01/08/2011 15:22 GMT+7

Còn DN nhà nước nợ gấp 3 vốn chủ sở hữu

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TTO - Ngay trước kỳ họp thứ nhất Quốc hội (QH) khóa XIII, nhiều đoàn đại biểu, đại biểu QH đã gửi chất vấn về Bộ Tài chính xung quanh nợ của doanh nghiệp nhà nước, chi cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long, tình hình giá vật tư nông nghiệp tăng…

Bộ Tài chính đã chính thức “trả lời chất vấn”.

dqz6l6zw.jpgPhóng to
Các khoản nợ của Tập đoàn Vinashin đang được nhiều đoàn đại biểu, đại biểu QH gửi chất vấn về Bộ Tài chính - Ảnh minh họa

Cử tri thành phố Hải Phòng cho biết rất lo ngại với tình trạng nợ của các doanh nghiệp nhà nước đã lên đến mức trên 50% GDP. Trong khi nền kinh tế khó khăn do giá xăng, điện và lãi suất tăng cao, cử tri lo các doanh nghiệp nhà nước mất khả năng trả nợ giống Vinashin sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp khác cũng như toàn bộ nền kinh tế.

Trả lời, Bộ Tài chính tiết lộ con số: đến 31-12-2010, tỉ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của khu vực doanh nghiệp nhà nước là 1,65 lần (theo báo cáo của chính doanh nghiệp).

Theo quy định hiện hành của Nhà nước, nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu không được quá 3 lần, mức trên là an toàn. Nhưng Bộ Tài chính cũng công nhận vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp nhà nước hiệu quả kinh doanh thấp, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu (không công bố cụ thể danh tính).

Đánh giá chung, Bộ Tài chính cho rằng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã không ngừng đổi mới về năng lực sản xuất, hiệu quả hoạt động. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty nhà nước là nòng cốt thúc đẩy doanh nghiệp VN và nền kinh tế phát triển. Hằng năm các công ty nhà nước đã đóng góp 40% GDP của cả nước, tạo ra 39,5% giá trị sản lượng công nghiệp...

Tuy nhiên, để sớm khắc phục tình trạng hiệu quả thấp, nợ cao của doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính cho biết các bộ ngành đã nghiên cứu để trình các cơ chế, chính sách như: nghị định về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; nghị định về quy chế quản lý tài chính của công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí VN; nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; cơ chế giám sát tài chính đối với các tập đoàn, tổng công ty lớn…

Theo Bộ Tài chính, các quy định trên sau khi được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Về các giải pháp tăng cường quản lý nợ công và phòng ngừa rủi ro, Bộ Tài chính cho biết đã trình Chính phủ chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó đã đưa nợ công vào hệ thống giám sát an toàn nợ quốc gia.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đề nghị các cơ quan có liên quan cần có chính sách điều hành tốt kinh tế vĩ mô để tăng thu ngân sách nhà nước, tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, tăng cường dự trữ ngoại tệ để cải thiện chỉ số nợ. Đồng thời, cần tăng cường giám sát, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các đơn vị sử dụng vốn vay, đặc biệt là các doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả đầu tư, trả được nợ.

Cử tri Cao Bằng cho rằng hiện mức chi hỗ trợ tiền ăn đối với người nghèo tham gia học nghề là 15.000 đồng/ngày thực học/người, là quá thấp so với mặt bằng giá cả thực tế hiện nay, cần điều chỉnh cho hợp lý hơn. Bộ Tài chính công nhận và cho biết sẽ phối hợp với Bộ Lao động - thương binh và xã hội nghiên cứu, xem xét trong quá trình bổ sung và sẽ sửa đổi chính sách cho phù hợp với tình hình chung và khả năng ngân sách nhà nước.

Chi lễ 1.000 năm Thăng long: 620 tỉ đồng

Cử tri thành phố Đà Nẵng đề nghị Chính phủ công khai các con số liên quan đến các khoản nợ của Tập đoàn Vinashin và các khoản chi phí đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội để nhân dân biết vì dư luận vẫn xôn xao về các vấn đề này.

Trả lời, Bộ Tài chính cho biết nợ của Tập đoàn Vinashin đã được công khai tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII, theo đó tổng nợ phải trả của Vinashin tại thời điểm 30-6-2010 được tái khẳng định là 86.031 tỉ đồng. Bộ Tài chính không cho biết con số này có được cập nhật hay không.

Về các khoản chi phí đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Bộ Tài chính cũng khẳng định các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm trên tinh thần trang trọng, tiết kiệm và hiệu quả. Tổng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là khoảng 620 tỉ đồng.

Trong đó, ngân sách trung ương là 354 tỉ đồng; ngân sách địa phương là 266 tỉ đồng. Bộ Tài chính cho biết đến nay các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương vẫn đang… quyết toán các khoản kinh phí.

Đề nghị quản lý giá vật tư nông nghiệp như giá xăng

Cử tri các tỉnh An Giang, TP.HCM, Tây Ninh, Cần Thơ, Thái Bình, Lâm Đồng, Hà Nội… tiếp tục kiến nghị giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh và tình trạng nhiều mức giá khác nhau theo cấp đại lý, gây khó khăn cho nông dân. Mặc dù giá lúa cao (6.600 đồng/kg) nhưng với giá vật tư nông nghiệp cao chiếm đến 2/3 chi phí sản xuất khiến nông dân không lãi cao, kinh tế gia đình bấp bênh. Do đó, đề nghị cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Đặc biệt, đại biểu QH đã đề nghị áp dụng biện pháp quản lý giá vật tư nông nghiệp như quản giá xăng dầu hiện nay để bình ổn giá giúp dân an tâm sản xuất.

Trả lời, Bộ Tài chính cho rằng để tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá đối với những mặt hàng quan trọng, Bộ Tài chính đã chủ trì trình Chính phủ ban hành nghị định số 75/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh giá, trong đó đã đưa mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục bình ổn giá để áp dụng các biện pháp bình ổn giá khi thị trường có biến động bất thường.

Với trách nhiệm quản lý nhà nước về giá và góp phần bình ổn giá vật tư nông nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành một số thông tư, theo đó mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục đăng ký giá. Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng khi doanh nghiệp bán mặt hàng này ra thị trường sẽ phải đăng ký giá với cơ quan quản lý giá. Điều này có nghĩa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp cũng phải hỏi ý kiến của cơ quan nhà nước mỗi khi tăng giá giống xăng dầu và nếu phương án giá hợp lý mới được tăng.

Song, Bộ Tài chính không trả lời cụ thể có thể áp cơ chế y hệt giá xăng dầu cho vật tư nông nghiệp hay không (nghĩa là ngay cả khi phương án tăng giá hợp lý nhưng Nhà nước vẫn có quyền yêu cầu doanh nghiệp giữ giá). Tuy nhiên, Bộ Tài chính chỉ rõ việc quản lý giá vật tư nông nghiệp hiện nay khâu phân phối, bán lẻ còn vòng vèo, qua nhiều trung gian. Việc quản lý khâu lưu thông tại một số nơi chưa được quản lý thị trường, thanh tra, công an, thuế kiểm tra sát sao, dẫn đến chi phí lưu thông cao.

Để tăng cường quản lý giá vật tư nông nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng UBND các tỉnh, thành phố phải chủ động phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo quản lý thị trường, công an, thuế… tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của Nhà nước về quản lý giá, không để các doanh nghiệp, cá nhân tăng giá, phí tùy tiện trái pháp luật…

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên