Ông Nguyễn Chín (trái) - Ảnh: B.Q.N
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, ngày 10-12, Sở Nội vụ Quảng Ngãi phát đi 4 văn bản yêu cầu 4 người đã du học bằng tiền ngân sách nhưng không công tác ở tỉnh phải hoàn trả gấp đôi chi phí đào tạo sau đại học ở nước ngoài.
Bốn người này là con của các cán bộ lãnh đạo của tỉnh Quảng Ngãi và hiện đều làm việc tại TP.HCM.
Con tôi được cho chuyển đi
Ông Nguyễn Chín - nguyên trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi (vừa về hưu) - khẳng định con gái ông là Nguyễn Lê Ngọc Hà sau khi học đã về tỉnh công tác. Sau đó có đơn xin chuyển công tác vào TP.HCM và được chấp thuận. Lãnh đạo Sở Tài chính Quảng Ngãi xác nhận thông tin ông Chín nói là đúng.
Ông Chín cho hay sau khi học thạc sĩ ở Anh, con gái đã về đúng thời hạn theo cam kết và nhận nhiệm vụ làm việc tại Sở Tài chính Quảng Ngãi. Làm việc khoảng 2 năm, bà Hà kết hôn, chồng bà làm việc ở TP.HCM.
"Vợ một nơi, chồng một ngả dễ xảy ra những vấn đề. Lúc này con gái tôi có đơn trình cơ quan cho phép chuyển vào TP.HCM công tác. Sau khi xem xét, Sở Nội vụ Quảng Ngãi đã có văn bản cho cháu chuyển vào công tác tại Sở Tài chính TP.HCM", ông Chín nói.
Theo ông Chín, thời điểm con gái ông có đơn xin chuyển công tác, nếu tỉnh Quảng Ngãi xét thấy nguyện vọng không đúng như cam kết có thể không đồng ý cho chuyển đi. Trong quyết định của UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng nêu rõ việc bồi hoàn gấp đôi số tiền hỗ trợ đi du học đối với những trường hợp không về đúng theo lịch, không nhận nhiệm vụ...
"Con gái tôi sau khi học đã về nước nhận nhiệm vụ, chấp hành chủ trương. Việc rời quê, xa cha mẹ vào TP.HCM Hà rất buồn nhưng vì vấn đề riêng mới chuyển đi", ông Chín nói thêm.
Có đơn trình bày nhưng không thấy phản hồi
Ông Phạm Thanh Hải - nguyên trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi - nói rất buồn khi con gái là bà Phạm Thị Mỹ Hạnh không về tỉnh làm việc. Ông Hải nói: "Sau khi học xong, tháng 5-2017 có nhận được công văn của Sở Nội vụ Quảng Ngãi yêu cầu Hạnh mang hồ sơ để phân công công tác. Lúc này Hạnh học thêm sư phạm ngoại ngữ ở TP.HCM và dự định sẽ về giảng dạy tại Đại học Phạm Văn Đồng phục vụ địa phương".
Ông Phạm Thanh Hải - Ảnh: Q.B.N
Theo ông Hải, thời gian học ở TP.HCM, bà Hạnh thi vào một ngân hàng với vị trí thanh toán quốc tế và được chọn. Lúc này, bà Hạnh nói môi trường làm việc sẽ phát huy tốt những gì đã học nên ông Hải viết đơn gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND, HĐND và Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi trình bày hoàn cảnh của bà.
"Lúc đó, Hạnh nói nếu nguyện vọng làm việc ở TP.HCM không được chấp nhận sẽ về quê công tác theo nhiệm vụ được phân công. Nhưng sau khi viết đơn tôi chưa nhận được văn bản trả lời từ phía tỉnh Quảng Ngãi nên cứ nghĩ tỉnh cũng xem xét hoàn cảnh cho ở lại TP.HCM làm việc", ông Hải nói.
Tôi có thiếu sót
Ông Huỳnh Chánh - giám đốc Sở Tài chính Quảng Ngãi - cho biết năm 2015 con gái ông là Huỳnh Thị Lan Viên được tỉnh hỗ trợ kinh phí đi học thạc sĩ ngành kinh tế học tại Anh. Sau khi tốt nghiệp về làm việc cho một doanh nghiệp tại TP.HCM và không trở về Quảng Ngãi.
Ông Chánh nói bản thân có nhiều thiếu sót khi không thể khuyên nhủ được con trở về tỉnh công tác. "Tôi đã nhiều lần khuyên nhủ, động viên cháu về tỉnh làm việc. Tuy nhiên, con tôi bảo về tỉnh làm việc khó phát triển sự nghiệp vì môi trường hành chính sẽ bị bó buộc. Con tôi hứa sẽ trả lại tiền cho tỉnh trong vòng 2 năm như đã cam kết", ông Chánh nói.
Ông Chánh cho hay bản thân là công chức lãnh đạo, đảng viên, ông cảm thấy có lỗi vì không hoàn thành nhiệm vụ trong trường hợp của con gái mình. "Trong bản kiểm điểm cá nhân năm nay, tôi cũng nhận một phần thiếu sót, phần lỗi do chưa giáo dục con chấp hành cam kết của tỉnh. Cháu đã lớn và phải có trách nhiệm với lựa chọn của mình. Việc bồi hoàn cho tỉnh cháu phải thực hiện bởi cháu đã làm sai", ông Chánh nói thêm.
Ông Huỳnh Chánh - Ảnh: B.Q.N.
Còn ông Phạm Tấn Hoàng - chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, cha của ông Phạm Thành Việt - cho biết con trai ông có học bổng nên tỉnh Quảng Ngãi chỉ hỗ trợ 700 triệu đồng. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành công nghệ thông tin ở Anh có về Quảng Ngãi chờ đợi công tác.
"Tuy nhiên, một thời gian sau Việt quyết định vào TP.HCM học thêm bằng cấp và ở lại làm việc. Sau khi nhận quyết định bồi hoàn, tôi có liên hệ với cháu và cháu hứa sẽ bồi hoàn số tiền theo đúng quy định", ông Hoàng nói.
Hoàn trả gấp đôi có đúng quy định?
Theo văn bản của Sở Nội vụ Quảng Ngãi, bà Huỳnh Thị Lan Viên phải hoàn trả hơn 2,05 tỉ đồng, bà Nguyễn Lê Ngọc Hà gần 2,4 tỉ đồng, bà Phạm Thị Mỹ Hạnh gần 3,5 tỉ đồng và ông Phạm Thành Việt hơn 1,9 tỉ đồng. Thời gian nộp trong hai năm, chia làm 10 lần.
Ông Phạm Tấn Hoàng - Ảnh: B.Q.N.
Việc bồi hoàn này dựa theo quyết định 89/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành ngày 29-5-2012. Quyết định nêu rõ phải đền bù gấp hai lần chi phí đào tạo ở nước ngoài trong các trường hợp kết thúc khóa đào tạo không về công tác tại cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Quảng Ngãi, không chấp hành quyết định phân công công tác của cơ quan quản lý cán bộ, công chức của tỉnh...
Tuy nhiên theo nhiều người, quyết định 89 của tỉnh Quảng Ngãi nêu việc bồi hoàn gấp đôi là không có cơ sở bởi các quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ nêu rõ các trường hợp không về công tác như cam kết phải bồi hoàn 100% chi phí học tập.
Về vấn đề này luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Đoàn luật sư TP.HCM - nhận định: "Nghị định của Chính phủ đã quy định "chết" việc bồi hoàn 100% chi phí hỗ trợ trong trường hợp đi học không về công tác như cam kết. Quyết định không được trái với nghị định bởi nghị định có giá trị pháp lý cao hơn. Trong trường hợp này bộ phận thực thi quyết định 89 là không sai nhưng quyết định 89 của UBND tỉnh Quảng Ngãi là không tuân theo nghị định của chính phủ là không đúng".
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân - phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi - cho biết: "Tôi được biết trước khi đi học sau đại học ở nước ngoài bằng tiền hỗ trợ của tỉnh, học viên và tỉnh có ký cam kết nếu không về công tác sẽ bồi hoàn gấp hai lần chi phí. Đó là lý do tỉnh có văn bản yêu cầu bồi hoàn gấp đôi. Tôi đang yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm tra cam kết này để thông tin rộng rãi đến dư luận".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận