Còn 200 bước mới đủ chỉ tiêu…

YÊN LAM 25/05/2022 01:05 GMT+7

TTCT - Một nhánh của wearables là các thiết bị theo dõi việc tập thể dục thể thao. Đây có thể là công cụ hữu ích cho việc quản lý sức khỏe và luyện tập, nhưng chỉ khi chúng tạo được dữ liệu chính xác và tin cậy, còn bản thân người dùng phải tỉnh táo trước các con số.

 
 Ảnh: considerable.com

Việc đặt ra các mục tiêu hoàn toàn xoay quanh những con số - số bước chân mỗi ngày, số bậc đã leo, quãng đường đã đạp xe/chạy bộ, nhịp tim… rồi theo dõi từng chỉ số sẽ gây phản tác dụng: chuyện tập thể dục và rèn luyện trở thành cuộc chạy theo các con số thay vì lắng nghe cơ thể, ganh đua thành tích với người khác thay vì vượt qua chính mình. Và tai hại nhất là điều chỉnh khối lượng luyện tập, vận động dựa theo dữ liệu không chính xác.

Ám ảnh với số liệu

Nhà báo tài chính và người dẫn chương trình truyền hình người Anh Martin Lewis dù rất bận rộn với công việc, nhưng không bao giờ quên đếm số bước đã đi mỗi ngày. “Chưa có ngày nào tôi đi dưới 10.000 bước trong 3 năm qua. Nhưng nói thật là nếu đi chỉ 10.000 bước thì tôi thấy không vui. Mức trung bình của tôi là gần 25.000” - Lewis nói với The Guardian tháng 11-2019.

Năm nay 50 tuổi, Lewis là người theo trào lưu “”. Ông cho rằng việc ám ảnh với số bước chân thực sự giúp mình giảm cân và giảm các triệu chứng của hội chứng RSI (đau cơ, dây thần kinh và gân do vận động lặp đi lặp lại và hoạt động quá mức). Lewis và một người bạn cùng theo trào lưu này cạnh tranh nhau đến mức sẵn sàng đi bộ vòng quanh sofa trong nhà để có thể thắng người kia trên bảng xếp hạng thành tích đi bộ mỗi ngày. 

Tuy vậy, Lewis biết rõ mình đang làm gì. Năm 2017, dù mỗi ngày đi trên 25.000 bước khỏe re, ông đã chủ động giảm mục tiêu. “Tôi biết đây là chứng ám ảnh nhưng không phải nghiện. Tôi chủ động chọn không chấm dứt ám ảnh đó vì tôi nghĩ đó là ám ảnh lành mạnh” - Lewis nói.

Không phải ai cũng chủ động và tỉnh táo như thế. Tiến sĩ Josie Perry, một chuyên gia tâm lý thể thao, cho biết một khách hàng của cô đã bị các con số quật ngã. Đó là một nữ vận động viên bắt đầu chạy lại sau khi nghỉ chấn thương. “Ngày trở lại, cô ấy yêu từng giây của buổi chạy dọc con sông vào một buổi sáng đẹp trời. Cô ấy tải thành tích lên Strava và rồi thấy em mình chạy xa hơn, bạn mình lại chạy nhanh hơn. Vậy là cô ấy cảm thấy thất bại, mọi niềm vui mới đó bị xóa sạch” - Perry kể với The Guardian.

Không nghe cơ thể mà chăm chăm nhìn số

“Với tập thể dục, mọi thứ đều có thể đo đếm: số calori đã đốt, số vòng đã đi, tốc độ, nhịp độ khi chạy… Nếu hôm qua bạn chạy được 5km, hôm nay bạn sẽ không muốn đạt thành tích thấp hơn. Mọi việc thành ra mang tính cưỡng chế” - Leslie Sim, chuyên gia tâm lý Trung tâm y khoa Mayor Clinic, nhận xét. Vì ám ảnh thành tích, việc tập thể dục và chơi thể thao lại thành ra một thứ giống như công việc hay nghĩa vụ, làm giảm cả niềm vui lẫn động lực, theo một nghiên cứu năm 2016 trên tập san Journal of Consumer Research. Ngay cả khi mệt mỏi và lẽ ra phải nghỉ ngơi, ta vẫn tiếp tục luyện tập chỉ để đạt các con số thay vì sức khỏe.

Một tác hại khác của chứng nghiện các con số là ta cứ chăm chăm nhìn ngó thiết bị khi luyện tập và để các dữ liệu ngồn ngộn lấn át các trạng thái tự nhiên của việc vận động như cảm giác hưng phấn khi chạy bộ hay cảm giác “vào guồng” khi tập thể dục.

Ngoài ra, mặc dù các thiết bị đeo có thể ghi nhận mọi chỉ số và các app đi kèm có thể bày ra trước mắt ta các con số, biểu đồ đầy màu sắc, những dữ liệu này không phải lúc nào cũng chính xác và chúng cũng không bao quát hết những yếu tố “ẩn” liên quan đến người đang vận động - chẳng hạn tâm trạng không tốt, cơ thể còn mệt vì tiệc tùng tối hôm trước, bệnh nền, tình trạng sức khỏe...

Nhưng ngay cả khi chỉ xét đến các chỉ số như số bước chân, tốc độ, nhịp tim… tính chính xác của chúng vẫn là chuyện còn phải bàn. “Thực tế phũ phàng là không có quy định nào bắt buộc các nhà sản xuất thiết bị phải nâng chuẩn dữ liệu đầu ra của họ tương tự các tiêu chuẩn của thiết bị y tế, dẫn đến khác biệt về minh bạch dữ liệu giữa các thiết bị wearables” - chuyên gia sinh lý học vận động Kevin Longoria nói với tạp chí Women’s Running.

Một nghiên cứu năm 2020, phân tích kết quả từ 158 nghiên cứu khác cho thấy trong điều kiện phòng thí nghiệm, các thiết bị của Fitbit, Apple và Samsung đếm số bước chân chính xác; việc đo nhịp tim có khác biệt - Apple Watch và Garmin chính xác nhất, trong khi Fitbit có xu hướng đo thấp hơn số thực; về đo lượng calori tiêu thụ thì không thương hiệu nào thực sự chính xác. Một nghiên cứu trên tạp chí International Journal of Geographical Information Science năm 2016 cho rằng các ứng dụng theo dõi vận động thường ghi nhận quãng đường đi được xa hơn thực tế.

Cuối cùng, khi quá chú trọng các con số, ta có thể có cảm giác lo lắng, bất an, thậm chí sợ hãi mỗi khi bước vào lần luyện tập kế tiếp, theo nghiên cứu năm 2020 của Đại học Copenhagen.

Vậy làm thế nào cho đúng?

Dĩ nhiên việc theo dõi các hoạt động tập luyện không hoàn toàn vô nghĩa. Một nghiên cứu trên tạp chí British Journal of Sports Medicine tháng 12-2020 cho biết những người sử dụng ứng dụng theo dõi vận động đi thêm trung bình 1.850 bước mỗi ngày so với người không sử dụng. Vấn đề là phải biết tận dụng dữ liệu đúng cách.

“Dữ liệu có giá trị, nhưng người dùng wearables không nên tin tưởng một cách mù quáng vào những con số này và bỏ qua trực giác của họ. Các cảm biến trên thiết bị dùng để theo dõi và ghi nhận phản ứng của vận động viên chứ không phải điều khiển quá trình luyện tập của họ. Theo dõi dữ liệu của bạn, nhưng đừng coi đó là tối thượng” - Longoria nói.

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý thể thao Angie Winter, có thể kết hợp dữ liệu khách quan của các thiết bị và ứng dụng với việc tự theo dõi phản ứng của cơ thể. Ngoài ra có thể ghi nhật ký tập luyện để có thêm thông tin nền, bổ sung cho các số liệu từ thiết bị.

Tóm lại, việc các thiết bị wearables ngày càng được cải tiến là điều không thể phủ nhận, song chúng chỉ là công cụ hữu ích nếu được sử dụng đúng cách. Mỗi cá nhân cần phải tỉnh táo với các con số và không trở thành “nô lệ” của bất kỳ thiết bị hay ứng dụng nào. “Nếu bạn đang dành quá nhiều thời gian xem xét ý nghĩa của các con số trong ứng dụng theo dõi vận động, có lẽ đã đến lúc bớt chú ý đến đồng hồ thông minh và quan tâm hơn đến điều mà cơ thể muốn nói với bạn” - trang web chuyên về sức khỏe Verywellmind gợi ý.

Women’s Running cũng đưa ra lời khuyên tương tự: “Hãy nhớ rằng bạn hiểu rõ cơ thể mình hơn bất kỳ máy tính nào. Cứ sử dụng wearables trong quá trình luyện tập, nhưng hãy chú ý hơn đến cảm giác của bạn và cách mà lối sống của bạn ảnh hưởng đến chuyện tập luyện”. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận