Nên hạn chế cho trẻ vừa ăn vừa xem điện thoại - Ảnh: THÙY DƯƠNG
Bất kể ăn bữa chính hay chỉ là uống một ly sữa, người nhà cháu N.V.T. - 4 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận - đều phải bật tivi cho xem thì cháu mới chịu ăn hoặc uống.
Mẹ chọn clip, bà đút cơm
Cháu T. cứ nhìn chằm chằm vào màn hình, còn bà ngoại tranh thủ đút. Được vài miếng cơm, cháu T. lại đòi bà đổi sang chương trình khác, bà ngoại cứ răm rắp làm theo. Đút được hết một chén cơm, bà phải đổi đến khoảng 10 clip trên tivi.
Bà ngoại chia sẻ cháu T. biếng ăn, bà mong T. ăn được nên tìm đủ mọi cách để dụ như hát cho T. nghe, bế T. đi ăn rong ngoài đường, nhưng T. càng lớn bà ngoại bế T. càng thấy nặng nên thử cho T. xem tivi. Ai dè T. thích tivi lắm.
Hôm đầu cho xem, T. ăn vèo hết một chén cháo. Sau này ăn ngày càng khó hơn và không bật tivi thì nhất quyết T. không ăn.
Dù vẫn cho T. ăn được nhưng người nhà thấy T. ốm suốt, cân nặng và chiều cao tăng kém, có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nên càng cố ép T. ăn bằng cách bật tivi, cho thay đổi nhiều chương trình truyền hình.
Trường hợp của T. không phải là cá biệt, nhiều gia đình hiện nay xem tivi, iPad như là một "bí quyết" dụ trẻ ăn. Mới đây, ngay tại một quán phở V ở Q.3, TP.HCM, một bà mẹ cũng bật phim trên điện thoại cho con xem, sau đó tranh thủ đút cho con.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Bác sĩ Phạm Minh Triết, nguyên trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho rằng việc cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi hoặc thiết bị điện tử có thể có những ảnh hưởng về lâu dài.
Nhiều nghiên cứu cho thấy xem tivi trong lúc ăn làm trẻ tăng nguy cơ dư cân hoặc béo phì. Về lâu dài trở thành một thói quen khó bỏ, nên hậu quả của xem tivi trong lúc ăn liên quan mật thiết đến hậu quả của béo phì như giảm tuổi thọ, đái tháo đường type 2, cao huyết áp, các bệnh lý ở tim, sỏi mật, trào ngược dạ dày thực quản, khó thở, trầm cảm...
Những ảnh hưởng khác cũng được đề cập đến như việc xem tivi trong lúc ăn làm tăng thời gian xem tivi, tăng thời gian tiếp xúc màn hình của trẻ.
Thời gian tiếp xúc màn hình nhiều làm tăng nguy cơ rối loạn ngôn ngữ và lời, hung hăng, kém chú ý, lười suy nghĩ, ít vận động, khó khăn trong thiết lập mối quan hệ với bạn bè, rối loạn giấc ngủ.
Tại khoa tâm lý cũng có nhiều trường hợp trẻ được khám vì say mê chơi với các thiết bị màn hình gần như cả ngày, chỉ ngoại trừ lúc ngủ.
Thường những trẻ này đi kèm các rối loạn ngôn ngữ như chậm biết nói, ngôn ngữ giao tiếp nghèo nàn, khả năng tương tác với mọi người yếu, không quan tâm những người và đồ vật xung quanh, có khuynh hướng dùng hành vi bạo lực để yêu cầu, nhiều hành vi chống đối và không vâng lời người chăm sóc.
Khuyến cáo mới nhất của Hiệp hội Nhi khoa Mỹ về thời gian tiếp xúc màn hình là trẻ dưới 18 tháng tuổi thì thời gian tiếp xúc màn hình chỉ nên dừng lại ở việc nói chuyện qua video với trẻ.
Trẻ 18 - 24 tháng tuổi chỉ nên tiếp xúc những chương trình có chất lượng và cha mẹ cùng xem để giúp trẻ hiểu, cũng như tham gia những gì trẻ đang xem.
Trẻ 2 - 5 tuổi thì thời gian tiếp xúc màn hình là 1 giờ/ngày và có cha mẹ cùng xem để giúp trẻ liên hệ với thực tế.
Trẻ từ 6 tuổi trở lên cần được giới hạn thời gian tiếp xúc màn hình, cha mẹ cũng phải đảm bảo trẻ không bị ảnh hưởng giấc ngủ, hoạt động thể chất cũng như những mối quan hệ trong cuộc sống.
Tước đoạt cảm giác thèm ăn ở trẻ
Theo các bác sĩ, người lớn hiện nay đã tước đoạt cảm giác thèm ăn ở trẻ.
Các bác sĩ phân tích trẻ em ngày nay ít được vận động, không gian nhiều khi chỉ bó hẹp trong những ngôi nhà nhỏ nên trẻ thường không được chạy nhảy nhiều như những năm trước đây.
Ít vận động nhưng các bậc cha mẹ lại đưa hết món này đến món kia làm trẻ chưa có cảm giác đói đã bị ép buộc phải ăn. Lâu ngày trẻ mất đi cảm giác ăn ngon miệng.
Ngoài ra, việc tranh thủ lúc trẻ chăm coi tivi, màn hình điện thoại để đút ăn cũng là một dạng khiến trẻ không còn quan sát thức ăn, không có cảm giác thèm ăn.
Rất cần sự tập trung khi ăn
Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - nguyên giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, để trẻ ăn tốt thì cần có sự tập trung vào bữa ăn. Lúc đó, trẻ sẽ học được cách ăn, cảm nhận được thực phẩm có mùi vị gì, cứng hay mềm..., có thích loại thực phẩm đó hay không.
Còn khi ăn, trẻ chỉ tập trung vào xem tivi hoặc các thiết bị điện tử sẽ không chú ý ăn và không có "kinh nghiệm" trong khi ăn, không hứng thú với bữa ăn.
Khi đó sẽ có hai xu hướng hoặc là ăn nhanh, lâu ngày sẽ tăng nguy cơ béo phì, còn xu hướng thứ hai là trẻ ăn chậm, ngậm thức ăn trong miệng, lâu ngày sẽ dẫn đến biếng ăn, thiếu các vi chất và có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.
Trẻ vừa ăn vừa xem tivi hoặc các thiết bị điện tử sẽ tiết các dịch tiêu hóa ít hơn so với trẻ bình thường, sẽ ảnh hưởng đến việc bài tiết các dịch tiêu hóa (các enzyme trong đường tiêu hóa), có thể dẫn tới tiêu hóa chậm.
Ngoài ra, giờ ăn là quá trình giao tiếp giữa trẻ và người chăm sóc trẻ, nên những trẻ ăn mà phải lệ thuộc vào tivi hoặc các thiết bị điện tử sẽ có chỉ số EQ (chỉ số cảm xúc) thấp hơn những trẻ có bữa ăn một cách tự nhiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận