Trước cửa quán, chủ quán đặt sẵn chiếc bàn, trên đó có thùng nhựa đựng cơm và trà đá miễn phí. Sợ mọi người chưa biết tới cơm treo, quán còn dán thêm mấy tấm bảng từ thùng đến gốc cây bên cạnh: "Cơm treo. Gửi tới cô chú anh chị khó khăn. Nếu có thì hãy lấy dùng ạ. Chúc cô chú anh chị ăn ngon miệng".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Hiếu cho biết mô hình cơm treo được quán của bạn trên đường Lê Văn Việt, TP Thủ Đức (TP.HCM) thực hiện được 2 ngày. Khuya 29-5, quán đã trao được 3 phần cơm miễn phí cho tài xế xe công nghệ, người bán ve chai, vé số.
"Nhìn các hoàn cảnh như thế, sinh viên như tụi em thấy rất thương. Tối đó, khi họp nghe chủ quán nói cần vài bạn phụ 2 tiếng ngồi canh thùng cơm, đừng để thùng cơm bị thiếu, tụi em nói ngay: 'Này là tụi em giúp sức, anh chị khỏi tính công'. Tuy tụi em là sinh viên chưa có nhiều tiền nhưng vẫn muốn góp một phần nào đó để giúp mô hình cơm treo được nhân rộng", Hiếu nói.
Cơm treo tại quán được hoạt động vào 2 khung giờ: Trưa từ 11h - 13h. Chiều 17h - 19h. Phần cơm ở quán này cũng rất đa dạng. Lúc thì cơm sườn, lúc thì cơm gà, tùy thuộc vào lúc đó quán có sẵn món gì.
Các bạn nhân viên tinh tế không để quá nhiều hộp cơm trong thùng vì sợ để ngoài trời cơm sẽ nhanh hư. Mỗi lần, họ chỉ bỏ vô 1-2 hộp. Các nhân viên sẽ thay nhau ngó nghiêng xem có khách nào đến nhận cơm. Nếu hết cơm mà trong bếp vẫn chưa làm kịp, các bạn sẽ chủ động mời khách vào bên trong ngồi cho mát.
"Chỉ làm khoảng vài phút là đã có phần cơm rồi. Vì thế cơm rất nóng sốt. Cơm treo tặng cho khách sao thì tụi em cũng bán như vậy. Các bạn nhân viên cũng ăn cơm của quán, mỗi ngày 1-2 bữa. Suất cơm nào cũng ngon, cũng chất lượng. Thế nhưng trời nắng nóng, cơm sẽ hư nhanh. Nếu hư, tụi em sẽ bỏ hết, không bán hay phát cho khách đâu. Cơm để tầm 3 tiếng là đã có mùi khó chịu rồi", anh nhân viên chia sẻ.
Thấy có thùng cơm treo miễn phí và nước trà đá cũng không tốn tiền, chú Trần Đức Chinh (70 tuổi, sống tại TP Thủ Đức, tài xế xe ôm công nghệ) tấp xe vào ngay. Chú mở thùng cơm, lấy hộp cơm còn nóng hổi do mới đem ra từ bếp.
"Trước giờ tôi toàn lấy cơm từ thiện ở chùa hay gần bệnh viện. Nay biết được thùng cơm miễn phí gần nhà, tôi vui lắm vì trưa nay đỡ tốn tiền. Tôi mong có thật nhiều thùng cơm như thế tại TP.HCM để những người tài xế hay khó khăn cũng có cơm ăn miễn phí", chú nói.
Chủ quán là anh Huỳnh Tấn Minh (36 tuổi, sống tại TP.HCM) cho biết mô hình cơm treo này được xuất phát từ Canada. Tại đây, khách sẽ trả tiền trước để mời một người xa lạ không đủ tiền mua một ly cà phê. Tâm đắc ý tưởng này, anh tình cờ xem một video trên TikTok về một quán cơm tại TP.HCM cũng thực hiện "cơm treo" giúp người khác.
Anh chợt nghĩ anh cũng có quán cơm, có thể triển khai mô hình này. "Tôi chứng kiến rất nhiều người khó khăn đi ngang qua đây, nên muốn đóng góp chút gì đó. Trước mắt, mỗi ngày tôi ủng hộ 10 phần và rủ thêm bạn bè ủng hộ.
Tôi bảo với mấy bé nhân viên là đi đường thấy ai khó khăn, cứ rủ rê họ ghé quán lấy cơm. Hai vợ chồng tôi cũng vậy. Ngày 1, ngày 2 tuy những người khó khăn chưa biết tới nhiều nhưng tôi nghĩ cứ đi ngang qua dần dần họ cũng sẽ chú ý đến bảng hiệu thôi", anh nói.
Trước đó, chị Trúc Mai (vợ anh Minh) đã làm "hamburger treo" cho người khó khăn. Thấy học sinh, người bán vé số… đi ngang qua, chị ngoắc vô hỏi: "Ăn hamburger không, tôi làm cho miễn phí?".
Sau khi đưa phần hamburger, chị còn bỏ nhỏ: "Mốt không có cô ở đây, con cứ đến nói Hamburger của cô Mai là mấy cô chú nhân viên đưa cho nha. Không lấy tiền đâu, đừng ngại".
Mở quán cơm được 3 năm, hai vợ chồng anh Tấn Minh còn làm buffet miễn phí cho mọi người được hơn 1 năm rưỡi. Ban đầu, anh chị làm tấm thẻ ghi: Sinh viên khó khăn cứ báo, quán tặng cơm miễn phí. Tuy nhiên, cả 1 năm chẳng có sinh viên nào chịu liên hệ. Vì vậy họ quyết định làm buffet miễn phí.
Ở đây có cơm, canh, kem, tráng miệng hoàn toàn miễn phí. Nhiều bạn bảo: "Cơm nhiều quá, em ăn no tới chiều". Vì thế, khi mở thêm mô hình cơm treo, anh chị dặn dò nhân viên hôm nào có buffet thì mời khách vô quán ăn luôn, vì còn nhiều người chưa biết quán mình mời miễn phí.
"Tôi được truyền cảm hứng từ cô tôi. Cô hay đi phát cơm tại bệnh viện, mỗi tháng vài lần. Chẳng cần treo bảng cơm treo, cơm từ thiện gì cả, mọi người cũng ùa tới ăn. Tôi hy vọng mọi người sẽ biết thêm tới thùng cơm này để không ai còn bị đói bụng", anh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận