Cơm rượu sôi động ngày Tết Đoan ngọ
Đi đường những ngày này dễ dàng bắt gặp cảnh những sạp bày bán cơm rượu có ở khắp nơi. Từ những hàng đồ ăn nhỏ xíu trong các con hẻm cho đến các quầy chè nổi tiếng trong các khu Chợ Lớn, TP.HCM.
Dọc các tuyến đường Phạm Văn Đồng hay Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), những hàng xôi chè vỉa hè cũng gánh thêm vài bịch cơm rượu để bán kèm. Người bán đựng cơm rượu vào từng hộp, túi với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/phần, loại cơm rượu nếp cẩm màu sắc bắt mắt thì giá sẽ nhỉnh hơn đôi chút.
Nồng độ cồn vẫn là câu chuyện chưa bao giờ hết "hot", ngoài bia rượu, mùng 5-5 này còn có thêm cơm rượu là loại thực phẩm dễ khiến người dùng bị phạt khi tham gia giao thông.
Ăn sao cho an toàn?
BS Lâm Vĩnh Niên, trưởng khoa dinh dưỡng - tiết chế BV Đại học Y Dược TPHCM, cho biết cơm rượu là thực phẩm có cồn, khi dùng sẽ xuất hiện nồng độ cồn trong máu và hơi thở. Tuy vậy, cho đến nay chưa có số liệu cụ thể về lượng cồn có trong cơm rượu.
"Ngoài ra, khả năng chuyển hóa cồn trong mỗi người cũng khác nhau. Tương tự với những trường hợp sử dụng rượu bia ở mức độ vừa phải, cơ thể cần đến khoảng 24 giờ để không còn cồn đo được trong hơi thở", BS Niên nói thêm.
Cũng theo BS Niên, cơm rượu có nhiều chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa, tim mạch; chứa chất chống oxy hóa, vitamin nhóm B, sắt...
Giá trị dinh dưỡng càng cao nếu nguyên liệu sử dụng là gạo nếp lứt. Tuy nhiên, chỉ nên ăn cơm rượu ở một định lượng an toàn, tránh dẫn đến biểu hiện khó chịu của cơ thể như buồn nôn hoặc bị say rượu.
"Vi khuẩn và nấm mốc có hại có thể phát triển trong quá trình lên men cơm rượu, hình thành các chất có hại cho cơ thể, gây ngộ độc thực phẩm. Do vậy, nguyên tắc chung là cơm rượu đã được lên men đến mức dùng được chúng ta nên sử dụng ngay. Cần bảo quản ngăn mát tủ lạnh nếu muốn sử dụng lâu hơn", BS Niên khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận