn nghề cho xứng với cái danh của người nhà nước. Bán trà rồi mê lúc nào không hay, buồn một nỗi văn hóa trà Việt bị bỏ bê quá, giới trẻ không mấy ai quan tâm, người dân trồng chè còn khổ cực, mà Nhà nước, Chính phủ thì bận trăm công nghìn việc...”.

Nghe những tâm sự gan ruột của cụ Lư, bất giác một cụ đọc lên mấy câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong Thăng Long thành hoài cổ: Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/ Nước còn cau mặt với tang thương/ Ngàn năm gương cũ soi kim cổ/ Cảnh đấy người đây luống đoạn trường...

Rời khỏi Lư Trà Quán, tôi ám ảnh mãi trong đầu những dòng thơ của Huy Cận, Chế Lan Viên, Hồ Xuân Hương...mà các cụ vừa đọc. Không phải ngẫu nhiên mà cụ Lư và những người bạn trà hay ngân nga những bài thơ của các thi nhân xưa bởi người nay cũng đầy những trăn trở, hoài vọng. Chỉ khác một điều thi nhân xưa với những ám ảnh bất lực với thời gian, không gian hay thời cuộc; còn cụ Lư và những người bạn trà thì ngâm nga những vần thơ ấy để tiếc nhớ một hương trà Việt đang dần phai phôi...

Ướp hương cho trà

Hà Nội là cái nôi của việc uống trà ướp hoa, đặc biệt là trà ướp hương sen, hương nhài... ít nơi nào có được. Về Hà Nội, nhắc tới việc ướp hương cho trà không thể không nhắc tới Tuấn Chè ở số 23 Hàng Muối. Trà ướp hoa phải là thứ trà anh Tuấn đặt người dân trồng ở Đại Từ, Thái Nguyên với một quy trình nghiêm ngặt từ việc trồng, hái và sao chế để cho ra loại trà ngon nhất. Sen để ướp trà phải là loại sen được hái từ hồ Tây.

Do đặc điểm thổ nhưỡng mà sen hồ Tây có bông to, thắm màu và hương thơm đặc biệt hơn loại sen trồng ở vùng khác. Để ướp được 1kg trà cần tới hơn 1.000 bông sen. Vào mùa, sen được hái từ lúc sáng sớm, tách lấy gạo sen ngay tại đầm rồi mang về ướp trà. “Công đoạn ướp trà đòi hỏi tinh tế, cầu kỳ vô cùng” - anh Tuấn chia sẻ. Cứ một lớp gạo sen lại rải một lớp trà, rải càng mỏng thì trà và hương sen lại quấn quýt nhau. Sau khi ủ trà 20-23 tiếng thì sàng bỏ gạo sen rồi mang trà đi sấy khô, rồi lại ướp, rồi lại sấy... Sau bảy lần như thế mới được một mẻ chè sen. Vợ chồng anh Tuấn vẫn tự tay ướp, sao chè vì sợ người làm không biết sẽ ảnh hưởng tới hương chè.

Ngược dòng trở về phương Nam nắng ấm để tìm hiểu cách chế biến trà. Người dân huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng thường bán chè tươi cho các đại lý chứ không cầu kỳ sao chế chè khô như người Thái Nguyên. Các đại lý mua nhiều loại chè tươi với nhiều giá khác nhau: từ trà sam (hái một tôm hai lá) có giá đắt nhất, tới trà cành (cành chè hái 3-4 lá), rẻ nhất là loại trà xào (người dân cắt bán cả cành). Việc ướp hương cho trà của người phương Nam cũng không có được sự cầu kỳ như người làm chè phía Bắc. Dọc hai bên đường Trần Phú (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) đầy rẫy cửa hàng treo biển bán trà đặc sản, trà ướp hương.

Nhiều người miền Bắc sau khi uống trà của phương Nam trồng thì bảo nhạt quá, trong khi đó nhiều người Nam uống trà Bắc lại bảo quá đậm và khó uống. Âu cũng là khẩu vị và sở thích của từng người. Nhưng dù đậm hay nhạt, chát hay đắng, chén trà Việt có một đặc điểm mà ai cũng rất thích: chát mạnh, ngọt hậu. Vị trà sau khi uống người xưa thường bảo “đi tám dặm đường còn ngọt trong cổ”, ấy là vị đắng của giọt mồ hôi nước mắt, vị ngọt của sự chắt chiu, nâng niu của những người trồng chè trên dải đất hình chữ S này.

Lê Quý Đôn trong cuốn Vân Đài loại ngữ (1773) đã mô tả cây chè vườn một gia đình của người Kinh ở vùng Thanh Hóa, ghi chép cụ thể về phong tục dân gian uống chè tươi, hay chế biến chè đơn giản (băm giã, ủ, phơi khô) của làng nghề làm chè Bạng nổi tiếng. Nhiều sử sách ghi lại hình thức uống trà của người Việt khởi nguồn từ chùa chiền. Các nhà sư thường uống trà và tụng kinh thay cơm sáng hay những lúc chiều tà để giúp tỉnh được mộng trần và rửa được lòng tục.

Sau đó, trà nhanh chóng được ưa chuộng trong đời sống cung đình. Ấy là loại trà ngon đựng trong lọ sứ, lọ thủy tinh, bên ngoài bọc giấy bạc, giấy bóng kính như bằng chứng của sự giàu sang quyền quý, để phân biệt đẳng cấp với bậc thứ dân trong xã hội phong kiến. Nhiều sử sách còn chép lại thú uống trà đầy vẻ cầu kỳ của các quan xưa: phải đủ than hoa, hỏa lò, siêu đồng, chén tống chén quân, khay chạm khảm...

______________________

Rời phương Bắc, người ta sẽ có một thế giới trà khác ở tận vùng cao nguyên B’Lao bạt ngàn nắng gió. Ở đó có một nhà máy chế biến trà xưa nhất VN còn hoạt động, có những nỗi niềm ưu tư về tương lai cây trà Việt...

Kỳ tới: Trên những đồi trà phương Nam

TÂM LỤA - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên