Đề tài này người viết thực hiện sau khi đọc về trải nghiệm 2 tiệm cơm tấm mà anh Tân Nhân, admin diễn đàn Saigon Dining Guide viết.
Cơm tấm là món ăn sáng "ruột" của nhiều người dân Sài Gòn. Một đĩa cơm tấm đầy đủ thường có các topping sườn, bì, chả, đồ chua...
Đĩa cơm tấm sườn, bì, chả gần gũi với người Sài Gòn đến nỗi mà họ có thể gọi trại đi theo một cách hài hước là: "Cho một đĩa sà bì chưởng". Mỗi lần gọi như vậy thì cả thực khách và chủ quán đều ngầm hiểu ý.
Ngoài "sà bì chưởng", cơm tấm ở Sài Gòn còn có nhiều biến tấu đặc biệt nữa. Đó là cơm tấm mai cua (hoặc cơm tấm chả cua).
Tuổi Trẻ Online đi tìm vị của món ăn này ở 2 tiệm lâu đời đều nằm gần chợ Tân Định, quận 1.
Cơm tấm Hiền Vương nhồi chả vào chiếc mai cua
Nằm đối diện công viên Lê Văn Tám và trên con đường Võ Thị Sáu luôn tấp nập người qua lại nhưng cơm tấm Hiền Vương lại có phần hơi khó nhận diện khi nằm lọt thỏm xung quanh các tiệm quần áo, thời trang, mỹ phẩm...
Tuổi Trẻ Online ghé quán vào khoảng 8h sáng. Quán bài trí đơn giản và không quá đông khách.
Nghe vị khách nữ ngồi bàn bên hỏi chuyện bán buôn trong và sau dịp Quốc khánh 2-9, chủ quán than bây giờ bán chậm, chứ không còn như xưa.
Nhưng khi hỏi đến lịch sử của quán cơm tấm, giọng nói của ông chủ đã bước vào độ trung niên vẫn không giấu được niềm tự hào. Ông vẫn luôn nhớ lời dặn của nội khi còn sống: "Không được dẹp tiệm cơm, dù bất cứ giá nào".
Chủ quán kể cơm tấm Hiền Vương có mặt ở đất Sài Gòn từ năm 1956, thời Pháp thuộc. Tiệm tồn tại lâu, lâu đến nỗi đã chứng kiến nhiều cuộc đổi tên của con đường Võ Thị Sáu: từ Mayer La Reynière, Hiền Vương và cuối cùng là Võ Thị Sáu.
Những người khách "quen, cũ, xưa" thường gọi nơi đây là cơm tấm Hiền Vương, còn người mới ghé qua thì gọi là cơm tấm 114 Võ Thị Sáu.
Ngoài cơm tấm sườn, bì, chả đã quá quen thuộc thì món chả cua ở đây khá đặc biệt. Chả cua từ thịt băm nhuyễn, trộn đều với thịt cua xé và nhồi vào chiếc mai cua.
Đây là món bắt nguồn từ ẩm thực châu Âu, người ta thường gọi là "chả cua farci", "stuffed crab" (tạm dịch: cua nhồi).
Nếm thử chả cua của cơm tấm Hiền Vương vẫn chưa cảm nhận rõ được vị thịt cua ngọt lịm. Chả cua lại có phần hơi khô.
Còn miếng sườn được nêm đậm đà nhưng không giòn vì là sườn ram chứ không phải là sườn nướng.
Một phần đầy đủ gồm: sườn, bì, chả, trứng, chả cua farci có giá 140.000 đồng.
Nhiều thực khách cho rằng mức giá này khá đắt đỏ với một đĩa cơm tấm, trong khi hương vị thì không quá đặc sắc.
Cơm tấm chả cua Nguyễn Phi Khanh, khách than giá cao quá!
Cách cơm tấm Hiền Vương không xa, cơm tấm chả cua Nguyễn Phi Khanh cũng nằm lặng lẽ trên con đường Nguyễn Phi Khanh, phường Tân Định, quận 1. Quán sơn màu vàng hoài cổ và không trưng biển hiệu rầm rộ.
Không gian quán nhỏ và lúc nào cũng đông khách.
Chả cua ở đây không được nhồi vào chiếc mai cua. Tuy nhiên, miếng chả có vị mềm, mọng nước và đậm đà hơn so với cơm tấm Hiền Vương.
Chị C.K. cho Tuổi Trẻ Online biết chị từng ghé tiệm ăn từ năm 2006. Theo chị, đĩa cơm tấm chả cua Nguyễn Phi Khanh "đắt dần theo thời gian":
"Năm 2006, đĩa cơm ở đây khoảng 30.000 đến 35.000 đồng một đĩa. Năm 2022, tôi cũng ghé tiệm và gọi phần đầy đủ với giá 120.000 đồng. Sau 2 năm thì quán tăng lên khoảng 160.000 đồng, một đĩa đầy đủ kèm một chén cơm thêm".
Gia đình chị C.K. đến tiệm từ lúc 9h sáng. Chị phải chờ hơn 1 tiếng để được thưởng thức cơm ở đây.
Đĩa cơm tấm đầy đủ của quán cơm tấm chả cua Nguyễn Phi Khanh có giá xấp xỉ 160.000 đồng - Ảnh: C.K.
"Tôi cảm nhận hạt cơm bị khô, cứng, không còn dẻo. Vị chả không còn ngon như xưa. Với tôi thì không đáng bỏ tiền. Có lẽ, mỗi năm tôi chỉ ghé lại đây một lần" - chị C.K. chia sẻ.
Tương tự chị C.K., nhiều bài đánh giá tiệm cơm trên Google do Tuổi Trẻ Online ghi nhận cũng "sốc" với giá cả của quán.
Thực khách Thi Pham bình luận: "Mình kêu 1 đĩa cơm sườn, 1 đĩa cơm chả, cua và 1 ly trà đá mà hết 142.000 đồng. Giá cả quá mắc so với chất lượng. Quán nhỏ, mình để xe kế bên tốn 5.000 đồng nữa.
Cơm ít, sườn nướng vị bình thường. Chả với chả cua tạm ổn chứ cũng không quá đặc biệt. Quán có menu nhưng không để giá rõ ràng, chỉ ghi tên món ăn. Tóm lại không xứng đáng với giá tiền bỏ ra".
Cả hai quán cơm tấm Hiền Vương và cơm tấm Nguyễn Phi Khanh đều mở cửa từ sáng sớm đến khoảng 1h trưa, thường phục vụ bữa sáng cho những người đi chợ hoặc đi làm sớm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận