Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết, Côn Đảo hiện sở hữu nhiều động, thực vật, sinh vật biển quý hiếm với 1.077 loài thực vật thuộc 640 chi của 160 họ thực vật bậc cao có mạch; 160 loài động vật có xương sống trên cạn gồm: thú: 29 loài, chim: 85 loài, bò sát: 38 loài, ếch nhái: 8 loài.
Có 3 nhóm động vật đặc hữu cần đặc biệt quan tâm, bảo vệ bởi chỉ còn có ở Côn Đảo là khỉ đuôi dài, sóc đen Côn Đảo và thạch sùng Côn Đảo. Nơi đây đang sở hữu 1.455 loài sinh vật biển, trong đó thực vật ngập mặn có 23 loài...
Vùng biển Côn Đảo thường xuyên xuất hiện 3 loài thú biển được xếp vào loại đặc biệt cần được bảo vệ là Delphin mõm dài, cá voi xanh và bò biển.
Đây cũng là nơi có số lượng rùa biển sinh sống và lên đẻ trứng nhiều nhất. Côn Đảo còn có "đặc sản" yến hoang đảo nổi tiếng.
Hiện tại, Côn Đảo có 8 hang yến chính, 3 hang yến phụ được các lực lượng bảo vệ, khai thác bảo quản, chăm sóc nghiêm ngặt...
Để giữ gìn và bảo tồn các giá trị tự nhiên hiếm có mà thiên nhiên đã ưu đãi, ban tặng cho Côn Đảo, người dân nơi đây luôn đồng lòng bảo vệ rừng, tài nguyên biển ven bờ.
Họ quan niệm, trong quá trình phát triển Côn Đảo phải lấy phát triển bền vững làm trọng, phát triển nhưng phải bảo tồn được những giá trị vốn có của nó.
Người dân Côn Đảo ý thức rất rõ về tầm quan trọng sự tồn tại của rừng quốc gia Côn Đảo trong việc điều tiết và cung cấp nguồn nước ngọt cho các hồ nước ngầm ở đây. Họ tham gia trồng rừng, bảo vệ và tái tạo rạn san hô, tích cực bảo tồn rùa biển.
Được biết, những nhà làm công tác bảo tồn và gìn giữ hệ sinh thái môi trường ở Côn Đảo đã tạo ra được những sản phẩm du lịch gắn liền với thiên nhiên, môi trường với 11 tuyến điểm du lịch, gồm 5 tuyến du lịch sinh thái rừng và 6 tuyến du lịch sinh thái biển đảo.
Như vậy, có thể nói, việc bảo vệ thiên nhiên chính là biện pháp hữu hiệu để Côn Đảo phát triển trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận