06/02/2018 17:17 GMT+7

Con bị ám ảnh chuyện lúc nhỏ, làm sao?

ThS Tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG
ThS Tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG

TTO - 'Nếu cô không xin lỗi cháu thì từ nay cô không được sang nhà cháu', con nói. Tôi và cô H. như chết lặng, vì đã 4 năm, thằng bé vẫn không quên chuyện cũ.

Con bị ám ảnh chuyện lúc nhỏ, làm sao? - Ảnh 1.

Có những tình huống xảy ra khiến trẻ bị ám ảnh nhiều năm, cha mẹ nên quan tâm và tìm cách giúp con vượt qua ám ảnh đó - Ảnh: Shutterstock

Một bà mẹ ở Biên Hòa, Đồng Nai chia sẻ trong trạng thái lúng túng và vẻ bất lực: "Con tôi học lớp 9, cháu rất ghét gia đình cô H. hàng xóm, đến nỗi con cô ấy học chung với nó nó cũng nhất quyết không chơi chung".

Rồi chị kể: "Hồi cháu học lớp 5, cháu cùng các bạn rủ nhau chơi trò trốn tìm. Khi đó cháu trốn trong vườn nhà cô H. Cô ấy nhìn thấy, tưởng là kẻ trộm nên đã hô hoán và lôi cháu ra mắng, còn nói mấy quả mít, quả bí ở nhà bị mất trộm bấy lâu nay là do cháu lấy. 

Cháu khóc và khăng khăng mình không phải thủ phạm, nhưng vì bị bắt trong vườn nhà người ta nên đuối lý. Vợ chồng tôi cũng chỉ biết xin lỗi và bắt cháu hứa với cô H là từ nay sẽ không vào vườn nhà cô H nữa. 

Chúng tôi tưởng vài ngày cháu sẽ quên. Ai ngờ cháu bị ám ảnh tới giờ. Cháu luôn có thái độ tiêu cực mỗi khi nghe nhắc tới cô H và gia đình. Chúng tôi đã phân tích, thuyết phục, giảng giải nhiều lần nhưng cháu càng phản ứng mạnh. 

Gần đây, cô H sang nhà tôi có việc, thằng bé bỗng đi đến trước mặt cô H và nói: Nếu cô không xin lỗi cháu thì từ nay cô không được sang nhà cháu. Tôi và cô H như chết lặng vì đã 4 năm, thằng bé vẫn không quên chuyện cũ".

Nói cho chính xác thì cậu bé bị ám ảnh. Thực ra trong cuộc sống ai cũng có lúc bị ám ảnh, trẻ cũng vậy. Có những ám ảnh khiến trẻ xấu hổ, thiếu tự tin, có những ám ảnh khiến trẻ căm ghét, tức giận, nhất là khi trẻ bị oan ức.

Những ám ảnh đó như những vết hằn tâm lý có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời trẻ, thậm chí làm lệch lạc nhân cách, chi phối tới lối sống, đạo đức của trẻ sau này. Do vậy, giúp trẻ vượt qua những ám ảnh quá khứ là điều vô cùng cần thiết. 

Con bị ám ảnh chuyện lúc nhỏ, làm sao? - Ảnh 2.

Sự gần gũi, chia sẻ của cha mẹ luôn là "món quà" tốt nhất với con trẻ - Ảnh: American Autism Association

Các chuyên gia tâm lý đề xuất 4 biện pháp:

1. Tìm cách giúp trẻ giải quyết dứt điểm, không để trẻ bị oan ức: Trước mỗi tình huống mà trẻ không biết cách giải quyết, cha mẹ phải là người trung gian giúp trẻ tháo gỡ, đừng để trẻ phải chịu oan sai do người lớn gây ra. 

Dù tình huống nào đi nữa, nhất định cha mẹ hãy làm rõ vấn đề. Nếu sự thật con có lỗi, hãy nhẹ nhàng phân tích cho con hiểu và hướng cho con những hành động tích cực, tránh lặp lại sai lầm. 

Còn khi con bị oan, không cớ gì lại nhẫn nhục bắt con phải chịu, điều đó sẽ khiến con càng cảm thấy bị xúc phạm và căm ghét người lớn. Tâm lý của một bộ phận cha mẹ vì sĩ diện, vì không muốn liên luỵ nên trong một số tình huống đã bắt con nhận lỗi dù đó không phải lỗi của con.

2. Thận trọng khi ứng xử với trẻ: Khi nhận xét đánh giá trẻ, người lớn chúng ta hãy cân nhắc, bởi có thể đụng chạm đến lòng tự ái trẻ, khiến trẻ cảm thấy mình bị xúc phạm. 

Cho dù trẻ làm sai, người lớn cũng không được bêu xấu trước nhiều người. Thay vào đó hãy cùng tìm hiểu và phân tích sự việc, phối hợp với cha mẹ trẻ để uốn nắn, giáo dục trẻ. Đặc biệt một số trẻ có hành vi lấy đồ của người khác chỉ vì tính tò mò, hiếu kỳ chứ không phải vì trẻ tham. 

Vì vậy trước mỗi tình huống, chúng ta cần độ lượng, bao dung, không vì nóng giận mà hồ đồ phán xét trẻ một cách phiến diện gây ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển của trẻ.

Những vụ việc trong nước và trên thế giới cho thấy có những học sinh dù đã rời khỏi nhà trường nhiều năm nhưng vẫn quay lại trường để thực hiện hành động trả thù vì cho rằng trước đây thầy cô là nguyên nhân khiến chúng bị đuổi học và hư hỏng.

Con bị ám ảnh chuyện lúc nhỏ, làm sao? - Ảnh 3.

Hãy hướng trẻ đến các hoạt động tích cực, vui khỏe - Ảnh: Playworks

3. Giúp trẻ vượt qua ám ảnh và suy nghĩ tích cực. Nếu trẻ lỡ làm sai, hãy cùng trẻ vượt qua ám ảnh. Kể cho trẻ nghe gương những người đã vượt qua mặc cảm tội lỗi để vươn lên. Nói với con rằng cuộc đời này ai cũng bị vấp ngã, điều quan trọng là biết đứng dậy và bước đi càng vững chắc hơn, đó mới là những người có ý chí. 

Bên cạnh đó, trong gia đình tạo bầu không khí tâm lý thoải mái giữa các thành viên, hướng đến các hoạt động tích cực, vui khỏe để trẻ có cảm thấy cuộc sống thật ý nghĩa và luôn biết phấn đấu, tránh được những suy nghĩ và hành động tiêu cực. 

Trẻ học được cách cân bằng cảm xúc, cân bằng đời sống tâm lý, hướng về những hoạt động tích cực thì những vết hằn trong tâm sẽ phai mờ.

4. Đồng hành với con: Cha mẹ hãy là tấm gương sáng để con noi theo về việc làm chủ cuộc sống, không bị những điều trong quá khứ cản trở cuộc sống ngày hôm nay. 

Khi trẻ đối mặt với những sự việc gợi nhớ những ám ảnh trong quá khứ, cha mẹ hãy đồng cảm với những phản ứng tức thời của con, song phải nhanh chóng giúp con kiểm soát bản thân để có cách ứng xử phù hợp, nhất là trong các mối quan hệ với người lớn tuổi hơn mình. 

Hãy hướng dẫn con rằng dù có dấu ấn không tốt về người đối diện, dù còn những ấm ức trong lòng, nhưng người lịch sự, văn minh sẽ bao dung và không "để bụng" chuyện cũ. 

Trẻ học cách chấp nhận và có kỹ năng ứng xử thích hợp sẽ giúp chúng có cơ hội thành công trong cuộc sống.

ThS Tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên