Phóng to |
GS Hoàng Tụy và nhà báo Hàm Châu (phải) tại nhà riêng - Ảnh tư liệu |
Phóng to |
Sách do NXB Dân Trí ấn hành - Ảnh: N.K.P. |
Trong 78 bài báo đó có 44 ký chân dung các tài năng trẻ về các lĩnh vực toán, vật lý, tin học, âm nhạc và sáu ký chân dung về những người thầy đã có công đào tạo các tài năng ấy, từ những học sinh đoạt huy chương trong các kỳ thi Olympic quốc tế những năm 1970 đến những tên tuổi lừng danh như Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu...
Những chân trời của tài năng không chỉ cung cấp khối tư liệu phong phú, cho chúng ta hình dung gần như toàn cảnh về thành tựu giáo dục - đào tạo nhân tài đất nước mấy chục năm qua, mà từ những con đường khác nhau dẫn đến đỉnh cao của lớp người ưu tú đó, chúng ta có thể thu nhận được những bài học rất có ý nghĩa để vượt qua những thử thách trong cuộc đời. Có lẽ vì thế, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã nhận xét: “...Cuốn sách của nhà báo Hàm Châu cần cho tất cả. Một vị phụ huynh, một nhà giáo, hay chỉ là một em học sinh trung học ham hiểu biết, từ những góc nhìn khác nhau, tất cả đều có thể tìm thấy trong cuốn sách này nhiều điều lý thú và bổ ích được diễn tả một cách chân thật, sinh động”.
Phần Luận đàm (gồm 22 bài viết) và Đôi điều tự bạch của tác giả cũng rất đáng chú ý do tác giả đã đặt ra nhiều vấn đề về văn hóa - xã hội - giáo dục mà chúng ta đều quan tâm. Chỉ cần điểm qua một số đề mục đã thấy rõ điều đó: Từ mạch nguồn văn hóa Việt Nam, Nếp nhà, Tiềm năng chất xám của tuổi trẻ Việt Nam, Thiên tài và lao động... Tác giả cũng không ngần ngại chạm đến những vấn đề có thể gọi là “nóng”, nêu kiến nghị, đặt câu hỏi, muốn cùng chúng ta và cả các cơ quan có trách nhiệm đối thoại: “Những học sinh thi toán quốc tế, những “thần đồng” ngày trước, về sau “mất hút” đâu cả?”, “Tại sao một số học sinh ta sau khi thành đạt đã ở lại nước ngoài làm việc?”... Tác giả đã chứng minh không phải tất cả “thần đồng” đều “mất hút” hoặc ở lại nước ngoài, nhưng đồng thời chỉ rõ vấn đề “sử dụng và đãi ngộ” nhân tài “gần như chưa nghĩ đến nhiều”, thậm chí có những quy định không ở đâu đặt ra như “muốn trở thành nghiên cứu viên cao cấp (tương đương giáo sư) thì phải tốt nghiệp trường Đảng cao cấp...”.
Trả lời câu hỏi vì sao ông “có đủ lòng kiên nhẫn để đeo bám mảng đề tài học sinh giỏi, tài năng trẻ lâu đến mấy chục năm trời?”, tác giả viết: “Chỉ có một lý do đơn giản: tôi yêu các bạn trẻ ấy! Đó là những chàng trai, cô gái trắng trong, nghiêm túc, ít nói, khiêm nhường. Gần gũi các bạn ấy, tôi cảm thấy như con người mình được tiếp thêm dòng nhựa mạnh của tuổi thanh xuân...”.
Giá như các tổ chức, các thủ trưởng có quyền quyết định những chính sách sử dụng và đãi ngộ nhân tài cũng “chịu khó” gần gũi và có tình yêu với những tài năng trẻ như thế, thì nhất định nhân tài sẽ có chỗ đứng xứng đáng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước hôm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận