Như đã thông tin: Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thấp, nhưng tỉ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên đã bắt đầu tăng nhanh dẫn đến tình trạng nguy cơ dân số già".
Điều này không chỉ là gánh nặng đối với chính sách an sinh xã hội và hệ thống y tế, mà còn là thách thức của mỗi gia đình.
Góp thêm một góc nhìn về tình trạng này, bạn đọc Thanh Ny có chia sẻ gửi đến Tuổi Trẻ Online.
Tuổi già, bệnh tật cũng ập đến dồn dập
"Khi chúng ta cùng già, bệnh tật cũng ập đến dồn dập…" - ông cậu của tôi cất tiếng thở dài trước người em gái vừa tái khám từ bệnh viện về.
Nhà ngoại tôi có bảy anh chị em, người chị cả qua tuổi bảy mươi sáu, dì út cũng vừa vào ngưỡng sáu mươi.
Họ yêu thương hết mực, bảo bọc nhau hết lòng, thế mà lắm lúc cũng bất lực trút tiếng thở dài bởi gánh nặng tuổi già bủa vây tứ phía.
Khi dì cả tôi phát hiện K (ung thư) dạ dày phải phẫu thuật cách đây hai năm, khoảng thời gian dài đằng đẵng từ ngày dì nhập viện đến khi về nhà đều có anh chị em đỡ đần, con cháu phụ giúp.
Thế rồi dì kế út phát hiện K vú, rồi cậu thứ ba mổ thận thì việc chăm nom, túc trực và hỗ trợ nhau càng ngày càng rối rắm lên.
Ở ngưỡng dốc của tuổi xế chiều, bệnh tật giăng tứ phía khiến không khí đại gia đình cứ nặng trĩu.
Tiểu đường, đại tràng, huyết áp, xương khớp mỗi tháng phải tái khám mấy lượt trong khi con cháu bận bịu với công việc, bận rộn với áp lực cuộc sống nên đâu thể chu toàn việc đón đưa, chờ lượt khám, đợi kết quả.
Lắm lúc áy náy vô cùng nhưng hoàn cảnh đẩy đưa buộc chúng tôi đành nhắm mắt làm ngơ để dì lọc cọc đạp xe đến viện hoặc gọi cuốc xe ôm chở đi khi đôi chân mỏi nhừ.
Trong bảy anh chị em, chỉ có ba người có lương hưu, dẫu khiêm tốn vẫn có điểm tựa để trang trải cuộc sống. Còn lại vẫn vất vả mưu sinh vì cuộc sống riêng tư của con cái còn nhiều khó khăn: người làm nhang, người trông trẻ, người phụ quán cà phê.
Ước mơ tuổi già an yên, vui vầy bên con cháu còn lắm xa vời…
Người thư thả hơn đã luôn cố gắng bảo bọc người túng thiếu, mua cho nhau tấm thẻ bảo hiểm y tế phòng thân, vun vén cho nếp nhà của anh chị em đỡ nhọc nhằn.
Nhưng mọi sự bảo bọc cũng chỉ như muối bỏ biển trước áp lực cuộc sống, gánh nặng bệnh tật…
Hôm rồi mẹ tôi kể với cậu về cảnh nhà của dì kế út: tivi hư, tối nào cũng đạp xe lọc cọc ra nhà chị xem ké; máy giặt hỏng chế độ vắt, quần áo phải vắt tay; con trai có lớn mà chẳng có khôn, chạy Grap bữa đực bữa cái, mê chơi game online đến nỗi nợ tín dụng đen.
Hai mái đầu muối tiêu ở bên kia dốc cuộc đời chỉ có thể chép miệng nén tiếng thở dài, thương em nhưng lực bất tòng tâm…
Thách thức "chưa giàu đã già"
Người dân Việt Nam "chưa giàu đã già" - đối diện với thách thức thời đại này, đã đến lúc chúng ta phải kiên định hơn với nếp nghĩ mới, nếp sống mới: Con cái không phải "tấm thẻ bảo hiểm" lúc ta già nua!
Bên cạnh sự tính toán cẩn trọng để chuẩn bị đầy đủ nền tảng cho cuộc sống ở tuổi xế chiều, thiết nghĩ nước ta cần học tập mô hình chăm sóc người cao tuổi tiên tiến và hiệu quả trên thế giới để hỗ trợ người già sống khỏe, sống chất lượng trong tương lai gần.
Ước mơ của những người già quanh tôi
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến nay, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu.
Trong số đó, có khoảng trên 8 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu nhưng không có lương hưu và trợ cấp hằng tháng. Và vô số người lớn tuổi quanh tôi không có "của để dành" ấy đang hết sức vất vả bươn chải giữa cuộc đời.
Trở lại trường hợp của dì tôi, vốn là công nhân xí nghiệp thuốc lá. Hồi ấy, xí nghiệp giải thể khi chỉ còn khoảng 5 năm là đủ thời hạn tham gia bảo hiểm xã hội được tính lương hưu.
"Lúa non" buộc phải gặt hồi ấy là một khoản tiền kha khá giúp dì sửa nhà và trang trải cuộc sống.
Rời công việc gắn bó bao lâu, dì xoay đủ nghề kiếm sống rồi dừng chân với nghề nhang trầm.
Cái đầu quay cuồng chứng rối loạn tiền đình, tấm lưng nhức mỏi cùng đôi chân thấp khớp cứ nhoi nhói mỗi khi trái gió trở trời khiến dì thỉnh thoảng thốt lên hai tiếng "giá như…".
"Giá như hồi ấy đóng hoàn thành hợp đồng bảo hiểm xã hội thì giờ có lương hưu đỡ vất vả biết bao!".
Câu cảm thán ấy tôi nghe không ít lần mỗi khi dì tôi nhận thấy sức khỏe mình ngày càng xuống dốc đối diện với công việc làm nhang trầm nhọc nhằn và gánh nặng cơm áo gạo tiền dội xuống vai.
Đã trải qua bao gian khó thời tươi trẻ và đối diện với muôn áp lực lúc về già, dì tôi càng thấm thía vô cùng sự quý giá của một chỗ dựa tài chính khi hết tuổi lao động: Chế độ hưu trí.
Không phải giấc mơ cao sang, ước mơ đó rất đời thường, rất thực tế: Có khoản hưu trí và trợ cấp xã hội khi bước vào tuổi già.
Nhưng, với dì tôi, bấy nhiêu đó cũng chỉ là ước mơ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận