01/10/2006 12:14 GMT+7

Côn Đảo: Con đường gây tranh luận

HOÀI TRANG
HOÀI TRANG

TTCT - Là một địa danh nổi tiếng với các giá trị lịch sử cách mạng, từ nhiều năm nay Côn Đảo còn được biết đến như một khu vực bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quí giá. Vì vậy, phải phát triển Côn Đảo như thế nào để bảo tồn, tôn tạo các giá trị đặc sắc ấy?

vFIhHhAm.jpgPhóng to
Bản đồ qui hoạch vườn quốc gia Côn Đảo. Khu vực màu hồng là phần bảo vệ nghiêm ngặt. Con đường tây bắc Côn Đảo nếu được xây dựng sẽ nằm hoàn toàn trong khu vực này
TTCT - Là một địa danh nổi tiếng với các giá trị lịch sử cách mạng, từ nhiều năm nay Côn Đảo còn được biết đến như một khu vực bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quí giá. Vì vậy, phải phát triển Côn Đảo như thế nào để bảo tồn, tôn tạo các giá trị đặc sắc ấy?

Từ năm 2002 dự án xây dựng tuyến đường tây - bắc Côn Đảo bắt đầu được thực hiện. Con đường này dài khoảng 20km, mặt cắt ngang 9m với kinh phí xây dựng khoảng 300 tỉ đồng, sẽ nối tiếp con đường từ Bến Đầm đến sân bay Cỏ Ống và vịnh Đầm Tre. Theo báo cáo khả thi do đơn vị tư vấn lập, con đường này sẽ “tạo thành hệ thống giao thông thông suốt, tạo tiền đề để xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ phát triển du lịch, đồng thời góp phần tạo điều kiện bảo vệ rừng và phục vụ an ninh quốc phòng”.

Cuối năm 2004, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho xây dựng tuyến đường. Tại cuộc họp cấp tỉnh (tháng 3-2005) với sự tham gia của các sở, ngành, nhiều quan chức cũng có quan điểm là xây dựng tuyến đường này hại ít, lợi nhiều; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội cho Côn Đảo; khi xây dựng xong tuyến đường tự nó cũng là một sản phẩm du lịch, sẽ có hình ảnh Côn Đảo thứ hai...

Tranh cãi?

Cuối năm 2005, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo đến năm 2020 theo quan điểm phát triển xây dựng Côn Đảo thành khu kinh tế du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích cách mạng đặc biệt của Việt Nam và phát triển, nâng cao giá trị vườn quốc gia Côn Đảo.

Có thể nói quan điểm phát triển Côn Đảo lần này có những điểm mới so với trước đây, đó là nhất quán xây dựng Côn Đảo trở thành khu du lịch - dịch vụ tầm cỡ quốc gia và quốc tế, trong đó du lịch lịch sử, văn hóa và du lịch sinh thái rừng, biển là ngành kinh tế mũi nhọn (ngành công nghiệp không khói) chứ không phải phát triển theo hướng “toàn diện” như trước.

Thế nhưng, có một điều đặt ra là toàn bộ tuyến đường nếu được thực hiện sẽ đi xuyên qua các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái của vườn quốc gia Côn Đảo (VQGCĐ - từ xưa đã hoàn toàn không có dân cư sinh sống) và ít nhất cũng sẽ làm mất đi khoảng 70ha rừng.

Theo ông Phan Hòa Bình, chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, “những tác động đến môi trường sinh thái chắc chắn sẽ có nhưng phải tính toán để có cái được nhiều hơn” và “với trình độ thi công bây giờ thì việc giải phóng khoảng 1,2 triệu m3 đất đá như dự kiến cũng sẽ được đem san lấp cho nhiều dự án khác để không làm ảnh hưởng tới san hô và rùa biển, chưa kể hiện cũng không có rùa lên đẻ ở đảo lớn”.

Ngược lại, ông Trần Đình Huệ, phó giám đốc VQGCĐ, lại cho rằng san hô Côn Đảo thuộc dạng rạn riền, mọc ven đảo và phân bổ từ mép đảo ra khoảng 20-30m độ sâu, là nơi ươm nuôi phần lớn các loài thủy hải sản và bảo vệ bờ biển, chống sóng ngầm... nên dễ bị ảnh hưởng nếu có tác động từ bên ngoài. Cũng theo lãnh đạo VQGCĐ, ở mặt đông đảo lớn xưa cũng có nhiều bãi rùa, rùa sinh sản rất nhiều nhưng bây giờ không còn.

Trong số gần chục bãi rùa ở mạn tây bắc hiện tại có đến năm bãi (bãi Ông Câu, bãi Dài, bãi Bàng, bãi San Hô và bãi Sạn) sẽ bị tác động trực tiếp nếu con đường đi ngang qua. Có thể nói Côn Đảo là một trong những khu bảo tồn rùa biển lớn nhất Việt Nam còn được gìn giữ khá nguyên vẹn.

Trên thực tế, ngoài con đường từ sân bay Cỏ Ống ngang qua thị trấn đi về cảng Bến Đầm dài khoảng 25km được mở từ thời Pháp, toàn bộ mạn tây bắc còn lại đều có địa hình cực kỳ khúc khuỷu và hiểm trở. “Đất” Côn Đảo hầu hết là núi đá, đất phủ trên bề mặt trung bình chỉ khoảng năm tấc, nhiều đoạn trên đoạn đường dự kiến này có độ dốc rất lớn và hầu hết đều là đá khối lớn. Chính địa hình hiểm trở này cộng với việc cắt đứt một thảm thực vật bảo vệ đã ổn định hàng trăm năm qua sẽ khó tránh được những nguy cơ sạt lở dẫn đến việc ô nhiễm môi trường nước toàn bộ vùng ven biển đảo.

Phát triển như thế nào?

DSxyxEdn.jpgPhóng to
Rùa biển ở vườn quốc gia Côn Đảo
Vài năm trước, khi con đường Tôn Đức Thắng (con đường ven biển ngang thị trấn) được mở rộng đồng thời với việc làm bờ kè lấn biển suýt làm “mất mạng” hàng cây cổ thụ trên đường cũng như “nuốt chửng” một phần bãi đá tự nhiên đẹp tuyệt ngay bờ biển đã gây sự phản đối trong dư luận. Nhiều ý kiến khi ấy đã cho rằng việc phát triển Côn Đảo không cần đồng nghĩa với việc “bêtông hóa” Côn Đảo.

Với số dân cư vừa phải, theo nhiều người dân và những người từng gắn bó với Côn Đảo thì ngay cả đất đai tại trung tâm huyện vẫn còn khá dư dả. Dân cư trên đảo hầu hết chỉ tập trung tại thị trấn và một phần rất nhỏ ở các khu vực khác như Bến Đầm, Đầm Tre và vài đảo nhỏ. Có thể thấy rõ điều này khi toàn bộ khu rừng tràm mạn tây bắc thị trấn đã được phân ô bàn cờ với cả chục con đường bêtông nhưng chỉ có lèo tèo vài ngôi nhà.

Theo ông Lê Xuân Ái, giám đốc VQGCĐ, nếu nói mở thêm tuyến đường này để rút ngắn quãng đường từ Cỏ Ống về Bến Đầm là không thực tế (bởi nó chỉ ngắn hơn khoảng 3-4km) cũng như để khai thác du lịch, góp phần tạo điều kiện bảo vệ rừng và phục vụ quốc phòng... là không hợp lý.

Khách du lịch đến Côn Đảo, nhất là du khách nước ngoài, hầu hết đều say mê khám phá môi trường tự nhiên cũng như hệ sinh thái dưới biển và trên cạn; những lối mòn trên rừng, những chuyến tàu và canô đưa khách đến tham quan các thắng cảnh quanh đảo và các đảo nhỏ như hòn Cau, hòn Bảy Cạnh, hòn Tài, hòn Trứng... bằng đường biển sẽ là những chuyến đi thú vị hơn nhiều lần trên những chiếc xe du lịch cồng kềnh và con đường nhựa phẳng lỳ.

Mới đây, Ủy ban Quốc gia UNESCO của VN đã kết thúc chuyến khảo sát Côn Đảo. Theo nhận định của đoàn thì với những gì hiện hữu và cả những trầm tích ẩn trong lòng đất, Côn Đảo có triển vọng trở thành di sản hỗn hợp (văn hóa - lịch sử - thiên nhiên) thế giới đầu tiên ở Việt Nam.

Báo Bà Rịa-Vũng Tàu số 3890 ra ngày 17-8-2006 cho biết: Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến cho phép UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Côn Đảo là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Theo đó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa - thông tin chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, hướng dẫn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập hồ sơ và trình duyệt theo qui định.

Với tổng diện tích hơn 7.200ha, trong đó gần 90% được Nhà nước qui hoạch cho bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và tài nguyên thiên nhiên, có thể nói Côn Đảo là một huyện đặc thù hiếm thấy so với các vùng khác trong cả nước; do vậy, vấn đề quản lý nhà nước về tài nguyên thiên nhiên và quản lý về di tích văn hóa, lịch sử cũng phải có những đặc thù riêng phù hợp.

Theo ông Ái, không thể hi sinh các tiềm năng sinh thái để đổi lấy một con đường mà các mục tiêu phát triển của nó không được rõ ràng. Trong khi đó, ông Trần Văn Phức, chánh văn phòng UBND huyện Côn Đảo, khẳng định chính quyền vẫn quyết tâm làm, “không vì lợi ích của cục bộ từng ngành mà kềm hãm sự phát triển chung”...

Ông Lê Xuân Ái, giám đốc vườn quốc gia Côn Đảo

Kế hoạch hành động đa dạng sinh học của VN, chiến lược GEF quốc gia và ấn phẩm Một hệ thống đại diện toàn cầu các khu bảo tồn biển tiêu biểu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) xuất bản năm 1995 khẳng định tiềm năng đa dạng sinh học tại Côn Đảo có ý nghĩa quan trọng không chỉ với quốc gia mà còn cả quốc tế.

Gần đây dự án bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển và ven biển tại Côn Đảo cũng đã được Quĩ Môi trường toàn cầu (GEF) và Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA) tài trợ kinh phí hơn 1,8 triệu USD (Chính phủ đã phê duyệt thực hiện dự án từ năm 2006).

Xét về quan điểm phát triển, không thể xem việc phát triển đồng nghĩa với sự tăng thêm lợi nhuận kinh tế trước mắt mà phải hướng tới những lợi ích lâu dài thu được từ việc bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

Ông Đặng Như Hiển, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Dự án xây dựng đường tây bắc Côn Đảo phải đạt được mục đính phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Nếu chỉ đạt được mục đích phát triển kinh tế mà không bảo vệ được môi trường sinh thái bền vững thì không nên thực hiện dự án này.

Ông Nguyễn Hữu Mạnh, giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Hiện tại, chúng tôi cũng đang đề xuất tỉnh nên tổ chức một cuộc thi quốc tế để qui hoạch lại Côn Đảo cho phù hợp với định hướng phát triển mới này (xây dựng Côn Đảo thành khu kinh tế du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích cách mạng đặc biệt của VN và phát triển, nâng cao giá trị vườn quốc gia Côn Đảo...). Vì vậy, việc cần thiết là nên chờ cho đến khi có qui hoạch để dựa trên cơ sở đó mà tính toán nên hay không nên làm con đường.

Ông Eric Coull, trưởng đại diện WWF (Quĩ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên) Greater Mekong

Việc đảm bảo rằng bất cứ dự án phát triển nào cũng không có tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học là hết sức cần thiết, bởi vì đa dạng sinh học chính là điểm hấp dẫn khách du lịch đến đây. Hiện nay, Chính phủ VN đang thực hiện một dự án kéo dài ba năm nhằm cân bằng việc bảo tồn với việc sử dụng bền vững ở Côn Đảo. Tất nhiên là việc xây dựng đường sá ngay bên trong vườn quốc gia và xung quanh khu vực bờ biển sẽ có tác động to lớn đến các hệ sinh thái san hô, cỏ biển, rừng và rừng ngập mặn...

Những tác động này cần phải được đánh giá trên cơ sở khoa học, một cách công khai và nhiều bên tham gia, đồng thời phải tiến hành các bước đi nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực. Về cơ bản, WWF luôn tin rằng các vườn quốc gia cần phải được gìn giữ càng nguyên vẹn càng tốt, để chúng có thể giữ vai trò là nơi ẩn náu khỏi quá trình phát triển.

HOÀI TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên