21/05/2010 07:14 GMT+7

Cơn bão Katrina: Cứu ai? Bỏ ai? - Kỳ 2: Thời khắc quyết định

SHERI FINK (Giải Pulitzer năm 2010)
SHERI FINK (Giải Pulitzer năm 2010)

TT - Trung tâm y khoa Memorial là một trong những điểm thấp trong thành phố trũng New Orleans, nằm dưới mực nước biển 1m. Bệnh viện cộng đồng có uy tín này nằm xéo trong một khu nhà nhỏ hình vuông.

Hàng chục năm qua, nó nổi tiếng với cái tên Southern Baptist cho tới khi được Trung tâm y tế Tenet - một chuỗi công ty kinh doanh có trụ sở ở Dallas - mua lại và đổi tên thành Trung tâm y khoa Memorial.

krEeuwpO.jpgPhóng to

Ngày 1-8-2009, bốn năm sau cơn bão Katrina, xe lăn và các thiết bị vẫn nằm trên đường dẫn tới nơi đáp trực thăng tại Trung tâm y tế Memorial - Ảnh: NYT

Kỳ 1:

Giữa vùng trũng này, bức tường vững chãi của bệnh viện từng che chở nhiều thế hệ cư dân địa phương trong bão dữ. Mỗi khi có bão, nhân viên bệnh viện đưa gia đình cùng vật nuôi, bình đựng nước và bánh mì tới.

Cứu!

Bão Katrina tràn tới New Orleans vào những khoảnh khắc đầu tiên của ngày thứ hai, 29-8-2005. Khi ấy, có khoảng 2.000 người đang ngủ trong bệnh viện. Trong số đó có 200 bệnh nhân và 600 nhân viên. Bệnh nhân hét lên sợ hãi khi cửa sổ vỡ tan, cả tòa nhà bắt đầu vặn mình và rung chuyển mạnh.

4g55 sáng, hệ thống điện của thành phố bị cắt. Tivi trong phòng bệnh nhân đã được rút ra. Trung tâm Memorial nhanh chóng trấn an mọi người bằng máy phát điện dự phòng. Nguồn dự phòng này chỉ được sử dụng trong trường hợp cần kích hoạt đèn khẩn cấp ở thiết bị quan trọng và cửa ra mỗi tầng. Hệ thống điều hòa bị tắt.

Đêm đó, nước lũ trên đường rút bớt. Trung tâm Memorial bị nhiều tổn hại nhưng dường như còn có thể chịu được một cơn bão nữa!

Anna Pou là nữ bác sĩ 49 tuổi chuyên hỗ trợ các ca phẫu thuật ung thư cổ và đầu, được đồng nghiệp kính trọng nhờ phẩm chất đạo đức. Bà nhỏ bé và đầy nhiệt huyết, hấp dẫn với màu tóc nâu vàng và sợi dây chuyền ngọc trai. Bà là một người vui tính và hòa đồng, luôn đặt bệnh nhân là trọng tâm trong cuộc sống của mình.

Buổi sáng ngày thứ ba, một ngày sau bão dữ, một y tá gọi bà và hét: “Nhìn kìa!”. Những gì bà thấy bên ngoài cửa sổ thật khó tin: nước đang phun lên từ những rãnh thoát. Nhiều người há hốc mồm khi chứng kiến một hồ nước đen sì kéo theo rác thải từ phía đại lộ South Claborne hướng về bệnh viện.

Những lãnh đạo cao cấp của bệnh viện nhanh chóng nhận thấy mức nguy hiểm khi nước đang dâng. Họ khuyên L.Rene Goux, giám đốc điều hành Trung tâm Memorial, đóng cửa bệnh viện. Cũng như nhiều bệnh viện Mỹ khác khi gặp lũ, công tắc ngắt nguồn điện khẩn cấp của Trung tâm Memorial chỉ cách mặt đất chưa tới 1m khiến rất dễ gặp rắc rối khi nước dâng cao.

Susan Mulderick, nữ điều dưỡng trưởng 54 tuổi, cao to ít nói, chính là người có nhiệm vụ đối phó với các tình huống khẩn cấp. Nhưng trong bản kế hoạch đối phó khủng hoảng 246 trang của bà không hề có một chỉ dẫn nào trong tình trạng cúp điện hoàn toàn, hoặc sơ tán bệnh viện khi đường bị ngập nước.

Do bác sĩ trưởng không có mặt tại bệnh viện nên Richard Deichmann - người phụ trách phòng dược khoa - điều hành hoạt động của các thầy thuốc.

0g28, một nhân viên hành chính Trung tâm Memorial đã gửi email với chữ “Help!!!” (Cứu!) cho các đồng nghiệp tại các bệnh viện thuộc Tenet ngoài khu vực New Orleans, thông báo Memorial cần di tản hơn 180 bệnh nhân.

Cuộc họp khẩn

Cùng thời điểm ấy, Deichmann đã có cuộc gặp với 24 bác sĩ và một số y tá trong căn phòng thực tập điều dưỡng ngột ngạt ở tầng 4 - nơi sau này trở thành trụ sở tác chiến của bệnh viện. Cuộc họp bàn việc sơ tán khỏi bệnh viện. Mọi người nhất trí trẻ sơ sinh, những bà mẹ đang mang thai và những bệnh nhân đang trong tình trạng chăm sóc đặc biệt - có thể gặp nguy hiểm khi nhiệt độ tăng cao - cần phải được ưu tiên đặc biệt.

Sau đó, Deichmann đưa ra một gợi ý không có trong kế hoạch ứng phó với thảm họa của bệnh viện. Ông cho rằng tất cả những bệnh nhân có chỉ thị DNR (không tiếp tục hồi sức) nên được đưa ra sau cùng.

Xin nói thêm, chỉ thị DNR chỉ được ký nếu có sự đồng ý của bệnh nhân hoặc người đại diện ủy quyền sức khỏe. Nó có nghĩa: Nếu bệnh nhân ngừng thở hoặc tim ngừng đập thì không cần cố gắng cứu sống.

Theo luật pháp Louisiana, DNR khác với mong muốn được sống ở chỗ nó cho phép bệnh nhân trong “điều kiện ngặt nghèo và không thể đảo ngược” được yêu cầu hủy bỏ “quá trình duy trì sự sống” của mình.

Nhưng cách đây không lâu, Deichmann nói với tôi (tác giả) rằng ông có cách hiểu khác. Ông nói những bệnh nhân DNR đều là những người đang ở giai đoạn cuối cuộc đời và sức khỏe không thể đảo ngược được, và ở Memorial, ông tin rằng họ nên là những người cuối cùng được di tản, bởi họ sẽ “mất mát ít nhất” so với những bệnh nhân khác.

Một vài bác sĩ khác trong cuộc họp đã đồng tình với kế hoạch này của Deichmann. Bill Armington, chuyên viên chụp X-quang, nói với tôi rằng anh nghĩ những bệnh nhân có chỉ thị DNR là những người đã không mong muốn cuộc sống của mình kéo dài thêm bằng các biện pháp can thiệp khác thường, hẳn sẽ không muốn họ được cứu mà những người khác phải trả giá.

Tại thời điểm đó, những người tham dự cuộc họp đều không cho đó là một quyết định rất quan trọng vì trong cứu hộ, người ta luôn muốn di tản tất cả mọi người chỉ trong vài giờ.

Có một điều quan trọng khác đã không được nhắc tới tại cuộc họp đó: nhiều năm nay, một công ty chăm sóc sức khỏe tên LifeCare (tạm dịch: Giữ gìn sự sống) tại New Orleans đã thuê tầng 7 của Trung tâm y khoa Memorial. LifeCare đã xây dựng “một bệnh viện trong bệnh viện”, phục vụ những bệnh nhân đặc biệt nguy kịch hoặc cần chăm sóc 24/24 giờ với liệu pháp đặc biệt trong thời gian dài.

LifeCare nổi tiếng vì đã giúp phục hồi bệnh nhân bằng máy thở cho đến khi họ có thể tự thở được. Đơn vị có 82 giường bệnh, có một hệ thống bác sĩ riêng, mà phần lớn đều làm việc ở Trung tâm Memorial. Họ cũng có đội ngũ hành chính, y tá, dược sĩ và đơn vị cung ứng thiết bị. LifeCare cũng có triết lý hoạt động riêng của mình: họ giới thiệu một loạt công nghiệp hiện đại để níu giữ sự sống của những bệnh nhân cao tuổi và bệnh tật. Hơn 52 bệnh nhân ở LifeCare bị bệnh liệt giường hoặc cần máy thở.

Vào buổi chiều, trực thăng của đội phòng vệ bờ biển và các công ty cấp cứu tư nhân bắt đầu hạ cánh trên đỉnh gara tám tầng sát bên bệnh viện. Các phi công tỏ ra mất kiên nhẫn vì có đến hàng ngàn người cần cứu giúp khắp thành phố. Đường dây liên lạc vang lên những tiếng hét: “Chuyển bệnh nhanh lên, trực thăng đang chờ!”.

Một đoàn bác sĩ, y tá đưa những bệnh nhân xuống cầu thang tới chái bệnh viện. Chiếc thang máy cuối cùng còn hoạt động sẽ đem họ đến tầng 2. Bệnh nhân sẽ được chuyển sang cáng và mang qua cánh cửa phòng thiết bị rộng chưa được 1m để tới gara.

Người ta đặt các bệnh nhân đằng sau những chiếc xe chở hàng rồi chở tới đỉnh gara, nơi trực thăng đang chờ...

__________

Tại LifeCare điện từ máy phát dự phòng hết. Người ta chuyển máy thở và các loại máy hỗ trợ bệnh nhân sang nguồn pin dự trữ. Nửa tiếng sau, pin kêu tít tít báo hiệu cạn kiệt. Bệnh nhân nguy kịch bắt đầu thấy ngay hậu quả...

Kỳ tới: Bên trong nơi “Giữ gìn sự sống”

SHERI FINK (Giải Pulitzer năm 2010)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên