Không gian hội xuân được phụ huynh cùng các cô giáo ở trung tâm chuẩn bị nhiều ngày trời để các con có một dịp Tết ý nghĩa
Tranh thủ ngày chủ nhật được nghỉ làm, chị Arất Thị Vớt (31 tuổi, quê ở huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) đưa con nhỏ đến hội xuân tại Trung tâm chăm sóc giáo dục mầm non OneSky - nơi chị đang gửi con nhỏ vừa tròn 1 tuổi để đi làm.
Lần đầu tiên sau bao năm rời quê ra thành phố làm công nhân trong khu công nghiệp, chị được tham gia một hội xuân ngập tràn màu sắc với nhiều hoạt động vừa lạ vừa quen khiến chị cười tít mắt suốt buổi.
Chị Vớt mua mấy tấm phiếu "1 đồng" rồi bồng con đi dạo khắp các gian hàng. Nào bánh xèo, khoai nướng, xôi cầu vồng, đến xúp, hamburger, cơm cuộn Hàn Quốc… quá nhiều món lạ món quen khiến chị và con trai thích thú. Chị cũng dành một phiếu mua hàng để mua cho con món đồ chơi nhỏ.
Đến hội xuân, chị Vớt còn được tặng một phần quà với bao gạo và nhu yếu phẩm. "Tết này về quê thế là có quà mang về ăn Tết. Tôi làm công nhân mà con hay đau ốm nên nghỉ suốt, lương tháng được chừng 2-3 triệu đồng đủ trang trải. Chồng làm phụ hồ công việc ngày có ngày không. Nay được đón Tết vui lại có quà tặng nữa mừng lắm", chị Vớt nói.
Chị Arất Thị Vớt cùng con trai mua những món quà tuổi thơ tại hội xuân
Anh Trần Quốc Toản (37 tuổi, quê ở Huế) cùng vợ vào Đà Nẵng làm công nhân, cho biết đưa con đến hội xuân mà lòng cũng háo hức theo con. Lần đầu tiên con của anh được cùng bạn vui chơi, ăn uống và tham gia một hội xuân với đủ thứ mới mẻ giữa một không gian đậm chất Tết quê.
Anh Toản chia sẻ: "Vợ chồng đi làm suốt và cũng ít khi có điều kiện đưa con đi chơi ở những nơi như thế này. Nay thấy con vui chơi hoài không chán mà mình cũng vui theo".
Chị Vớt, anh Toản cũng như hàng trăm phụ huynh khác đều là những công nhân nghèo đang ở trọ và làm việc trong khu công nghiệp. Nếu hội xuân với đám trẻ là một ngày Tết khó quên thì với những công nhân nghèo là cả sự quan tâm, sẻ chia và đồng hành dịp Tết đến xuân về.
Ngay trong khuôn viên rộng 3.800m2 của trung tâm, hội xuân đã làm sống lại không khí chợ Tết truyền thống với những gian hàng mua bán không lợi nhuận các món ăn, đồ chơi tuổi thơ, quà bánh Tết. Một khu vui chơi với những trò chơi dân gian như nhảy sạp, kéo co, nhảy bao bố, thi gói bánh chưng bánh tét… thu hút cả trẻ em và phụ huynh.
Bà Võ Thị Hiền, giám đốc trung tâm, cho biết hội xuân được tổ chức với mong muốn mang lại cơ hội để phụ huynh cùng con trải nghiệm chợ quê, thưởng thức văn hóa ẩm thực truyền thống và các trò chơi dân gian.
"Thông qua chương trình, Tổ chức OneSky hy vọng rằng con trẻ sẽ hiểu hơn về văn hóa cổ truyền dân tộc Việt Nam, nuôi dưỡng tình yêu thương gia đình và cộng đồng, đem đến một ngày vui trọn vẹn cho gia đình công nhân nghèo", bà Hiền nói.
Trẻ được tham gia biểu diễn thời trang tái chế tại hội xuân
Mua xôi cầu vồng truyền thống
Gian hàng tuổi thơ thu hút các em nhỏ
Các bé được cha mẹ diện những bộ quần áo mới đón Tết sớm
Hàng rau được các giáo viên của trung tâm bày bán cho phụ huynh không lợi nhuận
Thi gói bánh chưng, bánh tét cổ truyền
Tại hội xuân có nhiều trò chơi dân gian thu hút cả giáo viên, trẻ nhỏ và phụ huynh cùng tham gia
Không khí Tết sớm rộn ràng cả khuôn viên trung tâm
"Trường quốc tế" cho con của công nhân nghèo
Trung tâm OneSky hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục cho 250 trẻ em từ 6 tháng đến 6 tuổi là con công nhân có hoàn cảnh khó khăn làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (Liên Chiểu, Đà Nẵng). Phụ huynh chỉ đóng 800.000 đồng/tháng. Chi phí thực cho mỗi trẻ là từ 3,8 - 4 triệu đồng/tháng, phần chênh lệch do Tổ chức phi chính phủ OneSky tài trợ.
Trung tâm do Tổ chức OneSky (tiền thân là Half the Sky Foundation) tài trợ 3,4 triệu USD, kinh phí đối ứng của UBND TP Đà Nẵng là 392.000 USD, hoạt động từ tháng 9-2017. Trong 5 năm qua, Trung tâm OneSky đã chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục cho tổng số 628 trẻ em.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận