Đai biểu Vũ Thị Lưu Mai: "Còn bao nhiêu dự án tương tự cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mà chúng ta chưa được biết?" - Ảnh: B.D
Bà Lưu Mai (đại biểu Hà Nội) nhận định tại phiên họp tổ Quốc hội chiều nay 23-10: "Trong tình hình nguồn lực ngân sách còn rất khó khăn thì chúng ta đã ưu tiên vốn để thực hiện các dự án thúc đẩy sự phát triển chung cho cả nước, từng vùng miền. Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa có một con số - thông số nào có thể thể hiện rõ mối liên quan giữa tổng mức đầu tư với hiệu quả tương ứng mà số tiền đã bỏ ra để đầu tư".
"Công nghệ, con người ngày càng thông minh mà tuổi thọ công trình ngày càng ngắn"
Đáng lo hơn, nữ đại biểu này chỉ ra việc nhiều dự án được đầu tư với số tiền không nhỏ, nhưng khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đã sớm bộc lộ câu chuyện chất lượng công trình.
Đại biểu này lấy ví dụ về cao tốc được đầu tư 34.000 tỉ đồng nối TP Đà Nẵng với tỉnh Quảng Ngãi: "Cao tốc này được đầu tư số tiền lớn, nhưng khi xảy ra tình trạng hư hỏng thì chủ đầu tư đưa ra lời giải thích là do thời tiết, do xe cộ..."
Bà Lưu Mai nói cao tốc này chỉ là một ví dụ trực quan, "vậy các dự án mà hiện nay chúng ta chưa được biết, chưa được thấy thì sao?"
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cùng đoàn chia sẻ trăn trở này: "Tại sao hiện nay công nghệ kỹ thuật ngày càng hiện đại, con người càng ngày càng thông minh mà đường sá, công trình xây dựng của đất nước chúng ta thì lại tuổi thọ lại càng ít đi?"
Ông Hiểu còn băn khoăn chuyện quy định, hành lang pháp lý đang tạo ra những rào cản cho doanh nghiệp, người dân. "Nhiều quy định chúng ta có cảm tưởng như đang trói buộc doanh nghiệp, gây khó dễ cho người dân", đại biểu Hà Nội nói.
Đại biểu này cũng bày tỏ nỗi lo rằng kinh tế đời sống đang phát triển, khấm khá lên nhưng người dân bất an về tình trạng xuống cấp, suy đồi về đạo đức lối sống. Ông Hiểu lấy ví dụ về vụ việc mới đây một cô gái trẻ đã vứt đứa trẻ sơ sinh mà cô đã sinh ra tại một tòa nhà chung cư ở Hà Nội để nhận định rằng văn hóa ứng xử trong xã hội khiến người dân lo lắng.
Các ĐBQH thảo luận tổ chiều 23-10 - Ảnh: B.D
Tỉ lệ chi thường xuyên giảm nhưng tổng chi vẫn là gánh nặng
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá các chỉ tiêu mà thời gian qua chúng ta đạt được rất khả quan, tuy nhiên cần nhìn lại mô hình tăng trưởng.
"Chúng ta nhìn thấy tốc độ tăng năng suất lao động thấp hơn so với tốc độ tăng GDP. Nguyên nhân chính là hoạt động kinh tế đang nằm ở khu vực sản xuất có giá trị thấp, phần lớn kinh tế phụ thuộc vào công nghiệp chế tạo chế biến, nằm ở khu vực gia công có giá trị gia tăng thấp", ông Cường nói.
"Nếu cứ dừng lại ở những lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp thế này thì khó để năng suất lao động tăng hơn. Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là phải nghĩ tới cơ cấu nền kinh tế làm sao thay đổi thu hút đầu tư ở những lĩnh vực có giá trị gia tăng nhiều hơn".
Đề cập tới việc tiết kiệm trong chi thường xuyên, đại biểu Cường cho rằng kết quả đạt được là đáng mừng nhưng chi thường xuyên cho vận hành bộ máy hiện vẫn rất lớn, tiết kiệm trong chi thường xuyên chưa đáng kể, hiệu quả chi thường xuyên chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra.
Đại biểu Hà Nội cho rằng, nếu cứ tiếp tục duy trì phân bổ như hiện nay thì không bao giờ giảm được mức chi thường xuyên xuống để đảm bảo chi đúng, chi đủ, chi hiệu quả.
Chính phủ đã tạo lập được môi trường kinh doanh tốt, cương quyết cắt giảm điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên những việc thay đổi mới dừng lại ở Trung ương, khi xuống tới địa phương, các cơ sở, bộ phận tiếp xúc trực tiếp với người dân thì lại không như chủ trương chung. Do đó thời gian tới cần tăng cường hơn nữa việc truy cứu trách nhiệm, xem xét trách nhiệm của cơ quan thực thi chính sách ở cấp dưới, cơ sở.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận