09/01/2010 06:04 GMT+7

Cơm nhà giữ "lửa" tổ ấm

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Bữa cơm gia đình đang thiếu vắng dần trong các gia đình đô thị. Vì sức ép của công việc là lý do thường nghe. Nhưng theo các chuyên gia tâm lý, “nếp sống mới” này còn bắt nguồn từ tính cá nhân quá đà.

S1VbKg1O.jpgPhóng to
Bữa cơm gia đình nối kết các thành viên trong tổ ấm - Ảnh: T.T.D.

Buổi “giao ban” nội bộ vắng lặng!

Ăn hàng quán ở mức độ nào đó có thể biểu hiện một mức sống cao, nhưng nếu duy trì thường xuyên, mối quan hệ gia đình sẽ trở nên lỏng lẻo, bất an.

Chị Trần Thanh Mai (28 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể bữa cơm gia đình chị ngày càng hiu hắt khi ngày nào cũng thiếu người nọ, vắng người kia. Thời gian đầu khi về làm dâu chị chăm chỉ nấu nướng, nhưng ngày nào cũng phải chờ quá bữa, ăn mất ngon. “Giờ có “kinh nghiệm” rồi thì cả nhà ăn chung một, hai bữa cuối tuần cũng là... lý tưởng(?!)” - chị Mai bộc bạch.

PGS.TS tâm lý học Nguyễn Hồi Loan (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay bữa cơm gia đình mỗi ngày phản ánh rõ nét màu sắc văn hóa Việt: mọi thứ được bày ra là của chung, mọi người trong gia đình cùng hưởng. Nó được xem là buổi “giao ban” nội bộ để bố mẹ, con cái, vợ chồng chia sẻ những niềm vui, khúc mắc trong cuộc sống, tìm lời khuyên và hướng giải quyết. Sự thiếu vắng bữa ăn chung chính là biểu hiện của sự thiếu hụt văn hóa truyền thống trong mỗi gia đình.

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan đặc biệt lưu tâm đến gia đình trẻ - những mô hình gia đình mới trong các đô thị, mà mối quan hệ thường ở quy mô 1-2 thế hệ hoặc chỉ vợ chồng son, hoặc kèm thêm con cái. “Nhìn vào bữa cơm có thể thấy rõ được bầu không khí gia đình, mối quan hệ giữa các thành viên lỏng lẻo hay sâu đậm. Đó là nơi để giãi bày, lấy lại cân bằng trong một cuộc sống nhiều bon chen. Tự cắt nó đi trong thời khóa biểu cũng đồng nghĩa tự đánh mất cơ hội được bù đắp, sẻ chia” - TS Loan giải thích.

Ông Chu Kim Khôi, phó giám đốc Công ty thương mại Long Việt (Hà Nội), chia sẻ có lần ông đã rất bất ngờ khi một nhân viên hết sức năng nổ của công ty đề nghị xin chuyển việc với lý do: “Bà xã buộc em phải đổi việc khi cả tháng em chỉ có đôi ba lần về đúng giờ ăn cơm nhà”. Theo ông, cả nhân viên và gia đình có thể đã “hơi quá căng” trong tình huống này, nhưng đó cũng là bài học trong quản lý của công ty. Từ đề nghị bất ngờ nói trên của anh nhân viên, công ty đã soát lại kế hoạch công tác để ảnh hưởng ít nhất đến nhịp sinh hoạt mỗi gia đình.

Không chỉ vì sức ép của công việc thời công nghiệp, tính cá nhân được đề cao ở nhiều người trẻ cũng là nguyên nhân khiến bữa cơm gia đình thiếu vắng, hiu hắt. Bà Nguyễn Mai L. (Cầu Giấy, Hà Nội) kể nhà có hai cậu con trai, lấy vợ xong cả hai đều đòi ở riêng. Hai vợ chồng già giờ cứ quanh quẩn vào ra, nhiều bữa cơm lặng thinh, chẳng biết nói chuyện gì. “Buồn lo hơn nữa khi vợ chồng thằng hai ra riêng nhưng ăn cơm hàng cả tuần, chẳng chịu nấu nướng...”.

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan cho hay trước đây, trong gia đình truyền thống, khi con gái đi lấy chồng, mẹ thường dặn: “Muốn giữ chồng, trước hết cần giữ lửa”, nghĩa là người vợ phải luôn luôn chăm lo cho cái bếp của mình thật ấm. Bữa cơm nhà biểu hiện đầy đủ chức năng của một gia đình, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc là cách để bày tỏ tình yêu. Ngày nay, vợ chồng trẻ thường xuê xoa ra chỗ này, chỗ kia ăn một tí, nhưng nếu để lâu dần thành thói quen, thành nếp sống sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ sau.

“Trước đây, văn hóa nông thôn không bao giờ phải đặt ra vấn đề này vì bữa cơm gia đình là đương nhiên, mọi người chấp hành như một trật tự gia phong phải có. Nhưng ngày nay nó là vấn đề xã hội, cần cảnh báo nhắc nhở, cần có người “cầm trịch”. Bao giờ cũng thế, người lớn phải gương mẫu, phải duy trì thì gia đình mới đi vào nền nếp” - ông Loan nói.

Ăn hàng quán - mối nguy sức khỏe

Nghiên cứu vừa công bố cuối năm 2009 của Học viện Quân y trên địa bàn Hà Nội cho thấy chuyện ăn hàng quán đang trở nên phổ biến với người dân đô thị: hơn 90% người dân ăn sáng ngoài hàng quán, tỉ lệ ăn trưa ngoài hàng quán là 81,5%. Ngay bữa tối, khi đã hết giờ làm, rộng rãi về thời gian thì tỉ lệ dân cư ăn ở hàng quán vẫn chiếm đến 1/5.

Thức ăn đường phố, thực phẩm chế biến sẵn đang làm đau đầu nhà quản lý. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy tại VN có đến 1/3 dân cư mắc các bệnh liên quan thực phẩm ô nhiễm (trong đó có cả bệnh ung thư). Nhiều người đã phải chuyển thẳng từ quán ăn đến bệnh viện vì ngộ độc do thực phẩm ô nhiễm.

Trong hội thảo mới đây về mầm bệnh sinh học, ký sinh trùng, cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm liên tục xua tay, lắc đầu khi nói đến những vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, dịch vụ thức ăn đường phố.

Điều tra của Học viện Quân y cũng đưa ra con số giật mình: 2/3 số người bán hàng có thói quen bốc thức ăn bằng tay, 1/2 không rửa tay trước khi lấy thức ăn và có đến 26% người bán hàng vô tư... hắt hơi, hỉ mũi, nhổ nước bọt ngay trong lúc chia thức ăn!

“Vậy nên tốt nhất là tăng cường ăn cơm nhà. Đừng vì tiền, vì bận hay vì... ngại mà lao ra ăn uống bên ngoài, chuốc bệnh vào người lúc nào không hay” - PGS.TS Nguyễn Văn Đề, trưởng bộ môn ký sinh trùng ĐH Y Hà Nội, cảnh báo.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên