11/04/2017 10:37 GMT+7

Con đực hậu duệ… bò tót đã có con

MAI VINH
MAI VINH

TTO - Tin vui vừa được nhóm nghiên cứu đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Khánh Hòa”, do PGS.TS Lê Xuân Thám làm chủ nhiệm, loan báo.

Bò tót lai hiện đang được nuôi phục vục nghiên cứu tại vùng đệm Vườn quốc gia Phước Bình (Bác Ái, Ninh Thuận) - Ảnh: M.VINH

Ông Thám cho biết kết quả giám định nhiễm sắc thể khẳng định con bê cái mới sinh ngày 28-3 tại thôn Bạc Rây 2 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận) là con (F2) của bò đực (con lai giữa bò tót và bò nhà) với bò nhà.

Từ những năm 2009 đến đầu năm 2015, vào mùa mưa (tầm tháng 6-9), tại thôn Bạc Rây 2 - vùng đệm Vườn quốc gia Phước Bình - thường xuyên xuất hiện một con bò tót đực. Con bò này nhập vào đàn bò nhà của người dân và kiếm ăn chung trên cánh đồng cỏ ven rừng.

Bò tót đực cao khoảng 1,7m, dài hơn 2m, nặng khoảng 1 tấn trở thành bá chủ và chinh phục đàn bò nhà giống cái ở địa phương.

Trước khi chết vào đầu năm 2015, các nhà khoa học xác định bò tót đực này đã giao phối với 20 bò cái là bò nhà và để lại 20 hậu duệ bò lai (F1) gồm cả đực, cái.

Các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu về khả năng sinh sản của bò tót lai nhằm tìm ra hướng thích hợp cải tạo chất lượng đàn bò thịt Việt Nam. Tuy nhiên, những con bò là con lai (F1) giữa bò tót và bò nhà nhiều lần giao phối với nhau đều không thụ thai.

Đến thời điểm này, các nhà khoa học tạm kết luận những con F1 bất thụ khi giao phối với nhau. Những con cái (F1) khi giao phối với bò đực nhà thì sinh sản bình thường và đã sinh đến thế hệ thứ 3 (F3) , toàn bộ đàn bê con thuộc giống cái.

Các con đực nhiều lần giao phối với bò cái nhà nhưng không đạt được kết quả, ngoại trừ lần này. Kết quả phân tích nhiễm sắc thể cho thấy, bê con F2 là con lại giữa bò tót lai F1 với bò cái nhà có khả năng tiếp tục sinh sản.

Các nhà khoa học lấy mẫu máu để tiến hành phân tích nhiễm sắc thể - Ảnh: M.VINH

Ông Thám cho biết, việc con đực F1 giao phối thành công với bò nhà có ý nghĩa trong việc cải tạo đàn bò thịt Việt Nam. 

“Bò đực có thể giao phối nhiều lần với nhiều bò nhà khác nhau và cho ra nhiều bê con. Nhưng bò cái thì ngược lại, tối đa mỗi năm chỉ có thể sinh được 1 con. Nhờ có thể tạo ra nhiều con nên việc xác định bò đực (F1) có khả năng sinh sản có ý nghĩa quan trọng đối với công trình nghiên cứu”, ông Thám nói. 

So sánh với các nghiên cứu khác trên thế giới, ông Thám cho biết: “Bò tót Vân Nam (Trung Quốc) cũng từng lai với bò nhà và tạo ra thế hệ con lai F1 nhưng không thể sinh sản. Còn bò tót ở Việt Nam thì bò đực và bò cái lại đều có thể sinh con khi giao phối với bò nhà”.

Bò tót là động vật thuộc bộ guốc chẵn (Artiodactyla), họ trâu bò (Bovidae), phân họ bò (Bovinae), chi bò (Bos) có lông màu sẫm và kích thước lớn, sinh sống chủ yếu ở vùng đồi của Ấn Độ và Đông Nam Á. 

Các kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy mối quan hệ chủng loại phát sinh rất gần gũi giữa các nhóm bò hoang dã: bò tót (Bos gaurus, Bos frontalis), bò rừng Banteng (Bos javanicus), bò rừng châu Âu Wissent (Bos bonasus = Bison bonasus), bò rừng Bắc Mỹ (Bos bison bison), bò Yak (Bos grunniens) và bò nhà (Bos taurus taurus và Bos taurus indicus) phân hóa từ bò cổ châu Âu Bos primigenius (bò aurochs). 

Bò tót được người dân tộc thiểu số gọi là con min, nghĩa là trâu rừng, do chúng có hình dáng tương tự loài trâu. 

Bò tót Việt Nam xuất hiện ở Vườn quốc gia Phước Bình từ năm 2009 đến năm 2015, qua phân tích gen nhận thấy thuộc nhóm Bos gaurus, theo nhiều nhà nghiên cứu, thuộc về nhóm phổ biến ở Đông Nam Á - Malaysia.

 

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên