17/01/2014 23:06 GMT+7

Con dại, cái mang

HÀ THẠCH HÃN
HÀ THẠCH HÃN

TT - Tuổi Trẻ đưa ra góc nhìn sau sự kiện cầu thủ Hoàng Văn Khánh (CLB Sông Lam Nghệ An) bị loại khỏi đội tuyển U-19 quốc gia vì cú vào bóng thô bạo trong trận U-19 VN gặp Tottenham ở Giải U-19 quốc tế - Cúp Nutifood

Sự kiện cầu thủ Hoàng Văn Khánh (CLB Sông Lam Nghệ An) bị loại khỏi đội tuyển U-19 quốc gia khiến hầu hết người hâm mộ đều cảm thấy “giận thì giận mà thương thì thương”.

Tất nhiên cú vào bóng có tính triệt hạ cầu thủ U-19 Tottenham của Hoàng Văn Khánh để rồi cầu thủ đội bạn sau đó phải đi lại bằng đôi nạng gỗ là điều rất đáng trách. Song nếu bình tâm suy xét sẽ nhận ra rằng hành vi ấy đáng trách cầu thủ một thì phải trách nơi đào tạo và giáo dưỡng cầu thủ này mười, bởi CLB chính là môi trường giáo dục đầu tiên giúp cầu thủ hình thành nhân cách và nhận thức của mình trong suốt quá trình lập thân và lập nghiệp. Hay nói cách khác, CLB Sông Lam Nghệ An không thể thoái thác trách nhiệm liên đới đối với sản phẩm đào tạo của mình, tất nhiên với cả hành vi phi thể thao (nếu có) của cầu thủ mình. “Con dại cái mang” - câu thành ngữ xa xưa của cha ông vốn đã xác lập trách nhiệm rất rõ ràng!

Gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Gieo yêu thương sẽ gặt yêu thương. Gieo bạo lực sẽ gặt bạo lực.

Chợt nhớ một câu chuyện đến rơi nước mắt trong cuộc thi “Nhật ký người mẹ” do báo Tuổi Trẻ và Công ty Nutifood tổ chức mới đây. Bà mẹ kể lúc đứa con của mình được 28 ngày tuổi thì cũng là lúc bắt đầu hành trình ra vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM (cứ về nhà một, hai tuần thì lại vào viện nằm cả tháng trời) chủ yếu là để điều trị chứng động kinh và viêm phổi. Ngoài ra, cháu còn có dị tật ở tim... Mỗi lần nhập viện là con quằn quại trong vòng tay của mẹ khi bị lấy ven, lòng mẹ đau như xát muối. Giờ đây con trai mẹ đã được 4 tuổi nhưng vẫn chưa ngồi được, chưa nói được. Mỗi tuần, con vẫn được đưa đến bệnh viện tập vận động và phải uống thuốc bổ não, thuốc động kinh theo giờ cố định...

Bà mẹ ấy sẵn sàng đánh đổi tất cả, sẵn sàng hi sinh tất cả, chỉ cần một lần được nghe đứa con cất tiếng gọi: Mẹ ơi!

Hành trình nuôi con gian nan mà thấm đẫm yêu thương của một người mẹ đã làm không ít người rơi nước mắt khi nghe câu chuyện của chị. Giờ đây, tuy đứa con bị thiểu năng trí tuệ của chị vẫn chưa thể nói được hai tiếng đau đáu mà máu thịt ấy nhưng khi gặp hiểm nguy, khi đối mặt với nỗi sợ hãi... cậu bé đã biết dúi đầu vào ngực mẹ để được chở che, bảo bọc ruột rà...

Chế độ phong kiến xưa kia dựa trên ba giềng mối thể chế và đạo đức xã hội tam cang giả: quân - sư - phụ. Trong mối quan hệ đó, vị trí người thầy được tôn kính ở ngôi thứ hai, hơn cả đấng sinh thành.

Có lẽ vì thế mà cũng ở chế độ ấy, quan niệm và đạo lý “lương sư hưng quốc” luôn được đề cao, trong đó địa vị người thầy được xã hội trọng vọng trên đỉnh vinh quang khi học trò thành đạt rỡ ràng, đồng thời cũng phải gánh lãnh một phần trách nhiệm nếu học trò sai phạm, lệch lạc... Nghĩa là chế độ thưởng phạt được đặt ra hết sức công minh, đôi lúc có phần nghiệt ngã nhưng không phải là không có lý.

Con dại cái mang là vì thế!

HÀ THẠCH HÃN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên