Sáng 22-8 giờ Paris (chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam), Tòa phúc thẩm Paris đã ra phán quyết về vụ kiện của bà Trần Tố Nga.
Tòa phúc thẩm Paris đã ra phán quyết giống Tòa sơ thẩm Ervy: Các tập đoàn, công ty hóa chất Mỹ được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm pháp lý vì họ sản xuất các độc chất theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ (PV - trong khi Chính phủ Mỹ được miễn trừ vì do hoàn cảnh chiến tranh). Do vậy, tòa không có thẩm quyền xét xử vụ kiện.
Báo L'Humanité (Nhân Đạo) dẫn lời tổ chức Collectif Vietnam Dioxine cho biết một điều đáng buồn là tòa phúc thẩm còn buộc bà Trần Tố Nga trả 1.500 euro cho mỗi công ty bị kiện.
"Chúng tôi vô cùng bàng hoàng trước tin này, vì nó cho thấy sự thụt lùi rõ rệt trong việc công nhận quyền lợi của các nạn nhân chất độc da cam, hiện có khoảng 3 triệu người ở Việt Nam, Campuchia và Lào", L'Humanité trích lời Collectif Vietnam Dioxine.
Biết bao tiếng nói và thân thể bị tổn hại bởi chiến tranh, biết bao hy vọng ngày càng xa vời khi mà gần 50 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, họ vẫn chưa thể đạt được bất kỳ công lý nào.
Những nạn nhân của chất độc da cam đã đặt niềm tin vào bà Trần Tố Nga, như một niềm hy vọng cuối cùng để yêu cầu bồi thường từ những công ty đã gây ra một trong những cuộc tàn phá môi trường lớn nhất trong lịch sử.
"Hôm nay, chúng tôi vô cùng đau lòng trước tin này nhưng vẫn luôn sát cánh cùng bà Trần Tố Nga, một người phụ nữ đã và đang cống hiến những năm cuối đời cho cuộc chiến chống lại chất độc da cam đầy chính nghĩa", Collectif Vietnam Dioxine cho biết.
Bà Trần Tố Nga - một người phụ nữ đã trải qua chiến tranh, mất mát, bệnh tật, tù đày và tra tấn, nhưng một ngày nào đó bà sẽ được hưởng công lý.
Bà đã khơi dậy nhận thức chính trị cho cả một thế hệ người gốc Á và hơn thế nữa, dù có chuyện gì xảy ra, bà vẫn sẽ truyền lửa cho thế hệ sau.
Với "sự kiên nhẫn, dũng cảm và quyết tâm", như bà vẫn thường nói, Collectif Vietnam Dioxine khẳng định luôn ủng hộ bà Trần Tố Nga trong quyết định kháng cáo lên tòa giám đốc thẩm, mà các luật sư của bà đã tuyên bố sau quyết định của Tòa phúc thẩm Paris.
Collectif Vietnam Dioxine còn cho rằng cuộc chiến pháp lý kéo dài này đã giúp nâng cao nhận thức về thảm kịch chất độc da cam trong cộng đồng, chủ đề trước đây ít được biết đến ở cả Pháp và Việt Nam.
Cuộc chiến không chỉ ở khía cạnh pháp lý mà còn là văn hóa và ký ức, và Collectif Vietnam Dioxine tuyên bố sẵn lòng tham gia vào cuộc chiến này cùng với bà Trần Tố Nga.
Sự ủng hộ từ các chính trị gia, các tổ chức công đoàn, các hiệp hội chống phân biệt chủng tộc, các nhà hoạt động môi trường và sự lan tỏa rộng rãi của vụ kiện trên truyền thông đã tiếp thêm động lực cho Collectif Vietnam Dioxine để tiếp tục cuộc đấu tranh này.
Do đó Collectif Vietnam Dioxine, một hiệp hội được thành lập vào năm 2004 bởi cộng đồng người Việt tại Pháp nhằm làm rõ những hậu quả của chất độc da cam, sẽ tiếp tục kể câu chuyện về hành trình của bà Trần Tố Nga và bảo vệ tất cả những ai đã và đang đấu tranh chống lại các loại thuốc khai quang của ngành công nghiệp hóa chất.
Theo TTXVN, thành lập từ năm 2004, Collectif Vietnam Dioxine là tổ chức phi chính phủ, tập hợp gần 20 hội, đoàn của người Việt Nam tại Pháp và bạn bè Pháp, trong đó có Hội Người Việt Nam tại Pháp (UGVF), Hội Thanh niên Việt Nam tại Pháp (UJVF), Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), Hội Cựu chiến binh cộng hòa của Pháp (ARAC), Ủy ban Pháp về Làng hữu nghị Vân Canh, Quỹ cảnh báo về chất độc da cam (FaAOD), Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF)...
Với mục đích tuyên truyền về thảm họa chất độc da cam/dioxine tại Việt Nam và những hậu quả lâu dài của loại hóa chất độc hại này đối với con người và môi trường, vận động quyên góp để ủng hộ và giúp đỡ các nạn nhân ở Việt Nam, tổ chức này đã phát động nhiều đợt thông tin, tuyên truyền, triển lãm, cũng như kêu gọi sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè Pháp và cộng đồng quốc tế đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận