16/05/2011 18:03 GMT+7

Cơm nắm lá cọ là người Phù Ninh

PHẠM THỊ THẢO
PHẠM THỊ THẢO

TTO - Không chỉ nổi tiếng bởi mảnh đất quê cha đất tổ, Phú Thọ còn đi vào lòng người bởi những món ăn thân quen qua câu ca dao truyền miệng. Cơm nắm lá cọ qua năm tháng đã trở thành món thương, món nhớ của người Phù Ninh.

Dù ai đi ngược về xuôi/ Cơm nắm lá cọ là người Phù Ninh

JeNfGUOF.jpgPhóng to
Cơm nắm lá cọ thơm mùi đồng quê xứ sở - Ảnh: P.T.T.

Phú Thọ có diện tích trồng cọ đứng đầu cả nước. Đời sống của người dân nơi đây chủ yếu gắn bó với cây cọ. Nói Phú Thọ là thủ đô của lá cọ hay lá cọ là đặc sản của nơi đây quả không sai. Cơm nắm lá cọ vốn bình dị mà tạo nên thú ẩm thực đậm đà hương vị núi rừng của xứ sở trung du này.

Hồi còn học lớp 4 tôi đã thuộc lòng câu thơ: Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt, nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát. Chuyến phà rào rạt bến nước Bình Ca… Chỉ thế thôi cũng đủ để tôi mường tượng tới những đồi cọ xanh ngút tầm mắt. Chưa một lần được đi dưới rừng cọ lú trời mưa, chưa từng được đội chiếc nón lá cọ nhưng tôi đã được thưởng thức cơm nắm trong lá cọ nơi đây.

Cơm nắm lá cọ vốn là món ăn dân dã nhưng vẫn cần đến những bàn tay khéo léo của người tạo nên. Cứ vào đúng mùa cọ, người ta lại lên đồi chặt những tàu lá cọ vẫn còn bánh tẻ về để nắm cơm. Những tàu lá cọ non còn chưa xòe hết, xanh mướt như uống trọn cái nắng ấm áp miền trung du.

Lá cọ đem về hơ qua lửa cho mềm, lau sạch rồi nắm với cơm. Kỹ thuật nắm cơm dường như chỉ có được ở những phụ nữ khéo tay. Gạo đầu mùa vừa được thu hoạch là ngon và dẻo nhất. Để có được mẻ cơm trắng, những nắm cơm vừa dẻo, ăn ngọt và thơm, người Phù Ninh rất có kinh nghiệm trong việc chế nước nấu cơm. Lượng nước nấu phải nhiều hơn so với nấu cơm ăn hằng ngày, đặc biệt phải dùng nước mưa đựng trong những chiếc bể cũ ngoài trời mới ngon.

Trước khi nắm phải dùng khăn mặt ướt hoặc tay nhúng nước lạnh nắm tròn lại, lăn kỹ nắm cơm cho thật nhuyễn đến khi nào hạt cơm không còn nguyên vẹn và dính quyện vào nhau thành một khối. Bỏ khối cơm vào trong lòng lá cọ túm lại, lăn đi lăn lại lần nữa cho thật chặt.

Từng nắm cơm với những viền sọc được tạo hình từ lá cọ đượm thơm mùi gạo quê quyện với chút hương của lá cọ. Bẻ đôi nắm cơm chấm với muối vừng lạc mới thấy hết được vị ngon của món ăn dân dã này. Cái vị ngai ngái của lá cọ như gửi trọn vào trong nắm cơm nho nhỏ ấy.

Khi xưa, mỗi lần vào rừng hay đi làm đồng xa, những người dân nghèo nơi vùng đất tổ lại mang theo những nắm cơm được nắm bằng lá cọ để tiện cho bữa ăn. Những người con nơi đây đi học xa, mỗi lần về quê lên lại được mẹ nắm cho những nắm cơm như thế mang lên, vừa chia cho cả phòng ăn vừa háo hức khoe về món đặc sản của vùng quê mình. Nhưng ngày nay, những đồi cọ đã không còn nhiều nữa và những thói quen như thế dường như cũng bị quên lãng. Chỉ còn một số xóm nghèo khi có việc vào rừng hay lên núi mới đem theo cơm nắm lá cọ.

Đến Phú Thọ vào những phiên chợ quê, những chiếc nón lá cọ, những chiếc chổi cọ vẫn còn được bày bán, nhưng món cơm nắm lá cọ thì không còn nhiều nữa. Nhưng cái hương vị ấy mãi tồn tại trong các câu ca dao, trong những câu chuyện được kể lại của những người con sống trên mảnh đất Phù Ninh này.

PHẠM THỊ THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên