Máy bay của Hãng hàng không Lufthansa tại sân bay quốc tế Frankfurt, Đức ngày 7-3-2024 - Ảnh: reuters.com
Theo bài viết trên tạp chí kinh tế Handelsblatt, các chuyến bay đến châu Á ngày càng trở thành vấn đề nan giải đối với các hãng hàng không châu Âu. Sự cạnh tranh gay gắt bởi các hãng hàng không Trung Quốc và một số quốc gia khác đang là nguy cơ lớn đối với nhiều hãng hàng không tại "Lục địa Già".
Kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine diễn ra, các hãng hàng không châu Âu đã phải điều chỉnh lộ trình các chuyến bay thay vì qua Nga như thường lệ. Điều này khiến thời gian di chuyển bị kéo dài cùng nhiều chi phí phát sinh, khiến giá các chuyến bay ngày càng đắt đỏ.
Trong khi đó, các hãng hàng không Trung Quốc vẫn tiếp tục bay theo lộ trình cũ nên có lợi thế cạnh tranh tốt. Họ đang tăng cường các chuyến bay tới châu Âu.
Theo dữ liệu từ nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu hàng không Cirium, trong tháng 8-2024, các hãng hàng không Trung Quốc đã tăng số lượng vé bán ra trên các chặng bay giữa các thành phố châu Âu (Frankfurt, Munich, London và Paris) và Trung Quốc (Bắc Kinh, Thượng Hải) lên 30% so với cùng kỳ năm 2019. Ngược lại, các hãng hàng không lớn của châu Âu như Lufthansa, British Airways và Air France đã giảm công suất gần 40%.
Do nguồn cung vé của các hãng hàng không Trung Quốc trên các tuyến bay này gia tăng, giá vé của họ liên tục giảm. Điều này khiến hành khách hài lòng, nhưng lại gây căng thẳng cho các hãng hàng không châu Âu vì nhiều chuyến bay không còn mang lại lợi nhuận như trước. Do đó, hãng British Airways đã phải thông báo sẽ tạm dừng đường bay từ London đến Bắc Kinh từ tháng 10-2024 và hãng Virgin Atlantic sẽ hủy kết nối đến Thượng Hải.
Hãng hàng không quốc gia Đức Lufthansa cũng đối mặt với khó khăn tương tự và đang đề nghị sự trợ giúp của giới chính trị. Trong thời gian dài, Lufthansa nhiều lần phàn nàn rằng việc tăng phí và các yêu cầu, chẳng hạn như liên quan đến các mục tiêu bảo vệ khí hậu, sẽ bóp méo thị trường vận tải hàng không.
Ngoài ra, sự cạnh tranh từ phía Trung Quốc ngày càng tăng. Theo Lufthansa, các chính trị gia ở Đức và châu Âu cần tìm ra câu trả lời về mặt chính sách cho vấn đề này để giúp ngành hàng không vượt qua khó khăn.
Các chuyến bay đến châu Á luôn là kết nối quan trọng với nhiều hãng hàng không châu Âu như Lufthansa. Sau đại dịch COVID-19, một số quốc gia như Trung Quốc mở lại biên giới rất muộn. Chủ tịch Lufthansa Carsten Spohr đã từng kỳ vọng rằng hiệu ứng "bắt kịp" sẽ rất lớn như trên các đường bay đến Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, thực tế diễn ra trái với dự đoán của Chủ tịch Lufthansa. Đầu tiên, cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt đã khiến các hãng hàng không phương Tây không còn có thể bay qua Nga nữa. Sau đó là sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng đối thủ Trung Quốc.
Ngược lại, các hãng hàng không Trung Quốc như Air China, China Eastern và China Southern đang thâm nhập ngày càng mạnh mẽ hơn vào châu Âu. Theo dữ liệu của Cirium, số lượng vé các hãng này bán ra trên tuyến London-Bắc Kinh đã tăng 41% so với cùng kỳ năm 2019.
Hiện tại, có rất ít kỳ vọng rằng áp lực sẽ giảm bớt. Sự cạnh tranh của Trung Quốc rất lớn. Hãng China Eastern có kế hoạch trở thành hãng hàng không hàng đầu thế giới. Mục tiêu chiến lược này đã được Ban lãnh đạo China Eastern đề ra trong báo cáo thường niên mới nhất.
Có nhiều nguyên nhân tạo ra sự tăng trưởng của ngành hàng không Trung Quốc. Một mặt, Trung Quốc muốn thu hút thêm nhiều khách du lịch quốc tế đến nước này sau một thời gian dài đóng cửa biên giới do đại dịch. Chính sách thị thực nhập cảnh vào Trung Quốc được điều chỉnh để tạo thuận lợi nhất cho du khách.
Mặt khác, các hãng hàng không Trung Quốc không thực hiện bất kỳ đợt cắt giảm nào trong thời kỳ đại dịch. Đội tàu bay Trung Quốc, kể cả tàu bay thân rộng, liên tục hoạt động ở trong nước. Không giống như các đối thủ cạnh tranh ở phương Tây, các nhà cung cấp ở Trung Quốc không phải đối mặt với những hạn chế về năng lực và nhân sự. Do đó, ngay sau đại dịch, các hãng hàng không Trung Quốc có thể dễ dàng hoạt động bình thường trở lại trên các đường bay quốc tế.
Ngoài ra, nhiều hãng hàng không của Trung Quốc không chỉ mở rộng hoạt động khai thác tại các sân bay quốc tế lớn, nơi các hãng châu Âu như Lufthansa, Air France và British Airways đang khai thác. Họ còn mở rộng hoạt động đến các sân bay nhỏ hơn. Vài tuần trước, China Eastern đã bổ sung tuyến bay Thượng Hải-Marseille vào chương trình của họ. Thành phố biển Venice cũng nằm trong kế hoạch. China Eastern cũng mở đường bay thẳng từ Quảng Châu đến Budapest.
Từ năm tới, áp lực lên Lufthansa, Air France và British Airways có thể sẽ tiếp tục tăng vì theo kế hoạch của Ủy ban châu Âu (EC), nhiên liệu hàng không của các hãng phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới, khắt khe hơn. Điều này gây thêm căng thẳng cho các tuyến đường bay hiện tại.
Hiện Lufthansa cho biết sẽ chuyển chi phí bổ sung này cho khách hàng thông qua việc tính phí môi trường cho các chuyến bay từ đầu năm 2025. Điều này có thể bù đắp một phần chi phí, nhưng lại làm tăng nguy cơ khách hàng tìm tới các hãng hàng không khác có giá cả cạnh tranh hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận