TTCT - 5g sáng, tôi trở dậy để đi “săn” bình minh trên đảo Cồn Cỏ. Ngược lối mòn phía sau doanh trại tiểu đoàn Cồn Cỏ đi lên “đồi Hải Phòng” - tức cao điểm 63, thấy đèn biển Cồn Cỏ đang quay vòng chớp sáng. Toàn cảnh phố thị Cồn Cỏ nhìn từ “đồi Hải Phòng” - cao điểm 63 - Ảnh: L.Đ.DụcCon đường xuyên qua cánh rừng vừa hồi sinh sắc lá, xanh trở lại sau trận bão làm tan hoang cả đảo hồi cuối tháng 9-2013.Cả nước được “điểm danh” trên đảoCồn Cỏ có hai điểm cao, điểm cao nhất nơi đặt hải đăng này gọi là “đồi Hải Phòng” bởi thời chiến tranh, không hiểu từ đâu trên cái hòn đảo chỉ hơn 2km2 (220ha) này có địa danh của nhiều miền đất nước, giờ anh em vẫn gọi theo tên đó. Ngoài “đồi Hải Phòng” có “trận địa Hà Nội” - khu vực giờ là Bộ chỉ huy quân sự huyện đảo.Từ khu trung tâm “Hà Nội” này, các nhánh đường dẫn tới các khu “Nam Hà”, khu “Hà Tây”, khu “Quảng Ninh”... rồi bãi “Hương Giang”, bãi “Hiron” (tên một bãi biển ở Cuba) ở phía đông và đông bắc đảo... Những địa danh rất quen trên đảo từ nửa thế kỷ trước, giờ gọi lên dễ gợi bao sự tò mò.Hải đăng Cồn Cỏ tọa lạc ở vị trí 1709’27” vĩ độ Bắc và 107020’18” kinh độ Đông.Nếu không nằm chếch qua phía bắc vĩ tuyến 17 chỉ với 9’29” mà thay vào đó vĩ tuyến 17 chạy cắt ngang qua trung tâm hòn đảo nhỏ, như đã cắt đôi dòng sông Bến Hải, có lẽ số phận Cồn Cỏ sẽ khác đi, đảo nhỏ này có lẽ cũng được chia ra hai phần nam đảo và bắc đảo, đường phân tuyến sẽ chạy dài cắt từ âu thuyền phía tây về tận bãi Hiron phía đông!Vì nằm chếch lên phía bắc một chút xíu ấy nên Cồn Cỏ thuộc về phần lãnh thổ của miền Bắc theo Hiệp định Genève. Sáng 8-8-1959, cách nay vừa tròn 55 năm, một trung đội của trung đoàn bảo vệ giới tuyến được lệnh ra cắm cờ trên đảo, hai giờ sau đó hải quân của chính quyền Sài Gòn cũng giong tàu ra tiếp cận đảo nhưng đã chậm chân.Từ ngày đó, Cồn Cỏ đón nhận một sứ mệnh lịch sử: vọng gác tiền tiêu của miền Bắc. Bao nhiêu đạn bom đã trút xuống, bao nhiêu chuyến thuyền tiếp vận cảm tử và cả trăm con người đã nằm lại trên hành trình bất khuất của hòn đảo nhỏ.Đài tưởng niệm Tổ quốc ghi công trên đảo - Ảnh: L.Đ.DụcTừ trên đỉnh hải đăng nhìn về vị trí có độ cao thứ hai trên đảo, tức cao điểm 37, sẽ thấy tượng đài tưởng niệm các liệt sĩ vút cao, im lặng giữa nền trời buổi bình minh. Hai cao điểm của đảo, một điểm để xây dựng hải đăng, điểm kia dựng đài tưởng niệm.Tôi nhìn lên quầng sáng của đèn biển vẫn loang loáng những vòng quay 3600 miệt mài dẫn đường cho các con tàu trên biển Đông và liên tưởng đến đài tưởng niệm ở đồi 37. Hiểu theo một nghĩa nào đấy đó cũng là một ngọn hải đăng khác để chỉ đường cho những người đang sống hôm nay về giá trị của độc lập và tự do, cái giá được trả bằng máu xương và sự can trường hiếm có.Chiều hôm trước, khi ghé thăm anh em cán bộ văn hóa trên đảo đang hoàn tất những khâu cuối cùng cho việc khánh thành phòng truyền thống huyện đảo, tôi đã lặng người trước những tấm hình trắng đen được phóng lớn treo trên tường.Ngay chỗ tôi đang đứng, trên vị trí của đèn biển, mấy chục năm trước là cái chòi quan sát dựng ghép từ những thân cây đã bị bom phạt ngang ngọn. Anh em bắc một chiếc thang lên tới chạc ba trên đỉnh và từ đây, với chiếc ống nhòm, trần thân ra giữa đạn bom, người lính Cồn Cỏ quan sát hoạt động của máy bay, tàu chiến báo cáo về chỉ huy sở, có người bị thương vẫn không rời chòi.Những câu chuyện bây giờ nghe kể lại thật khó hình dung. Nhưng chỉ một tấm ảnh đen trắng chụp người anh hùng Thái Văn A với chiếc ống nhòm trên đài quan sát hướng ra biển khơi vẫn đủ sức dựng lại cả những tháng năm bi hùng của đảo. Thái Văn A, người chiến sĩ trinh sát trên đảo Cồn Cỏ ngày ấy, là một trong sáu anh hùng của đảo, cùng với Nguyễn Tăng Mật, Cao Văn Khang, Lê Văn Ban, Cao Tất Đắc, Bùi Hạnh.Có lẽ không có hòn đảo nào trên đất nước này có “mật độ” anh hùng như Cồn Cỏ, bởi hòn đảo này đã hai lần được phong danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đó không chỉ là chuyện vinh danh, danh hiệu ấy đã nói thêm về những gì khốc liệt nhất của cuộc chiến.Nhưng Cồn Cỏ được biết đến những năm tháng đó không chỉ có đạn bom, có một bài hát giờ đây vẫn được anh em lính đảo hay hát. Những lần ra Trường Sa, tôi vẫn nghe bài hát “Cồn Cỏ có con cá đua là con cua đá...” vang lên giữa sóng gió trùng khơi, như mang theo niềm lạc quan từ hòn đảo nhỏ bên vĩ tuyến 17 ra với đại dương.Có những ngày bị đánh rát quá, lính trên đảo thiếu gạo, thiếu nước ngọt..., nguồn sống của anh em chính là con cua đá. Ở một hòn đảo mà con cua nhỏ bé cũng được ghi công, hẳn hòn đảo ấy sẽ trĩu nặng ân tình biết mấy!Đài quan sát trên đảo Cồn Cỏ những năm chiến tranh - Ảnh tư liệuNụ mầm giữa trùng dươngTừ năm 1975 đến cuối thế kỷ 20, Cồn Cỏ vẫn là đảo quân sự với những giới hạn nghiêm khắc. Năm 1990, tôi may mắn theo đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị ra thăm và chúc tết anh em bộ đội trên đảo, nhiều khu vực vẫn bị giới hạn đi lại. Chạy từ Cửa Tùng ra tới đảo hơn 4 giờ trên chiếc thuyền gỗ, muốn vào đảo chúng tôi phải “tăng bo” lên những chiếc thuyền thúng cho anh em chèo vào.Đêm đầu tiên ở lại trên đảo, anh lính trẻ Phạm Công Thành, quê Quảng Bình, kể về dạo mùa hè, cả đảo khô cạn, thuyền chở nước ngọt trong những can nhựa 20 lít từ Cửa Tùng ra tiếp tế cho đảo. Lúc chuyển nước từ thuyền lên đơn vị, loay hoay thế nào Thành làm rơi vỡ can nhựa 20 lít nước, bị chỉ huy phê bình, Thành bật khóc vì tiếc 20 lít nước ngọt chở từ đất liền ra!Ám ảnh nước ngọt có lẽ không riêng một hòn đảo nào, và con đường đi tới tương lai của Cồn Cỏ cũng bắt đầu từ việc tìm ra nguồn nước.Tháng 3-2002, tôi lại ra Cồn Cỏ cùng 43 đoàn viên Thanh niên xung phong (TNXP) ra xây dựng đảo. Chuyến xuất phát ấy khó quên vì những cơn sóng cấp 5-6 đã quăng quật chiếc tàu gỗ như chiếc lá, ra tới đảo có nhiều nữ đoàn viên phải đưa lên trạm xá để truyền dịch cấp cứu.Những TNXP có mặt trên đảo là bước đệm “dân sự hóa” đảo Cồn Cỏ để ngày 1-10-2004, Thủ tướng Chính phủ ký nghị định thành lập huyện đảo Cồn Cỏ với định hướng nơi đây trở thành một “huyện đảo du lịch”.Những ngày chúng tôi có mặt ở Cồn Cỏ có một lễ kỷ niệm gộp chung đầy ý nghĩa: 55 năm ngày truyền thống (8-8-1959 - 8-8-2014) và kỷ niệm 10 năm thành lập (2004-2014).Những cựu chiến binh Cồn Cỏ trở về thăm lại chiến trường xưa - Ảnh:L.Đ.DụcMười năm, câu chuyện đổi thay ở đất liền có thể dễ hình dung hơn ngoài đảo khơi, bởi để đưa được một cân thép, một bao ximăng ra đây là chuyện không dễ. Vậy mà giờ đây, khi đứng trên hải đăng nhìn xuống, cả một quần thể phố phường cảng thị đang hiện ra với những ngôi nhà mái xanh mái đỏ ôm viền quanh đảo từ bến Nghè lên bến Tranh, tới âu thuyền...Hai trục đường trung tâm đảo là trụ sở của ban ngành, Chi cục Thuế, Trung tâm y tế, Đài truyền thanh - truyền hình, Nhà văn hóa Thanh niên... Giữa trung tâm huyện là một hồ chứa nước và tạo cảnh quan môi trường, vừa dự trữ nước ngọt cho cả đảo đủ sức dùng quanh năm, hệ thống giếng bơm có khắp các khu vực đảo.Đêm xuống, hệ thống đèn đường bật lên, từ ngoài khơi nhìn vào, dáng dấp một đô thị của Cồn Cỏ hiện ra dưới quầng sáng của những đường phố, dãy nhà cao tầng bên thềm đảo.Tôi lại gặp những “người quen cũ” - những bạn trẻ TNXP ra đảo từ năm 2002, nay đã yên bề gia thất, nhiều người trong số họ đã thành đôi, gắn bó với mảnh đất giữa trùng dương này. Trong quán cà phê của Diệu, tôi nhìn những người khách đang uống cà phê sớm giữa cơn gió biển phóng khoáng ào ạt tràn vào.Mười hai năm trước, khi những đoàn viên TNXP ra đảo gây dựng cơ đồ, khi ấy Diệu là bộ đội chuẩn bị xuất ngũ. Vậy rồi trong khoảng thời gian chuẩn bị ra quân ấy, Diệu đã kịp tán “đổ” Hạnh Nhân, một cô gái trong đội TNXP. Ngày ra quân, thay vì vác balô xuống tàu vào đất liền, Diệu vác balô lên căn lán của anh em TNXP “báo cáo lý do” và trở thành một thành viên mới của Tổng đội.Một thời gian sau, cả hai tổ chức lễ cưới. Mười hai năm qua gắn bó với đảo, nay hai vợ chồng Diệu - Nhân đã có hai cô con gái xinh xắn là Khánh Huyền và Hương Giang. Hạnh Nhân bây giờ là kế toán của Ban quản lý cảng cá, Diệu vừa chạy hàng buôn bán, vừa hợp đồng bảo vệ cho cơ quan huyện đảo.Có 11 cặp vợ chồng trẻ từ thời “tổng đội” nay đang chọn Cồn Cỏ làm quê hương như Lan - Hiển, những người ra đảo đợt 2002, rồi Phong - Nhung, Hiền - Ái, Lịch - Thủy, Quyệt - Bằng, Nga - Vĩnh, Quang - Lam... Trong số 43 người ngày đó, với “thành quả” bám trụ như vậy đã là một câu chuyện rất đẹp với Cồn Cỏ.Gia đình Diệu - Nhân nay đã an cư lạc nghiệp trên quê hương mới - Ảnh: L.Đ.DụcTìm đến nhà Thánh - chàng đội trưởng TNXP ngày đó, mới hay giờ anh đang là cán bộ của Huyện ủy Cồn Cỏ. Vợ anh - chị Duyên là nhân viên của Phòng kinh tế - xã hội huyện đảo.Công việc của chị Duyên khá thú vị. Mấy lần ra Trường Sa, tôi đã thử mang quả bàng vuông về gieo nhưng không thấy nảy mầm, còn chị Duyên giờ đang phụ trách vườn ươm giống cây bàng vuông cho Phòng kinh tế - xã hội.Bên con đường vừa mở của đảo, mảnh vườn ươm hàng trăm bầu cây đang lên xanh, chị Duyên bảo mỗi cây bàng vuông được bán với giá 60.000 đồng, khách ra đây ai cũng mua vài cây mang về đất liền như một chút kỷ niệm với đảo xa. Trên những đường phố vừa mở của đảo cũng bắt đầu trồng những cây bàng vuông như thế.Những cây xanh được gieo ươm, những đứa trẻ lớn lên trên đảo là một cam kết của Cồn Cỏ với Tổ quốc trong những ngày tháng này. Và Cồn Cỏ, với vị trí của mình, vẫn luôn là “vọng gác tiền tiêu” trên biển Đông của nước Việt.Một trong 5 “Đảo Thanh niên” của cả nướcNgày 26-6-2014 tại Hà Nội, Trung ương Đoàn đã triển khai đề án xây dựng năm đảo thanh niên trên cả nước (từ nay đến năm 2020) là đảo Trần (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Thổ Chu (Kiên Giang), Hòn Chuối (Cà Mau) và Cồn Cỏ (Quảng Trị).Cồn Cỏ có diện tích 2,2km2, nằm cách biển Cửa Việt 18 hải lý, với nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Trên đảo, rừng nguyên sinh chiếm 74% diện tích. Bãi biển quanh đảo đa dạng với các bãi cát, bãi đá san hô, bãi đá mácma (hình thành từ nham thạch núi lửa).Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ đã được thành lập từ tháng 2-2010, có diện tích 4.532ha. Nơi đây có nhiều rạn san hô đẹp, còn khá nguyên vẹn, nước biển trong và ấm thích hợp với loại hình du lịch lặn biển.Hai trung tâm du lịch Cửa Việt và Cửa Tùng (Quảng Trị) kết nối cùng Cồn Cỏ sẽ hình thành tam giác du lịch biển cho du khách trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC), vốn là con đường ra biển ngắn nhất dành cho các du khách ở sâu trong nội địa Thái Lan, Lào, Myanmar...Tuy nhiên, tiềm năng to lớn này vẫn chưa được khai thác hiệu quả bởi cho đến nay, những hoạt động trên EWEC vẫn còn chưa thật nhộn nhịp như dự ước! Tags: Quảng TrịHuyện đảo Cồn CỏSông Bến HảiVĩ tuyến 17
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.