28/01/2020 06:49 GMT+7

Còn có thể ăn cái tết đầm ấm nào với bố mẹ thì ráng mà về!

LI PHAN
LI PHAN

TTO - 'Con ngốc này, còn có thể ăn cái tết đầm ấm nào với bố mẹ thì ráng mà về. Lết cái thân tàn ma dại về cũng phải về. Bố mẹ mong nhất không phải là đồng xu, cắc bạc nào của mày cả', chị đồng nghiệp vỗ về khi thấy tôi khóc...

Còn có thể ăn cái tết đầm ấm nào với bố mẹ thì ráng mà về! - Ảnh 1.

Đem tết về nhà - Ảnh: GIA TIẾN

- Con à, nay đã hai sáu tết rồi, bao giờ con mới về?!?

- Con vẫn chưa đặt được vé xe mẹ ạ. Nếu không được thì thôi, năm nay con ở lại trong này vậy. Bố mẹ đừng buồn.

- Cả năm có được một lần tết mà mày cũng không về thăm bố mẹ, coi bố mẹ sống chết ra sao à…

- Con cũng muốn về lắm, mà giờ không có vé thì con về làm sao được. Thôi, có người gọi rồi, con ra làm tiếp đây. Con cúp máy nha.

Mẹ tôi lại gọi. Cứ càng gần tết, mẹ sẽ càng gọi nhiều hơn. Cũng chỉ là trông ngóng tôi về. Tôi biết cái nỗi lòng của bố mẹ với đứa con xa nhà, thế nhưng tôi lại chẳng thể quay về được. Cái lý do chân thật nhất chính là không mua được vé, thế nhưng sâu xa hơn, chính là năm nay tôi không dư dả được đồng nào để mà vác mặt về quê với bố mẹ. Nghe thì thật buồn cười, ấy vậy mà lại không thể chân thực hơn được.

Năm nào cũng vậy, sau rằm tháng chạp, mẹ sẽ gọi điện dò hỏi xem tôi lúc nào được nghỉ, khi nào sẽ về, đã đặt vé xe về chưa, ăn tết xong bao giờ sẽ đi. Sẽ chẳng bao giờ mẹ hỏi tôi xem lương thưởng cuối năm được bao nhiêu, có dư đồng nào không, hoặc là bất kỳ vấn đề nào khác. Mẹ chỉ vỏn vẹn một câu hỏi, qua bao nhiêu năm tôi xa nhà, kể cả là đi học hay đi làm: Bao giờ con về?

Tôi cũng chỉ làm công, ăn lương nơi cái thành phố đất chật, người đông này. Mỗi tháng khi đến kỳ nhận lương, sau khi trừ chi phí ăn ở, đi lại và các khoản chi tiêu phát sinh khác, tôi cũng đều tích góp một chút để dành lại cho cuối năm. Chắt chiu gói ghém để mỗi lần về tết sẽ mua cho bố mẹ chút quà, gửi bố mẹ chút tiền chi tiêu. Chẳng gọi là báo hiếu gì cho thật cao cả, chỉ mong có thể bù đắp lại được một chút cho những năm tháng bố mẹ vất vả nuôi nấng, dạy dỗ tôi.

Năm nào cũng sẽ như vậy.

Thế nhưng năm nay, tôi lại chẳng dư được đồng nào. Bao nhiêu chuyện xảy ra trong một năm. Xui xẻo, đau ốm và tất tần tật mọi thứ đều khiến cho mọi thứ trở nên thật tồi tệ. Những ngày cuối năm cũng thật áp lực và nặng nề. Mỗi lần nhìn thấy cuộc gọi của mẹ, lòng tôi chùng lại, nặng trĩu.

Mẹ chưa bao giờ yêu cầu tôi mua gì, hay đem tiền về cho mẹ. Mẹ chỉ cần tôi về trình diện để bố mẹ biết tôi vẫn bình an. Thế nhưng, bản thân tôi lại tự mình cảm thấy nặng nề mỗi khi mẹ gọi. Tôi sợ mẹ hỏi bao giờ về, sợ mẹ hỏi về được bao lâu, sợ mẹ hỏi bao giờ lại đi. 

Tôi chẳng dám đối diện với sự thật là năm nay tôi chẳng giúp gì được thêm cho bố mẹ. Tôi chẳng nghĩ ra mình sẽ phải trả lời câu hỏi của họ hàng, làng xóm như thế nào khi nghe câu hỏi có cho bố mẹ được gì không. Tôi sợ cả ánh nhìn lo lắng của mẹ khi biết tôi đã chật vật trong một năm đã qua như thế nào. Đôi lúc tôi sợ, về rồi chẳng có can đảm rời đi.

Tối, mẹ lại gọi: "Con ơi, mẹ nghe nói đặt vé máy bay từ bây giờ cũng được đấy. Chưa hết vé đâu". "Đắt lắm mẹ" - Tôi rầu rĩ.

"Nói nó về đi, bố lo tiền vé cho nó về" Tôi nghe tiếng bố vang lên bên cạnh mẹ, sau đó lại là tiếng mẹ hồ hởi, vui mừng: "Về đi, có bố lo tiền vé máy bay rồi".

 Tôi dạ thật khẽ, sau đó lại viện cớ mà cúp máy, lòng rối bời.

Còn có thể ăn cái tết đầm ấm nào với bố mẹ thì ráng mà về! - Ảnh 2.

Đem tết về nhà - Ảnh: GIA TIẾN

Hai bảy tết, công ty tất niên, ai cũng khấp khởi trong lòng. Người vui vì đã được nghỉ, người mừng vì đã sắp về quê. Tôi ngồi đó, mệt mỏi, chán chường, tự dưng nước mắt cứ thế mà rơi. Tôi cũng chẳng hiểu sao mình khóc. Chỉ là rơi một cách im lặng, im lặng đến mệt mỏi.

- Ai cũng đang vui mà sao ngồi rúc vô một góc vậy nè? Chuyện gì mà ngồi ủ rũ thế này? - Chị đồng nghiệp khá thân thiết với tôi ngồi xuống bên cạnh. Nhận ra là tôi đang khóc, chị khẽ xoa lưng tôi, vỗ về: "Ai chọc mày? Kể chị nghe chị xử cho".

Tôi lắc đầu, im lặng một cách chán chường rồi khẽ chùi nước mắt. Tôi chẳng biết kể với chị từ đầu, chẳng biết phải kể điều gì, nước mắt vẫn cứ ứa ra. Chị vẫn tiếp tục vỗ vỗ lên vai tôi, dịu dàng và ân cần: "Có gì thì nói, chị giúp được gì thì giúp cho. Chắc là chuyện tiền bạc cuối năm cho bố mẹ chứ gì. Đã đặt được vé xe về quê chưa. Đủ tiền về quê chứ?".

- Vẫn đủ chị, chỉ là không dư được đồng nào để mà gửi bố mẹ, sắm sửa tết nhất trong nhà. Lại còn mừng tuổi cho đám cháu. Em thấy cứ khó chịu thế nào ấy, nản chả muốn về nhà luôn.

- Không cho được đồng nào thì sang năm cố gắng để mà bù đắp. Một năm có mỗi một cái Tết để ông bà ngóng mày về. Mày mà không về bố mẹ mày còn buồn hơn ấy chứ.

- Cơ mà em cứ thấy khó chịu thế nào ấy. Nản lòng chẳng muốn về.

- Con ngốc này, còn có thể ăn cái tết đầm ấm nào với bố mẹ thì ráng mà về. Lết cái thân tàn ma dại về cũng phải về. Bố mẹ mong nhất không phải là đồng xu, cắc bạc nào của mày cả. Chỉ mong mày được bình an về nhà là vui, là hạnh phúc rồi. Còn mấy cái tiền bạc, cũng chỉ là phòng thân thôi.

Chị im lặng một chút, chợt thấp giọng, giọng buồn buồn nói tiếp: "Mày cứ nhìn chị đây này. Học xong đại học, chưa báo đáp được bố mẹ ngày nào đã lấy chồng, lại còn lấy chồng xa nữa. Có năm nào gọi là về quê ăn Tết cùng bố mẹ đâu. Rồi lại lo con, lo cái. Về được để thăm ông bà thì có tí lại phải đi ngay. Ông bà có nhớ, có trông cũng chỉ gọi điện hỏi han. 

Gửi tiền cho cũng chả bù đắp được. Đôi khi chị chỉ mong như mày mà chẳng được luôn ấy. Thế nên nghe chị, còn được cái tết nào thì về sum vầy cái tết ấy đi. Cái phần mà tiền bạc ấy, không phải cứ đến tết mới được gửi đâu. Thương thì gửi lúc nào chả được".

Tôi nhìn chị, rồi lại cúi đầu. Chị đánh mạnh lên vai tôi một cái, nghiêm túc: "Nếu mà vẫn còn bận tâm chuyện tiền bạc thì để chị cho mày mượn. Qua năm cày trả chị sau cũng được. Thôi, về đi kẻo ba mẹ mày đau lòng".

Nói xong, chị vỗ nhẹ lưng tôi, vừa động viên lại vừa an ủi. Giọng chị dịu dàng, có khích lệ, lại có chút gì đó nhắn nhủ. Tôi cám ơn chị thật khẽ. Chị lại cười chê tôi là con ngốc.

Tôi biết chị nói cho tôi, cho cả cõi lòng của đứa con chẳng thể về nhà ăn tết cùng bố mẹ như chị.

Cuộc sống bây giờ có qua nhiều ngã rẽ, quá nhiều con đường với những thử thách khiến cho những đứa con rời xa cái tết bên gia đình. Tôi và chị đều có những lý do riêng.

Thế nhưng nghe chị nói, tôi biết lời chị chẳng sai một chút nào. Vì tết vốn dĩ chỉ là để sum vầy, chứ chẳng liên quan gì đến tiền bạc hay quà cáp cả. Bố mẹ vẫn luôn chờ tôi về chứ chẳng phải chờ tôi mang tiền về. Vẫn luôn ngóng tôi lành lặn chứ chẳng cần mang theo một thứ gì về. Chỉ có tôi vẫn luôn tự tạo áp lực cho bản thân mình về trách nhiệm của kẻ trưởng thành.

Sau khi cảm ơn chị và quay về phòng trọ, tôi tìm lại chiếc vé xe đã ném bừa vào ngăn tủ. Nhủ lòng chuyện của năm cũ đã qua, mọi thứ sau đó rồi sẽ ổn. Tôi sẽ về với bố mẹ, về ăn Tết cùng gia đình, cùng đón một năm mới tốt đẹp sẽ đến. 

Tối, tôi gọi cho mẹ: "Tối mai con lên xe nhé mẹ". "Có vé rồi hả, may quá. Mẹ đang tính kêu em mày đặt vé máy bay rồi đó".

- Dạ, con đặt được vé rồi mẹ. Nhưng mà năm nay con chỉ về thôi chứ không có tiền để cho bố mẹ. Bố mẹ đừng buồn nhé.

- Bố mẹ cần con về chứ cần tiền của con làm gì. Bố mẹ cũng đâu có thiếu thốn gì mà con phải lo. Cứ về thôi là được.

- Dạ, con biết rồi. Mai con về nhé.

Mẹ ừ thật vui vẻ, sau đó cúp máy. Trước khi tiếng tít tít vang lên tôi vẫn nghe tiếng mẹ thông báo với cả nhà rằng tôi sắp về. Tôi thở một hơi dài, thấy nhẹ nhõm thật nhiều.

Tết, chính là để gia đình sum vầy. Chỉ vậy thôi chứ chẳng cần gì hơn cả. Thế nên dẫu thế nào cũng về nhà ăn tết thôi.

Thật may vì luôn có nơi để quay về.

Mời bạn đọc chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online những cảm xúc, trải nghiệm của mình trên đường về quê đón xuân Canh Tý với chủ đề "Đường về quê ăn tết của tôi".

Hãy gửi cho chúng tôi những câu chuyện của chính mình, hoặc bạn trực tiếp chứng kiến dưới dạng bài viết, tin ảnh, clip (chưa được sử dụng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Facebook, các trang mạng khác) theo địa chỉ email: [email protected] từ nay đến 2-2-2020 (mùng 9 tháng giêng).

Trong bài viết, bạn nhớ ghi rõ họ tên, số điện thoại liên lạc và số tài khoản ngân hàng. Mỗi câu chuyện được chọn đăng trên Tuổi Trẻ sẽ được nhận quà lì xì 1 triệu đồng. Chương trình do Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty TNHH Cỏ May là đơn vị đồng hành.

Tuổi Trẻ mong nhận được tin bài của bạn!

'Nói ăn Tết Sài Gòn chán nghe không vô, không rành Tết Sài Gòn rồi nha'

TTO - "Sài Gòn mà quê cái gì, tết Sài Gòn chán lắm". 'Ủa, ăn Tết ở quê Sài Gòn gì kỳ vậy?". Tôi tự ái à nghe. Ai nói Tết ở quê... Sài Gòn chán tôi nghe không vô. Mấy người không rành Tết Sài Gòn rồi nha...

LI PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên