Mỗi ngày, thầy Liêm chạy bốn chuyến đò đưa rước học trò đến trường - Ảnh: CHÍ CÔNG
Những chuyến đò yêu thương như thế được thầy Trịnh Thanh Liêm, hiệu trưởng Trường THCS Long Hòa (ấp Tân Hòa A, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) thầm lặng thực hiện suốt 30 năm qua. Đến giờ, thầy vẫn đều đặn chạy bốn chuyến đò đi - về mỗi ngày để gieo con chữ và nghị lực vượt khó cho học sinh nghèo đến trường.
Con đò thầm lặng
Bùn non bên hai mé kênh Mới đã lồi lên cao. Chiếc vỏ lãi của thầy Liêm cột dây ở bến trường bị mắc cạn. Xuống vỏ, hơn 10 em học sinh ngồi dồn về sau. Ở đầu mũi, em Huỳnh Như Ý - học sinh lớp 7C - lấy cây sào chống mạnh. Còn thầy Liêm phía sau cũng giật máy để lui vỏ ra giữa kênh...
"Mấy em chủ động lắm. Đưa các em xong, tôi về nhà ăn cơm 5-7 phút là phải tranh thủ trở lại đón các em học buổi chiều kịp giờ đến trường..." - thầy Liêm mở đầu chuyện 30 năm lái đò tình nguyện của mình.
Thầy kể năm 1990 thầy tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Bạc Liêu rồi về huyện Đầm Dơi dạy học. Một năm sau, thầy chuyển về Trường THCS Long Hòa, dạy môn vật lý - một điểm trường heo hút nằm sâu trong rừng đước, rừng mắm.
"Dạy gần nhà, tôi dễ dàng đi xe đến trường. Còn mấy em ở xã Nguyễn Huân muốn đến trường học thì phải lội bộ hoặc đi đò. Mà tôi thấy đò đâu phải lúc nào cũng đưa kịp giờ. Lội bộ thì các em lấm lem bùn đất, tội lắm. Thế là tôi chèo xuồng cùng các em đi học" - thầy Liêm nhớ lại hồi chưa có vỏ lãi chạy máy.
Chạy đò xong, thầy Liêm lại lên bục giảng dạy dỗ học trò - Ảnh: CHÍ CÔNG
Chèo xuồng đến đâu, thầy rước học sinh đến đó. Mỗi ngày, thầy gồng sức chèo bốn chuyến đi - về mà mỗi chuyến mất cả tiếng đồng hồ. Vì thế, ngoài việc lên lớp dạy và ngày nghỉ chủ nhật, thầy Liêm gác lại hết các cuộc vui bạn bè để dành hết thời gian cho các em học sinh vùng sâu "khát chữ" được đến trường.
Sau này có chút điều kiện, thầy Liêm mua chiếc vỏ lãi composite và máy xăng để đón, đưa học sinh nhanh hơn. Năm nay, thầy đưa rước khoảng 10 em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9. Mới 5h sáng, thầy đã phải xuống vỏ lãi rước các em. 11h trưa, thầy lại đưa các em về nhà và rước các em học buổi chiều đến trường.
7h-8h tối thầy mới về đến nhà nghỉ ngơi. Đó là những chuyến đò đi học ngày thường.
Còn hôm nào nước cạn là đêm đó thầy Liêm không ngủ được. Mới 2h-3h sáng thầy đã lọ mọ dậy, khiêng máy xuống vỏ lãi chờ nước dần lên. Thầy còn thủ sẵn tấm bạt dài để phòng hờ cho các em che mưa, che nắng. "Lỡ có mưa, tụi nhỏ có cái để che, không bị lạnh và tập sách cũng không ướt át".
Truyền cảm hứng vượt khó
Ở xã Tân Tiến và Nguyễn Huân, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, chủ yếu sống bằng đánh cá biển cạn hay đóng đáy hàng khơi. Ai khấm khá làm vuông, trồng ít rau màu hay cây ăn trái, nên hộ nào có con được đến trường thì họ rất mừng. 30 năm gắn chặt với con đò, thầy Liêm còn là người cha, người anh, người bạn... để truyền nghị lực cho học sinh lẫn phụ huynh.
Em Trần Minh Khôi, lớp 7C, chia sẻ: "Ở trường thầy dạy chúng em kiến thức. Có thời gian rảnh, thầy Liêm nói cho chúng em biết về cuộc sống và cách sống ở đời. Chúng em học hỏi từ thầy Liêm rất nhiều".
Hai năm đi trên chuyến đò của thầy Liêm, em Khôi kể mỗi lần đò bị mắc cạn thầy lại tranh thủ mở buổi học ngắn thú vị ngay dưới vỏ lãi chờ nước lên. Buổi học không có phấn trắng bảng đen, thầy chỉ nói trải nghiệm thực tế của mình để chỉ dạy cho học trò kiến thức cuộc sống và lời hay lẽ phải...
"Tháng trước, thầy trò mình mắc cạn vào ngày mấy?" hay "Con nước hôm nay các em thấy lên trễ hơn con nước hôm qua mấy giờ?". Đó là câu thầy Liêm hỏi các em. Câu hỏi thực tế này giúp các em phải hiểu quy luật triều cường. Sau đó, thầy tập cho các em thói quen quản lý thời gian để sau này áp dụng vào công việc và cuộc sống của mình.
Thầy Liêm kìm máy, cố chồm chiếc vỏ lãi lên bãi bùn để học trò không bị lấm lem đến trường
Với những em nghèo, thầy Liêm cũng cận kề và động viên để vực dậy ý chí vươn lên. Em Huỳnh Như Ý cho biết gia đình em thuộc diện nghèo và nhà được cất nhờ trên rẻo đất nhỏ của bà con. Không đất cát, việc làm ổn định, cha mẹ Như Ý sống bằng nghề đóng đáy nên không đủ điều kiện đưa con đến trường. Thấu hiểu hoàn cảnh em, thầy Liêm đã không ngại chạy đò hơn 5km để rước Như Ý đến trường mỗi ngày.
"Trời mưa hay nắng, thầy Liêm đều rước tụi em hết. Không có thầy, em sẽ không được đến trường" - không kềm được xúc cảm, Như Ý vừa nói vừa dùng tay lau nước mắt...
Hơn 10 năm về Trường THCS Long Hòa giảng dạy, cô Phạm Minh Diệu, giáo viên môn công nghệ, bộc bạch ít ai làm được công việc như thầy Liêm. 30 năm đưa đò, thầy Liêm thay không biết bao nhiêu xuồng máy nhưng tấm lòng của thầy còn mãi. Giờ phụ huynh nào có điều kiện thì gửi chút tiền nhỏ phụ thầy mua xăng, còn không có thì thôi. Cô Minh Diệu cho rằng xuất phát bằng tình thương, lòng tử tế thì thầy Liêm mới bền bỉ gắn chặt cuộc đời mình với những chuyến đò đón đưa học trò như thế.
"Thầy Liêm là thầy hiệu trưởng giản dị. Thầy giản dị trong cách ăn mặc và giản dị trong từng lời ăn tiếng nói. Đồng nghiệp và học sinh thương thầy lắm, vì thầy không chỉ làm tốt vai trò quản lý mà còn truyền cảm hứng tuyệt vời cho các em và ngay cả bản thân tôi" - cô Minh Diệu tâm sự.
Trăn trở của người lái đò đến bến tri thức
Đưa đò từ lúc còn là giáo viên dạy bộ môn vật lý, đến nay thầy Liêm đã làm hiệu trưởng Trường THCS Long Hòa 2 nhiệm kỳ. Ngày tháng thầy Liêm còn gắn chặt với con đò để đưa rước các em đến trường cũng ít dần, vì sang năm thầy sẽ chuyển công tác đến trường khác.
"Tôi đi rồi ít nhất có 3 em thiếu điều kiện đến trường. Đường trong đó thì chưa làm kịp nên các em cũng không thể lội bộ đi học. Hi vọng tới đây có người đưa đò thế tôi hay ngành chức năng đổ đá làm đường để các em đến trường không bị gián đoạn" - thầy Liêm trầm giọng tâm sự.
8 "huân chương lao động" của thầy Liêm
Theo chuyến đò đưa rước của thầy Liêm, tôi cảm nhận tấm lòng thầy dành cho học sinh. Con nước rút, thầy cầm chặt chiếc máy rồi cố lên ga lớn đưa vỏ lãi vào sát mé bến để các em không bị dính bùn. Đôi tay cầm máy hằng ngày của thầy Liêm hằn rõ 8 vết chai sần khô cứng - những vết chai được thầy cô trong trường gọi là "huân chương lao động" của thầy.
Thầy Liêm giãi bày: "Vỏ lãi không vào sát bờ, các em lội xuống là bị dính bùn dơ hết. Kìm máy nhiều, tay tôi chai là lẽ đương nhiên, không sao cả. Chỉ cần các em được đến trường trong bộ quần áo sạch sẽ là vui rồi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận