Chương nhạc chia làm ba phần, ứng với ba bài sonnet, từ phần allegro non molto (sôi nổi) gợi ra một bầu không khí bình yên nhưng đã nghe vang vọng những bất an và run rẩy của người chăn gia súc, đến phần adagio e piano (chậm rãi) là khoảng lặng trước cơn bão dữ và kéo vào phần cuối presto (rất nhanh) khi cơn bão đến miền quê với sấm chớp thét gào.
Tiếng violin dồn dập như ngàn trận gió quất, mưa dông quét sạch mọi thứ trên đường đi của nó.
Sự thay đổi âm lượng đột ngột dấy lên trong ta nỗi hoảng hồn trước cơn giận dữ áp đảo của trận phong ba. Ta nghe phần presto, không khỏi kinh sợ trước sự hủy diệt vô song của thiên nhiên.
Yêu những miền quê, suốt cả cuộc đời Beethoven thường lui về lánh mình trong những chốn điền viên. Nhưng điền viên nào chỉ có thơ mộng và nhàn du.
Nghe Giao hưởng đồng quê hay bản giao hưởng số 6 của nhà soạn nhạc người Đức, ông mới đầu dẫn ta vào một thế giới êm ả với tiếng suối reo, tiếng chim ca, với những thanh âm tươi sáng ngọt ngào biết nhường nào.
Nhưng chỉ ba chương đầu thôi! Đến chương thứ 4, Gewitter, Sturm (Bão tố), một cơn bão tức thì nổi lên, bất thình lình không hề báo trước. Tiếng timpani mô phỏng cho tiếng sấm giật đùng đoàng quật vào tai ta, những đoạn chạy ngón trên violin như cơn mưa ào ào xối xả.
Nhưng không chỉ những nhà soạn nhạc cổ điển mới tìm cách chiết những cơn dông bão mưa mòng vào tác phẩm của mình. Người ta vẫn bảo ca khúc kinh điển A Hard Rain's a-Gonna Fall của Bob Dylan là một ẩn dụ về mưa bụi phóng xạ.
Bob Dylan - A Hard Rain's A-Gonna Fall (Official Audio)
Ấy vậy mà nhạc sĩ cự tuyệt diễn giải ấy. Ông bảo ca khúc chỉ nói về một cơn mưa rất lớn. Và lời bài hát dài tới tận 66 câu, câu nào cũng dài, dường như cũng góp phần tạo nên cái âm hưởng của một trận mưa tưởng chừng không bao giờ kết thúc.
Cơn mưa tầm tã ấy làm thay đổi diện mạo thế giới và trong cơn mưa hiện ra muôn mặt khổ nạn của thế gian: đứa trẻ bên con ngựa chết, cô thiếu nữ chết thiêu, những linh hồn bị lãng quên, những nhà thơ chết gục nơi máng xối, anh hề nức nở trong thung lũng, những cành cây nhỏ máu thẫm đen, những em bé tay cầm kiếm…
Những ẩn dụ mở ra đến vô biên, mời gọi vô vàn diễn giải tới tận hôm nay, khiến cho bản thân bài hát giống như một trận mưa vắt qua thế kỷ.
Thế nhưng, trong toàn bộ bầu không khí thi ca bi ám ấy, ở phần gần cuối vẫn có một hình ảnh mang đầy hy vọng: nhân vật trữ tình gặp một cô gái trẻ và được nàng tặng cho áng cầu vồng.
Bão tố chưa bao giờ là cái kết. Ta nghe Giao hưởng đồng quê của Beethoven, chương bão tố qua đi, chương cuối lại là bài ca của người chăn chiên đầy tươi tỉnh và ngập đầy biết ơn khi mưa lặng mây tan, trời lại hửng sáng.
Có điều, niềm vui nơi đây không giống như những niềm hoan ca nhẹ bẫng nơi các chương đầu.
Ở chương thứ 5, niềm vui không phải niềm vui nghiễm nhiên sẵn có mà là một niềm vui hậu mất mát, một niềm vui thâm trầm hơn, khiêm cung hơn khi ta đã tường tận về những thăng trầm của cuộc đời.
Cũng như thế, Giao hưởng bốn mùa của Vivaldi có kết thúc ở cơn bão mùa hè đâu? Hè qua rồi thu lại tới.
Bão tan, âm nhạc liền mở ra một không gian lễ hội mừng mùa thu hoạch của những người nông dân nhảy múa, uống rượu nho, rồi khi đã mệt nhoài thì trở về nhà đi ngủ ở phần allegro chương Mùa thu.
Cứ như vậy, thiên nhiên là vòng tuần hoàn bất tận, với sự xoay tròn của cuộc sống - cái chết, hủy diệt - tái sinh. Để những gì đã mất rồi sẽ tìm cách quay trở lại, dù có thể trong một hình dáng khác.
Một thế lực không thể cản phá như vậy, từ hàng trăm năm qua bão đã là chủ đề cho rất nhiều kiệt tác âm nhạc.
Có lẽ bởi những hiện tượng lớn lao chỉ có thể được diễn tả bằng thứ âm nhạc không nhỏ bé.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận