Trong diễn đàn, TS Bùi Trân Phượng và tác giả, nhà báo Trần Thu Hà cùng rất nhiều phụ huynh đã bàn luận về vấn đề gây tranh cãi: ba mẹ cần làm gì khi con đi du học nước ngoài?
Theo chị Thu Hà, chị có trong một nhóm phụ huynh chuyên bàn luận về chuyện con chuẩn bị đi du học. Tất cả các vấn đề từ chuyện con học tiếng Anh ở đâu, chuẩn bị visa đến đâu rồi… đều được cái ông bố, bà mẹ đem ra mổ xẻ.
Thế nhưng, khi con du học cũng là ngày ba mẹ đâm ra lo lắng. Có người khóc mấy ngày. Có người phải nhập viện truyền nước biển.
Con du học, ba mẹ giám sát như ở nhà
Thậm chí cả chị Thu Hà cũng từng rơi vào sự khủng hoảng trong im lặng. Khi bay qua nước ngoài thăm con, chị đã nghĩ sẽ dành thời gian để thăm các nước khác, cuối cùng chị đành gác lại vì hai mẹ con cãi nhau rất to. Con gái đón chị với gương mặt cáu, trong khi mẹ hoang mang vì sau 4-5 tiếng bay, gặp lại con nhưng con lại không hề vui.
Khi về nước, chị cũng bận tâm đến vấn đề hôm nay con ăn gì, món đó có "healthy" không, con chơi với bạn có tốt không, sao bạn ấy xăm trổ quá, mặc đồ hở hang quá…
Càng biết nhiều, các bà mẹ càng lo lắng. Nhiều người còn gọi con 7-8 cuộc một ngày, hay bắt con gọi video để quản lý. Không cần nhìn, chỉ cần nghe tiếng con đi lại là ba mẹ đã cảm thấy yên tâm.
Còn TS Bùi Trân Phượng nhớ lại câu chuyện cậu con trai nhỏ khi lần đầu đi du học cũng gặp vấn đề. Hôm cô phải ra sân bay trở về Việt Nam sau khi đưa con nhập học thì chiều hôm ấy đợi mãi chưa thấy con trai đi học về.
Cô hoảng hốt hỏi chủ nhà trọ và nhà trường, đòi báo cảnh sát. Tuy nhiên, chủ trọ vẫn cứ ung dung: "Đất nước tôi rất an toàn". Cô thầm nghĩ an toàn kiểu gì mà con đi học chưa về.
Thậm chí đi ngang cái cầu, thấy một cậu nhóc trạc tuổi con trai đứng đó, cô cũng nằng nặc đòi xuống vì tưởng là con.
Mấy tiếng sau, cậu con trai trở về. Hóa ra do xe buýt dừng lại khác trạm, cậu vì tiếc tiền vé xe buýt nên chờ xe quay lại đón. Nhưng xe buýt đi hết một vòng rất xa mấy tiếng đồng hồ mới quay lại. Cô mới nhận ra từ đó giờ mình vẫn chưa "huấn luyện" con cách đi xe buýt, và việc chị "làm quá" cũng rất vô nghĩa.
Chị nhớ lại năm xưa má chị cũng từng nói: "Học nấu ăn thì dễ, học chữ mới khó nên con lo học chữ đi". Thế nhưng, khi chị đi du học thèm món thịt kho tàu mà không biết nấu, má viết thư chỉ chị cách nấu. Nấu 1-2 lần chưa ngon, nhưng bây giờ chị đã là người nấu ngon nhất trên đời của chồng con.
Lời nói của má đã giúp chị biết được mình thích gì, và ở bên người khác khi họ thực sự cần mình, chứ không phải chăm chăm phụ thuộc hết vào người khác.
Lo cho con du học, phụ huynh mệt, con cũng ngột ngạt
Lúc nào cũng chạy theo con cái, lo lắng những cái không cần thiết mà quên mất bản thân.
Khi thấy ba mẹ "úm" quá chặt, con cái cũng thấy mệt mỏi, cố giấu những khó khăn ở xứ người để ba mẹ bớt lo.
Nhiều ông bố, bà mẹ đến dự buổi trò chuyện cũng hoang mang khi cuộc đời sống vì con. Chị Thu (sống tại TP.HCM) chia sẻ, khi con đi du học, chị cảm thấy bị tổn thương khi bị con "bơ". Cả cuộc đời chị đều chăm sóc, tập trung mọi thứ cho con đến nỗi bỏ bê bản thân.
Thấy chị bị stress, bạn bè khuyến khích chị ra ngoài, học yoga, học nhảy nhưng chị không làm được vì trước nay chưa làm chuyện đó bao giờ. Từ nhỏ đến lớn, chị không có sở thích gì ngoài việc chăm sóc gia đình.
Theo các chuyên gia, khi con không liên lạc về, tức là mọi thứ đều tốt. Mọi kỹ năng đều được giới trẻ học được qua mạng xã hội, vì thế sự quan tâm của ba mẹ có thể đều vô nghĩa. Ba mẹ nên để tự do, khi con cần giúp đỡ thì sẵn sàng trở thành người bạn, chỗ dựa cho con.
Con dần lớn, ba mẹ cần học cách đừng làm phiền, chỉ xuất hiện khi con cái cần mình.
Phụ huynh cũng dành nhiều thời gian cho thú vui riêng của bản thân. Nhiều ba mẹ thậm chí còn không dám đi xem kịch, xem phim một mình, mà dành thời gian cho việc lo lắng quá mức.
Phải nhớ ra, mình hay con cái đều có cuộc đời riêng.
Khi con rời tổ (đi du học, kết hôn…), ba mẹ cũng cần học cách tự lập, không níu kéo, tự làm khổ bản thân. Ba mẹ vui, cũng là lúc con cái vui, an tâm tung cánh ở phương trời mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận